Vào một buổi sáng mùa hè, Martin Lindsay đánh chiếc ôtô hiệu Jaguar mới coóng vào bãi đỗ trên phố Eastcheap ở trung tâm London. Hai tiếng sau, Lindsay trở lại và hoảng hốt phát hiện một bên kính chiếu hậu cùng logo hình con báo đốm trên xe của mình đã bị biến dạng, theo Guardian.
Thủ phạm gây ra sự cố hy hữu này chính là tòa nhà 37 tầng gần đó, được người dân London đặt biệt danh "Máy bộ đàm" hay "Walkie Talkie" vì hình dáng của nó giống thiết bị liên lạc vô tuyến cầm tay của quân đội.
Những tấm kính với thiết kế cong đặc biệt của tòa nhà đã hội tụ ánh sáng Mặt Trời xuống xe cộ, đồ vật ở phía trước, tạo ra sức nóng lên tới hơn 90 độ C, đủ sức nung chảy vỏ nhựa của ôtô trong thời gian dài. Nhà thầu của tòa cao ốc đã nhận trách nhiệm và đồng ý bồi thường thiệt hại cho Linsday.
Chiếc Jaguar không phải là "nạn nhân" duy nhất. Cư dân sống xung quanh cho biết nhiệt độ trên phố Eastcheap đặc biệt tăng cao vào buổi trưa, sức nóng của Mặt Trời phản chiếu từ cao ốc Walkie Talkie đã hun chảy yên xe đạp, khiến thảm chùi chân để ngoài cửa cháy xém và bốc khói, thậm chí rán chín trứng.
Chưa hết, cao ốc này còn là thủ phạm của những cơn gió mạnh bất thường. Sau khi được xây dựng, tòa nhà chọc trời này đã biến những con phố xung quanh trở thành các khe hút gió khiến người đi bộ nhiều lần suýt bị hất tung, còn các bà nội trợ trên đường đi chợ về thường xuyên phải chạy đuổi theo những chiếc xe đẩy chở thực phẩm bị gió cuốn.
"Đố mà tìm được một nhận xét tích cực về tòa cao ốc này", chủ tịch hội đồng giám khảo Carbuncle Cup nói. "Nó trông giống như một cái nhọt ứ nước chình ình trên nền trời London, như một vị khách không mời mà đến trong bữa tiệc, người dân thành phố có thể nhìn thấy tòa nhà cách đó hàng km". Carbuncle Cup là cuộc bình chọn công trình có "thiết kế xấu nhất" do tạp chí kiến trúc Building Design của Anh tổ chức hàng năm.
Tòa nhà có tên chính thức là tòa cao ốc số 20 phố Fenchurch, London này đã được trao danh hiệu tòa nhà xấu xí nhất ở Anh năm 2015.
Với diện tích 33.000 m2, Walkie Talkie được làm bằng kính có thiết kế cồng kềnh. Càng lên cao, tòa nhà càng phình ra, đi ngược lại các nguyên tắc thiết kế cơ bản. Thông thường, phần trên của công trình cao tầng thường được xây nhỏ hơn hoặc bằng phần bên dưới để tạo ra sự cân bằng thị giác. Theo kiến trúc sư Eleanor Jolliffe, chủ đầu tư của tòa nhà chỉ muốn tối đa hóa diện tích và không gian của các tầng trên cao để thu lợi. Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng khu sân vườn trên tầng thượng trông "nhạt nhẽo" và không đáp ứng được các kỹ thuật thiết kế.
"Tòa nhà giống như nhân vật phản diện trong phim James Bond", kiến trúc sư Jolliffe so sánh, "Các thành viên trong hội đồng giám khảo đều đồng thuận bỏ phiếu bình chọn cho Walkie Talkie".
Rafael Viñoly, kiến trúc sư thiết kế tòa nhà, phân trần: "Tôi không nghĩ là London nóng như vậy, chắc là do hiệu ứng nhà kính, trước kia đâu có vậy".
An Hồng