![]() |
Diệu Như Trang, biên kịch 8X của bộ phim 'Thứ ba học trò". |
- Bộ phim truyền hình “Thứ ba học trò” nhận được nhiều sự phản hồi và đánh giá tích cực lẫn tiêu cực từ phía người xem. Đứng ở vai trò người biên kịch, chị nhận xét gì?
- Kịch bản phim Thứ 3 học trò chính là câu chuyện dễ thương về thời học sinh của tôi, thật hạnh phúc khi được dành tặng cho những ai yêu mái trường của mình. Đây là bộ phim truyền hình có thể xem là đầu tay của tôi, nên tôi trân trọng tất cả những ý kiến đóng góp. Tôi thích cả những lời khen tiếng chê, vì thật nhàm chán nếu cứ được khen mãi, trong khi nghệ thuật thì thật vô chừng. Tôi rất biết ơn những lời nhận xét khách quan, vì đó chính là động lực để tôi viết ra những tác phẩm nghệ thuật mới tốt hơn nữa.
- Trước đó thấy chị viết kịch bản cho những vở kịch liêu trai kinh dị, giờ chuyển sang đề tài tuổi teen. Vậy phong cách chủ đạo của chị là gì?
- Với nghề nghiệp tôi đang làm, tôi là người nhỏ tuổi nhất. Mọi người vẫn cứ hay trêu tôi là biên kịch, đạo diễn baby. Vậy nên khi còn trẻ, tôi muốn được thử sức ở nhiều lĩnh vực. Tôi có thể viết về đề tài kinh dị, teen nhưng sở trường của tôi là những câu chuyện về tình yêu hài hước, lãng mạn. Tôi thích khai thác đề tài này và hai trong số các đề tài của tôi đã được hãng phim Worldstar chọn để khởi quay vào đầu tháng 4, Màu của tình yêu và Hãy nói anh yêu em.
- Biên kịch, viết sách, tập làm đạo diễn. Những bước đi của chị khá giống những ngày đầu của nữ sĩ Quỳnh Dao (Trung Quốc). Nếu nói chị đang bị ảnh hưởng, đi theo con đường của nhà văn nổi tiếng này, chị nghĩ sao?
- Quỳnh Giao là người khiến tôi rất ngưỡng mộ. Ngay từ lúc còn nhỏ, tôi đã say mê những bộ phim do bà biên kịch như Xóm vắng, Hải âu phi xứ, Nàng dâu câm… Sau này tôi luôn lấy nữ sĩ làm tấm gương cho mình học tập, cũng như tìm hiểu những tác phẩm của bà để có thêm những trải nghiệm cho mình.
Tuy nhiên, nếu nói bị ảnh hưởng thì chắc là không. Vì trong khi Quỳnh Dao chủ yếu khai thác các đề tài liên quan đến những bi kịch trong tình yêu, tôi lại chú trọng đến các yếu tố hài hước, nhẹ nhàng, thú vị trong tình cảm. Vấn đề này tôi nghĩ là do tính thời đại, khán giả bây giờ không như ngày xưa, họ chuộng sự hài hước, những tiếng cười để giải tỏa căng thẳng từ cuộc sống.
- Với độ tuổi còn khá trẻ như chị, những trải nghiệm nào giúp chị khai thác triệt để được các khía cạnh của tình yêu trong hai bộ phim lãng mạn sắp tới của mình?
- Vì cả thế giới đang yêu nhau đấy thôi (cười) cho nên tôi có quá nhiều dữ liệu để viết.
![]() |
Nữ tác giả chính là người chọn Đan Trường cho vai diễn Nghiêm Tuấn trong phim. |
- Theo tin từ đoàn phim “Thứ ba học trò”, chị là người đề cử nam ca sĩ Đan Trường cho vai thầy giáo Nghiêm Tuấn. Đây là sự tình cờ hay lựa chọn mang tính cá nhân?
- Anh Đan Trường dễ thương vậy, thì nếu không phải là tôi, ai khác cũng sẽ chọn anh ấy vào phim thôi. Tôi chọn ca sĩ Đan Trường vì anh ấy phù hợp với vai thầy giáo Nghiêm Tuấn mà tôi đã viết.
- Dù là nhà biên kịch nhưng chị cũng tham gia vào việc chọn các vai diễn. Chị đang “triệt để” học theo “cách tạo sao” của Quỳnh Dao với những tên tuổi mà bà đã hô biến thành các nàng Hoa đán như Triệu Vy, Lâm Tâm Như, Phạm Băng Băng?
- Nếu tôi có khả năng tiên đoán và làm được như vậy thì quá tốt đấy chứ. Thật đơn giản thôi, tác giả chính là người hiểu rõ nhất ai thích hợp với nhân vật mà mình đã viết. Thật ra trong khâu casting, tác giả cùng đạo diễn có quyền ngang nhau trong lựa chọn diễn viên. Vì vậy nên không có chuyện tác giả viết xong kịch bản rồi thì phó thác đứa con tinh thần cho đạo diễn muốn ra sao thì ra. Tuy nhiên, trong tương lai gần, tôi hướng đến nghiệp đạo diễn, để có thể hiện thực hóa hơn cho những việc kiểu này.
- Ở Việt Nam, nhiều diễn viên còn than nghèo, kể khổ về cát-xê đóng phim của mình, vậy với một người biên kịch như chị thì sao?
- Tôi nghĩ thu nhập từ nghề nghiệp sáng tác mang lại cho tôi một cuộc sống thoải mái để tiếp tục sáng tạo. Tôi viết kịch bản khá nhanh vì tôi biết chọn những đề tài phù hợp với kiến thức và sở trường của mình. Vì vậy cho đến nay, nghề nghiệp này khiến tôi thấy lựa chọn của mình là đúng.
- Chị có thể tiết lộ con số cụ thể mà mình thu được sau từng dự án phim?
- Tôi chỉ có thể nói rằng nghề biên kịch ngày càng được chú trọng, giá cho các kịch bản cũng luôn thay đổi. Hiện tại giá cho mỗi tập phim khoảng 7 đến 10 triệu.
|
Diệu Như Trang cũng có khả năng diễn xuất nhưng chị muốn dành cơ hội đó cho các bạn trẻ khác. |
- Gần đây, dư luận xôn xao với việc "Sợi xích" của Lê Kiều Như bị ngưng phát hành vì có nội dung khá sốc về sex. Ở góc độ một người viết trẻ, chị nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
- Lê Kiều Như có tặng tôi cuốn sách của cô ấy. Cá nhân tôi nghĩ Như là một nghệ sĩ, một diễn viên, ca sĩ viết sách, lại chọn một đề tài khá khó là tình dục để khai thác, nên có thể nói đó là một lựa chọn mạo hiểm. Tôi nghĩ điều cô ấy cần bây giờ là được nhận những lời góp ý chân thành để rút kinh nghiệm về sau.
Tôi cũng theo đuổi nghiệp viết, nhưng đó là nghề ăn sâu vào máu, là công việc, là nhân cách, chứ không phải là một cuộc dạo chơi. Chính vì thế không bao giờ tôi chọn cách viết sách sốc, tôi chỉ viết những gì có giá trị nhân văn và bền lâu.
- Học trường sân khấu, có ngoại hình và chút kinh nghiệm diễn xuất, lại là người “thai nghén” những nhân vật trong tác phẩm của mình. Tại sao chị không theo đuổi nghề diễn viên?
- Thực tế, có rất nhiều đạo diễn thậm chí nhà sản xuất đề nghị tôi tham gia vai chính trong phim, tuy nhiên, tôi muốn để dành cơ hội làm diễn viên cho các bạn trẻ khác. Tôi thích đứng ở vai trò sáng tác và thực hiện. Bởi ở vị trí này, tôi có thể quan sát được nhiều thứ, nắm bắt, tích góp được nhiều trải nghiệm hơn cho cách viết của mình.
- Chị thuộc tuýp người phụ nữ của công việc hay gia đình?
- Tôi là người biết cân bằng giữa công việc và gia đình. Tôi thích nấu ăn và nấu ăn rất ngon. Tôi cũng yêu công việc của mình, tuy nhiên vẫn sẵn sàng chấp nhận từ bỏ nếu gây ảnh hưởng đến những người tôi yêu thương. Vì vậy tôi cân bằng giữa gia đình và công việc bằng cách chọn nghiệp sáng tác là chính, hạn chế những việc mang tính giao lưu quá nhiều.
Quân Ngọc thực hiện
Ảnh do nhân vật cung cấp