Khác hẳn bên ngoài của khu phố cổ tấp nập, buôn bán, khách du lịch, ngôi nhà số 118 phố Hàng Bạc tĩnh lặng và khá ấm cúng. Một đứa trẻ mắt to tròn, thông minh, thoăn thoắt bò khắp nhà bằng một chân. Cháu là Hồ Thiện Nhân, một đứa trẻ bị người mẹ bỏ rơi từ giữa tháng 7/2006.
Người dân khu vực Núi Thành (Quảng Nam) phát hiện cháu trong tình trạng mất chân phải (phần còn lại chỉ dài 12 cm), mép vết da và cơ rách đứt nham nhở; vùng bẹn cẳng chân và bàn chân trái có nhiều vết rách thủng da và xây xát da nhỏ không liên tục; mất 2 tinh hoàn; 1/3 dương vật bị mất và mép rách nham nhở...
Bé Hồ Thiện Nhân được 18 tháng tuổi. |
Cháu được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam cấp cứu. Khi đó, các bác sĩ nhận định, bé khó qua khỏi vì tình trạng sức khỏe quá yếu sau 3 ngày không ăn uống và cơ thể bị súc vật cắn tan tành. Bé đã được cứu sống trong sự ngỡ ngàng của các bác sĩ.
Một thời gian sau, nhà chùa đến thăm bé tại bệnh viện và đặt cho cháu cái tên Hồ Thiện Nhân với mong muốn điều Thiện, lòng Nhân sẽ theo cháu mãi mãi. Cuối năm 2006, bé Thiện Nhân được một số tổ chức cùng các “mẹ” (những người giúp đỡ bé Nhân) đưa đi khám tại một phòng bệnh của bác sĩ nước ngoài. Tại đây, các bác sĩ xác định, phần chân cụt của Nhân còn lại dài 12cm và chuyển động tốt, trẻ cần được thay chân giả hàng năm đến khi 7 tuổi để tránh cong vẹo cột sống. Đến năm 12-13 tuổi, cứ 3 năm, bé phải thay một lần cho đến khi 21 tuổi (độ tuổi hoàn thiện khung xương) là lần thay chân lần cuối cùng.
Về phần cơ quan sinh dục, bé phải được giữ sạch sẽ kể từ khi bộ phận sinh dục của bé phát triển một lỗ nhỏ… Việc tái tạo cơ quan sinh dục và tinh hoàn có thể thực hiện khi bé đến tuổi dậy thì. Bác sĩ này cũng nhận định, cần phải điều trị về căn bệnh do hormone giới tính gây ra, nghĩa là bé cần phải được tiếp hormone nam giới suốt trong quãng đời của cháu sau này.
Sau nhiều tháng ngày, Nhân ở nhà ngoại trên khu vực Núi Thành. Ông bà ngoại quá nghèo, mẹ đẻ còn ít tuổi, lỡ bỏ con một lần nên cũng không ngó ngàng khi bé Nhân sống với bố mẹ mình. Trong những lần đến thăm bé Nhân tại đây, nhiều “mẹ” đã quyết định tìm cho con một gia đình để có thể chăm sóc, chữa trị.
Chỉ còn một chân trái nhưng bé Nhân vẫn có thể thoăn thoắt bò khắp nhà. |
Chị Mai Anh, một người phụ nữ đã có hai cậu con trai kháu khỉnh, và chồng sống trên phố Hàng Bạc (Hà Nội) đã quyết định nhận bé Nhân về nuôi. Chị kể: “Tôi có biết về trường hợp của bé Nhân trên một số trang web, tôi rất xúc động. Cuối năm 2007, tôi và một số người vào tận nơi cháu sống với ông bà ngoại để thăm. Cháu thật thông minh, nhạy cảm nhưng phải chịu thiệt thòi như vậy khiến tôi không cầm được nước mắt. Thương bé lắm và tôi cùng chồng đã có quyết định táo bạo - nhận nuôi cháu”.
Nửa tháng trước, hai vợ chồng lặn lội bay vào Đà Nẵng, thuê xe ôm rồi đi bộ hơn 3 km để đến được nhà bé Nhân. Chị Mai Anh cho biết, gia đình định đón bé từ trước Tết Nguyên đán nhưng nhiều lần không liên lạc được với mẹ bé để lấy chữ ký đồng ý cho vợ chồng chị nhận nuôi cháu. “Nhưng quan trọng là giờ, bé Nhân đã được về đây sống với chúng tôi và hai người anh của cháu là vui rồi, cũng như việc cháu sẽ có nhiều cơ hội để chữa trị bệnh tật sau này”, chị Mai Anh tâm sự.
Đến nay, Nhân đã hòa nhập với bố mẹ và hai người anh mới (anh cả tên Thiện Minh, anh hai tên Thiện Nhân, trùng tên với em út) ở Hà Nội. Bé rất thông minh, nhanh nhẹn, điều đó đã thuyết phục cả nhà cũng như hai bà ngoại, nội. Hàng ngày, anh chị đi làm còn hai con chị (đứa 8 tuổi và 3 tuổi) đến lớp, bé Nhân được bà ngoại đến chăm nom.
Trong gia đình, Nhân rất “thân” với anh cả, ngay ngày đầu tiên, bé đã quấn quýt và chỉ ngủ khi có anh Thiện Minh bế. Ba ngày đầu tiên ở nhà mới, lúc nào, bé Nhân cũng chỉ ngủ ngồi, bởi lạ nhà. Nhìn bé như vậy, anh chị Mai Anh càng thương con hơn và không ít lần rớt nước mắt. Bé Nhân nhạy cảm đến mức, không một ai “được xem” vết thương cũ của cháu. Mỗi lần định giở quần ra, bé nhất quyết ngăn lại bằng cách khóc, gạt tay không cho cởi.
Ngày đầu tiên về nhà, anh cả phải thức rất khuya vì Nhân không rời nửa bước. |
“Ngay cả khi đến bệnh viện, các bác sĩ ở đây cũng không thể nào khám được nếu có ‘ý định’ cởi quần xem chỗ vết thương cũ của con. Ngay cả việc lấy nước tiểu, cũng khó khăn. Có hôm, thấy bé tè ra sàn, cả nhà cuống quýt lấy thìa và các dụng cụ để hớt nước tiều đem đi xét nghiệm. Nhưng mang đến nơi, bác sĩ nói, nước tiểu bẩn quá không thể làm xét nghiệm được”, chồng chị Mai Anh kể.
Chiều qua, khi phóng viên Ngôi Sao đến thăm bé, lúc đầu, dỗ dành thế nào cháu cũng không theo và không cho bế. Một lúc sau, làm quen được rồi, bé Nhân đâm ra "bện hơi" và nhất quyết đòi bằng được chú phóng viên xúc cơm. “Con nó chỉ thích ăn cơm và ăn chuối cứ như con khỉ đó. Bé bóc quả chuối rất sành điệu”, bà ngoại bé kể.
Tuy mới 18 tháng nhưng bé Nhân rất tình cảm. Thấy chú phóng viên ngồi xổm xúc cơm cho mình, bé Nhân bò từ trên giường thoăn thoắt xuống nền nhà để tìm ghế. Không thấy, cậu bé đòi bà ngoại vào trong bếp lấy ghế cho chú ngồi.
Từ hôm nhận cháu về, vợ chồng chị Mai Anh đã đưa cháu đến Bệnh viện Việt - Pháp khám để có lộ trình chữa trị lâu dài. Bé Nhân phải thay chân giả hàng năm, cho đến khi cơ thể không phát triển được nữa để chống cong vẹo cột sống. “Hiện tại, cứ 2 tháng chúng tôi phải thay chân giả cho cháu một lần, đó mới chỉ là chân gỗ nhưng giá cũng tới 800 USD một cái. Ở Việt Nam, không có chân chuyển động được nên chúng tôi cố gắng liên hệ ở nước ngoài để mua cho cháu”, chị Mai Anh nói.
Về việc điều trị bộ phận sinh dục, các bác sĩ cũng khuyên anh chị phẫu thuật chuyển đổi giới tính cho bé Nhân. Tuy nhiên, chị nhất quyết không đồng ý, bởi chị muốn Nhân vẫn là một đứa trẻ nam với một tinh thần kiên cường, 72 giờ đồng hồ chống chọi với tử thần, bao nhiêu tháng ngày đối chọi với bệnh tật, đau đớn về những mất mát trên cơ thể. Nếu để nguyên giới tính, Nhân sẽ được làm dương vật giả và phải tiêm hormone đến cuối cuộc đời.
Ngày 1/4, Nhân được đứng thẳng bằng hai chân. |
Điều này khiến vợ chồng chị Mai Anh gặp không ít khó khăn khi chi phí cho quá trình chữa trị về sau của bé Nhân. Nhưng đã xác định nhận Nhân về nuôi, vợ chồng chị biết, con đường phía trước rất dài. Chị Mai Anh rưng rưng kể: “Hôm 1/4 vừa qua, lần đầu tiên khi bé Nhân được lắp chân giả, tôi rùng mình và cảm nhận sâu sắc về sự thiếu hụt đó của bé”.
Bạn có thể chung sức giúp đỡ bé Nhân cùng vợ chồng chị Mai Anh theo địa chỉ: Mai Anh, số 118, phố Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Email: hanoiguppy@gmail.com hoặc elkeray@yahoo.com |
Quang Việt