- Chị đang vào vai bà Tú trong phim "Sài Gòn nhật thực", chị có thể cho biết đôi nét về nhân vật này?
- Câu chuyện chính của Sài Gòn nhật thực diễn ra với bối cảnh ngôi nhà của bà Tú - cô Kiều, ở đó đạo diễn muốn đẩy mạnh nét truyền thống qua phần khắc họa tình mẹ con, mẹ vì con, con vì mẹ, mỗi người đều hy sinh đời sống riêng của mình để người kia được hạnh phúc. Bà Tú là một phụ nữ của thời hiện đại khi bước vào thị trường với những thử thách khắc nghiệt.
- Đến lúc diễn xuất chín muồi thì lại rất ít vai diễn vì hạn chế tuổi tác, theo đuổi nghề nghiệp có mang đến cho chị sự thất vọng?
- Tôi buộc phải chấp nhận vì với phim Việt Nam, những vai diễn chính dành cho lứa tuổi của tôi không nhiều dù độ tuổi này có được sự trải nghiệm, cuộc đời trải qua nhiều sóng gió nên họ sẽ thể hiện vai diễn một cách sâu sắc. Thế nhưng, người làm phim vẫn quan niệm rằng, phim hấp dẫn phải dành cho những người trẻ - đó là điều kiện đầu tiên. Riêng bà Tú phim Sài Gòn nhật thực là một vai diễn rất quan trọng, là dấu ấn mạnh để màu sắc trong phim phong phú hơn.
![]() |
Diễn viên Như Quỳnh trong phim "Sài Gòn Nhật thực". |
- Với kinh nghiệm của mình, vì sao không thấy chị tham gia kịch nghệ, hay tham gia viết kịch bản và làm đạo diễn?
- Tôi chỉ thích đóng phim, vì thế tôi không thể là diễn viên sân khấu. Còn với công việc biên kịch hay đạo diễn, quả là điều không dễ bởi đạo diễn là người hiểu biết đầy đủ mọi yếu tố: hiểu về tâm lý nhân vật, thiết kế,... thực sự phải là những người hoàn hảo, đủ tài thì mới được. Diễn viên chuyển sang làm đạo diễn sẽ hạn chế rất nhiều nếu muốn có một bộ phim hay. Với riêng mình, tôi muốn được sống với những nhân vật, những hoàn cảnh khác nhau để hiểu hơn về cuộc sống và để đời sống mình phong phú hơn.
- Là người từng tham gia rất nhiều phim nước ngoài, làm việc với nhiều đạo diễn Việt kiều, chị nhận thấy cách làm phim của họ thế nào?
- Trước nay, vẫn có dư luận rằng các đạo diễn Việt kiều làm phim không hay. Hay hay không, xuất sắc hay không là do đạo diễn và quan trọng là cái cách kể chuyện của họ như thế nào. Với phim của họ, nếu nhìn bằng con mắt của mình, thấy như vậy là trật nhưng như thế thì áp đặt quá.
- Còn với các đạo diễn trẻ, chị có cái nhìn thế nào?
- Tôi đã làm việc với Trần Anh Hùng, Vũ Ngọc Đãng, Ngô Quang Hải, Othello Khanh và nhận thấy một luồng gió mới thật sự. Họ trẻ, sẽ không tránh khỏi những cái thô nháp nhưng quan trọng trong phim họ đều có những cái lạ. Khi thấy Othello Khanh làm việc, cái tôi lạ nhất là Khanh làm việc một cách chuyên nghiệp và nhuần nhuyễn, một không khí làm phim luôn bắt nhịp cùng nhau một cách đều đặn, trình tự. Còn với Ngô Quang Hải, chưa làm phim lần nào nên cũng có những cái tôi chưa bằng lòng nhưng tôi nhận thấy Hải có sự say mê trong công việc đạo diễn, hết lòng với bộ phim và với ý tưởng mà cậu ấy theo đuổi. Đó là cái đáng quý.
- Chị có nhận xét gì về thế hệ diễn viên trẻ hôm nay khi họ có quá nhiều việc phải làm, có khi kiêm nhiệm nhiều vai trò: diễn kịch, MC, ca hát và đóng phim...
- Các bạn trẻ tham gia rất nhiều công việc khác nhau, đóng phim, ca hát, diễn kịch.. đều đó sẽ mang đến nhiều sắc màu trong nghề nghiệp, đó là một thuận lợi nhưng mặt khác lại hạn chế rất nhiều, nếu làm như vậy họ đã chấp nhận một sự không hoàn chỉnh. Khi tham gia quá nhiều sẽ không có thời gian riêng biệt để đầu tư vào vai diễn, trong khi diễn xuất cần có sự nhuần nhuyễn trong từng phân đoạn. Đối với diễn viên phim truyền hình, thật lòng tôi không chú ý lắm vì tôi nghĩ đó cũng là dạng báo hình mà thôi, dùng lời để diễn tả tính cách nhân vật. Nếu đóng nhiều phim truyền hình, các diễn viên sẽ nhận thức sai lệch về khả năng diễn xuất rất nhiều. Vì thế, tôi vẫn đặt nặng phim điện ảnh mới gọi là phim.
- Diễn viên trẻ nào gây được ấn tượng với chị?
- Thời gian qua, tôi có dịp tham gia cùng Trương Ngọc Ánh. Mỗi phim sau, tôi thấy Ánh diễn xuất tốt hơn, sâu sắc, tinh tế hơn... Ánh có điều kiện để tham gia nhiều phim điện ảnh. Còn thế hệ diễn viên sau, họ ít có cơ hội tham gia phim nhựa vì sản xuất quá ít, chính điều đó đã không làm bật lên khả năng diễn xuất của diễn viên. Tôi cùng với nhiều diễn viên thời trước, có rực rỡ cũng nhờ làm phim điện ảnh. Còn phim truyền hình, nó như hàng tiêu dùng hàng ngày bởi câu chuyện được sơ lược đi, nghệ thuật giản lược đi rất nhiều.
- Chị có nguyên tắc nào cho nghề nghiệp?
- Khi nhận một vai diễn, tôi dồn hất cả sức lực, thời gian cho vai diễn. Ngoài cảm xúc nghệ thuật, tôi còn nghiên cứu kịch bản, phân tích tâm lý nhân vật và đặt mình trong bối cảnh ấy. Trước khi bắt đầu diễn, tôi thường ngồi rất lâu trước đoàn phim để quan sát phần diễn xuất của bạn diễn và khi đến lượt mình tôi có thể bắt nhịp một cách dễ dàng. Và trong vai trò là một diễn viên, bạn phải suy nghĩ từng chi tiết để chuyển tải ý đồ nghệ thuật thông qua nhân vật trong phim.
- Đến giờ, sau một chặng đường dài theo nghiệp diễn viên có điều gì làm cho chị tiếc nuối?
- Tuổi trẻ là thời gian đẹp đẽ nhất, nhưng lúc đó đất nước còn nhiều khó khăn, chưa rộng mở như bây giờ. Sẽ không có sự tiếc nuối, chỉ là ước muốn là nếu còn trẻ thì sẽ có thời gian rất nhiều. Giờ đây, tôi thấy mình đủ sự trải nghiệm, sâu sắc và vào những vai như bà Tú trong phim Sài Gòn nhật thực cũng đã là niềm vui rồi. Tôi chỉ tiếc là phim Việt Nam những vai chính chỉ dành cho những diễn viên trẻ trung.
- Nếu có sự chọn lựa lại nghề nghiệp, thì chị sẽ...
- Tôi vẫn là tôi, không thể khác hơn được, làm nghệ thuật sẽ tạo cho con người sự lãng mạn, sự sâu sắc trong đời sống tinh thần. Và tôi, chỉ cần được như thế. Giờ đây, tôi bằng lòng với cuộc sống hiện tại, quan tâm đến công việc và chăm sóc gia đình.
- Một chút riêng, dù đã ngoài 50 nhưng trông chị vẫn rất duyên, rất mặn mà và vẫn giữ được sự thanh xuân, bí quyết của chị?
- Quan trọng là hãy biết thu vào. Tôi có dịp đi nhiều nơi, phong cảnh rất lãng mạn, đẹp, khi nhìn cảnh núi non, sông nước tôi đều giữ vào con tim, giữ được sự lãng mạn cho mình và hãy biết quan tâm đến những chi tiết rất nhỏ trong cuộc sống, điều đó sẽ làm cho cuộc sống luôn trẻ.
(Theo Thanh Niên)