Một chi nhánh của SITC tại TPHCM bất ngờ đóng cửa sau khi lãnh đạo SITC biến mất. |
Cuộc họp càng căng thẳng hơn khi thông tin từ Singapore báo về cho biết, SITC Singapore cũng đã “biến mất” như SITC Việt Nam
Cho đến thời điểm này, Bộ KH-ĐT vẫn chưa thể liên hệ được với chủ đầu tư của SITC Việt Nam là Life Knowledge Consultancy Pte. Ltd, Singapore, đơn vị sẽ phải chịu trách nhiệm chính trong việc biến mất của SITC Việt Nam. Chính vì thế, trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong nước sẽ trở nên rất nặng nề trong việc giải quyết quyền lợi cho các học viên cũng như cán bộ, nhân viên của SITC Việt Nam.
5 sai phạm lớn của SITC Việt Nam
Cả chiều 14/2, các vụ chức năng của Bộ GDĐT đã dành toàn bộ thời gian thảo luận về việc soạn thảo báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ về vụ đổ vỡ của SITC (việc này, dự kiến ban đầu thuộc về trách nhiệm của Bộ KH-ĐT). Trong báo cáo dự kiến trình Thủ tướng ngày hôm nay, 15/2, Bộ GDĐT đưa ra 5 sai phạm chính của Trung tâm SITC tại TPHCM và các chi nhánh, đó là sai phạm về các văn bản pháp lý, về hoạt động quảng cáo chiêu sinh, về kế hoạch, về chương trình giảng dạy và về văn bằng chứng chỉ.
Theo ông Trần Bá Giao, Phó chánh Thanh tra Giáo dục, mặc dù chỉ được cấp phép đào tạo 2 lĩnh vực là nghề và tiếng Anh nhưng chi nhánh SITC tại TP HCM và Đà Nẵng vẫn quảng cáo chiêu sinh đào tạo thạc sĩ quản trị kinh doanh được quy đổi thành BBA và MBA tại Singapore. Toàn bộ 72 giáo viên người nước ngoài của trung tâm đều không có chứng thực của lãnh sự Bộ Ngoại giao, chủ yếu số này chỉ có thị thực du lịch, nhiều người đã hết hạn. Tất cả các chi nhánh đều không có hợp đồng lao động và không được phép của bất cứ cơ quan, tổ chức nào đối với số người nước ngoài tham gia giảng dạy. Các đối tượng này được đào tạo ở nhiều ngành khác nhau như khoa học xã hội, cử nhân nghệ thuật, cử nhân nghiên cứu về tôn giáo... nên việc tham gia giảng dạy nghề và tiếng Anh là không phù hợp, không có sự giám sát về nội dung giảng dạy trên lớp của đối tượng này.
Về văn bằng chứng chỉ, tại TP HCM và Hà Nội cũng như ở các chi nhánh khác, SITC đã cấp gần 2.500 giấy chứng nhận sử dụng con dấu không phải là con dấu đăng ký với cơ quan công an. Người ký tên với chức danh hiệu trưởng trên giấy chứng nhận hoàn toàn không có cơ sở pháp lý nào (Mr. Jacklim, Dr. Michael Yu)...
Điều quan trọng nhất đối với các cơ quan chức năng bây giờ là làm thế nào để bảo vệ quyền lợi của hơn 20.000 học viên, cũng là “nạn nhân” của SITC Việt Nam. Theo kiến nghị trong báo cáo mà bộ dự kiến sẽ trình Thủ tướng, ba bộ KHĐT, GDĐT và LĐ-TB-XH sẽ thành lập một tổ công tác liên ngành cấp bộ để giải quyết hậu quả vụ việc do Bộ KH-ĐT chủ trì. Một nội dung nữa cũng rất quan trọng là phải kiểm tra, thống kê toàn bộ số học viên của SITC tại tất cả các chi nhánh trên toàn quốc để đánh giá mức độ thiệt hại của các học viên.
Ông Lại Hữu Miễn, Phó Vụ trưởng Giáo dục thường xuyên, Bộ GD-ĐT, cho biết bộ này đã có công văn yêu cầu Sở GD-ĐT của 7 địa phương có chi nhánh của trung tâm SITC là TP HCM, Hà Nội, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Cần Thơ và Hải Phòng tiến hành kiểm tra, thống kê cụ thể số học viên của SITC và phân loại các trường hợp đóng học phí đã được học, chưa được học và đã học nhưng chưa hết khóa; số giáo viên còn bị nợ lương và các trang thiết bị, tài sản... Các địa phương phải nhanh chóng báo cáo về Bộ GD-ĐT toàn bộ tình hình cụ thể hiện nay để Bộ GD-ĐT sớm có biện pháp giải quyết.
Cũng để tránh việc đẩy “quả bóng trách nhiệm” trong việc quản lý các cơ sở đào tạo 100% vốn nước ngoài giữa 2 bộ GD-ĐT và KH-ĐT, Bộ GD-ĐT sẽ rà soát lại các văn bản pháp lý nhằm phân định rõ trách nhiệm quản lý của các bên.
Ông Lại Hữu Miễn cũng cho hay, Bộ GD-ĐT cũng sẽ chỉ đạo các sở GDĐT địa phương tăng cường kiểm tra hoạt động đào tạo của các cơ sở nước ngoài tại Việt Nam. Trên cơ sở Nghị định 06/2000/NĐ-CP ngày 6/3/2000 của Chính phủ, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục ban hành các văn bản hướng dẫn hoạt động của các cơ sở giáo dục nước ngoài tại Việt Nam để bảo đảm về khuyến khích đầu tư nước ngoài thực hiện đúng các quy định của pháp luật Việt Nam.
(Theo Người Lao Động)