Từ năm 2000, khu nhà trọ của bà Tiếng đã được truyền tai nhau vì nơi đây khá kín đáo, có bảo vệ, không thủ tục thuê rườm rà mà giá lại rẻ. Người dân sống gần khu vực cũng đã quen với cảnh những cô vợ trẻ đẹp phòng không chiếc bóng, còn ông chồng thì có khi cả tuần, cả tháng mới đến thăm.
Sống kiểu tầm gửi
Người ta cũng quen với hình ảnh những quý ông chạy xe xịn, tóc lốm đốm sợi bạc, sáng sáng mắt dáo dác đeo vội chiếc kính đen, bịt khẩu trang kín mít phóng thẳng từ nhà trọ ra ngõ rất nhanh. Đã làm công tác đoàn thể ở địa phương, khi theo đoàn vào kiểm tra nhân khẩu để hướng dẫn cách thực hiện quyền bầu cử, tôi cũng như các anh phụ trách khu vực bối rối vì lai lịch phức tạp của những cư dân ở đây. Đa số họ khai là “nội trợ, con chưa làm hồ sơ hộ tịch vì... chồng mất!”. Có anh trong đoàn cắt cớ hỏi: “Nội trợ vậy tiền đâu nuôi con nhỏ?”, câu trả lời hầu hết là “gia đình gửi lên phụ cấp, có người ở nước ngoài gửi tiền về hoặc hùn vốn làm ăn với người ta...”.
Thế nhưng, những người sống cạnh khu trọ đã quá quen với cuộc sống của những cô gái sống bằng “tình bao”. Từ khi cặp với ông Sỹ, một chủ thầu xây dựng, Dung nghỉ hẳn công việc may vất vả ở Công ty May Đông Phương (quận Tân Phú) và chuyển đến đây ở. Biết ông chồng hờ không có con trai, Dung quyết tâm “phá kế hoạch” kiếm một cu tí để đổi đời. May mắn cho Dung là lần mang thai đầu, cô có ngay với ông một cậu con trai kháu khỉnh. Đến nay, con trai được 5 tuổi, Dung sống như bà hoàng khi được ông chu cấp đủ thứ. Ông Sỹ đã nhiều lần nói mẹ con Dung chuyển đi nơi khác, nhưng Dung kiên quyết vẫn ở xóm trọ này vì một tháng ông Sỹ mới đến thăm mẹ con Dung vài lần, nên sống ở đây còn có nhiều người đồng cảnh ngộ khác làm hàng xóm cho vui. Trong khu trọ của Dung có khá nhiều cô gái chấp nhận sống như Dung với suy nghĩ thật đơn giản: “Tôi cho anh cái tôi có, anh cung cấp cho tôi cái tôi cần”. Họ sống vật vờ, chờ đợi sự xuất hiện của người đàn ông không phải của riêng mình mà không biết tương lai sẽ về đâu.
Không chỉ những cô gái quê, lười lao động mới chấp nhận cách sống này, mà nhiều chàng trai khỏe mạnh, có vợ con cũng tìm cho mình một bến đỗ giàu sang để... nhờ cậy. Đối với Công an phường Phú Trung, quận Tân Phú thì việc quản lý hai anh em Nguyễn Văn Đ., Nguyễn Văn T., ngụ đường Âu Cơ, quận Tân Phú, là điều không dễ. Họ đã từng vào tù ra tội vì trộm cắp, gây rối dù đã có gia đình, con cái. Thế nhưng, điều kỳ lạ là thời gian gần đây hai anh em này “đổi đời” nhanh chóng. Hằng ngày họ đi vòng vèo trong xóm bằng xe SH mới cứng, quần áo toàn hàng hiệu đắt tiền, nước hoa lúc nào cũng sực nức, tiền bạc thì rất hào phóng. Thì ra là họ đang cặp bồ với hai phụ nữ lớn tuổi và bảo kê việc cho vay nặng lãi, thầu đề của hai phụ nữ này ở các khu vực chợ Bà Quẹo, Hoàng Hoa Thám, Tân Bình.
Từ ngày cặp với nữ đại gia, T. trở mặt với vợ con, thường xuyên gây gổ, đánh đập vợ khiến cô vợ phải khăn gói về quê với cái thai đã 6 tháng. Còn chị Trần Thị H., vợ Đ., vốn là một phụ nữ có trình độ nhưng do quá lứa mới chấp nhận lấy Đ., thì nhất quyết kiện ra tòa để giành lại quyền nuôi đứa con gái mới 6 tuổi sau khi bị anh ta đuổi ra khỏi nhà. Gia đình thật sự tan nát, nhưng họ vẫn tiếp tục trượt dài. Họ đang bị Công an quận Tân Phú truy nã vì đã nhiều lần đánh người gây thương tích. mới đây nhất, T. đã đánh một thanh niên thừa sống thiếu chết. Thấy tình hình u ám của người tình trẻ tuổi, bà vợ “hờ” của T. cũng nhanh chóng quay lưng, cặp ngay cho mình một tay giang hồ khác để bảo đảm công việc đang phát đạt và thỏa mãn nhu cầu của mình. Còn Đ. thì bị chồng của người tình “hờ”, vốn là một tay anh chị của đất cảng Hải Phòng vừa ra tù trước Tết, dằn mặt một trận ra trò với vết thẹo dài trên mặt chưa lành, còn chiếc SH mà anh thường vi vu bị “tịch thu” không thương tiếc...
(Theo Người Lao Động)