Nếu như kết nối Lightning của Apple tỏ ra có ưu thế vượt trội so với microUSB thông thường thì cổng USB Type-C (USB-C) cũng mang lại những tiện ích tương tự so với các chuẩn USB phổ thông hiện nay.
USB Type-C là loại USB mới với phương thức kết nối được cải tiến, tốc độ cũng như độ tương thích cao hơn các loại USB thông thường hiện nay. Sự tiện lợi dễ thấy nhất đến từ việc USB-C sử dụng dây cáp với hai đầu giống nhau, mỗi đầu này cũng được thiết kế đối xứng để người dùng thậm chí “nhắm mắt cũng có thể cắm được”.
Apple chấp nhận hy sinh những những sáng chế từng được coi là mang tính cách mạng của mình như cổng sạc nam châm MacSafe, cổng Thunderbolt tốc độ cao để gộp chung tất cả vào một USB-C duy nhất.
Chuẩn USB thường được nhắc đến là 2.0, 3.0 hoặc cũng có thể gọi là phiên bản 2.0, 3.0 - những số thể hiện tốc độ cũng như khả năng kết nối, trong khi “loại USB” dùng để chỉ sự khác biệt trong hình thức, cấu trúc cũng như độ tương thích.
Trước khi USB Type-C ra đời, có thể bạn từng khá hài lòng với USB Type-A và Type-B đang sử dụng. Mỗi năm có khoảng 3 tỷ thiết bị có sử dụng kết nối dạng này (Universal Serial Bus) được bán ra khiến đây trở thành kết nối ngoại vi thành công nhất từ trước đến nay.
USB Type-A
Một đầu USB cắm vào máy tính hoặc củ sạc (đầu to hơn), đầu còn lại thường là micro USB, mini USB (nhỏ hơn) dùng để cắm vào điện thoại. Khi đó, đầu cắm vào máy tính chính là Type-A, đầu cắm vào thiết bị chính là Type-B.
Việc cắm vào đâu không quyết định đó là Type-A hay Type-B, mà đơn giản, Type-A để chỉ những loại cổng lớn, có một khung kim loại vuông vức bọc bên ngoài một miếng nhựa và có chứa các điểm tiếp xúc. Một vài USB Type-A được rút gọn lớp bảo vệ này để giảm kích thước.
USB Type-A có đầu đực và đầu cái. Đầu đực USB-A là đầu nằm trên dây cáp, USB Flash hoặc đầu thu-phát của chuột không dây,… Nó được cắm vào USB Type-A đầu cái, thường nằm trên các thiết bị chủ như Máy tính, TV, Củ sạc,….
USB Type-A có hai chuẩn phổ biến là 2.0 và 3.0 (thường được phân biên bằng màu đen hoặc xanh). Hai chuẩn khác nhau về cấu tạo và điện áp nhưng có phần khung ngoài khá giống nhau và có thể tương thích với nhau.
USB Type-B
USB Type-B là loại cổng USB trên đầu còn lại của sợi dây cáp, được dùng để kết nối với các thiết bị như smartphone, ổ cứng, máy in, modem…
USB loại này cũng có đầu đực và đầu cái, đầu đực thường nằm trên sợi cáp kết nối, còn đầu cái nằm trên các thiết bị muốn kết nối như đã nói ở trên.
Khác với USB Type-A vẫn giữ nguyên hình dáng sau nhiều thế hệ, Type-B có cấu trúc khá đa dạng nhằm tương thích với loại thiết bị mà chúng kết nối cũng như phiên bản USB đó.
USB Type-B có 5 dạng thiết kế phổ biến, mỗi dạng đều có sự thay đổi ở cả đầu đực và đầu cái.
Standard-B: Thiết kế này được tạo ra từ phiên bản USB 1.1 và vẫn được phát triển lên phiên bản 2.0. Chúng chủ yếu được dùng để kết nối các thiết bị ngoại vi cỡ lớn như máy in, máy scan.
Mini USB (đầy đủ là Mini-B USB): Có khung ngoài dạng hình thang cân, thường được dùng trong các thiết bị điện thoại, máy ảnh đời cũ. Loại này có cấu trúc đơn giản nhưng tốc độ truyền tải thấp và dễ bị lỏng chân sau một thời gian sử dụng.
Micro USB (Micro-B USB): Nhỏ gọn hơn Mini USB, đầu đực của chúng có ngàm để giữ cho việc kết nối được chắc chắn hơn. Micro USB là dạng thiết kế được sử dụng trên hầu hết các thiết bị di động hiện nay.
Micro-USB 3.0 (Micro-B USB 3.0): Loại thiết kế tiên tiến nhất, phát triển lên từ Micros USB nhằm mang lại tốc độ truyền tải nhanh chóng tương thích với USB phiên bản 3.0. Chúng thường được sử dụng trên các ổ cứng di động. Galaxy Note 3 của Samsung cũng là chiếc smartphone hiếm hoi sử dụng chuẩn này.
Standard-B USB 3.0: Thiết kế này rất giống với Standard-B, tuy nhiên nó được tạo ra để đáp ứng được tốc độ của kết nối USB 3.0. Hai đầu dây nối USB loại này đều có màu xanh dương.
Bên cạnh đó, vẫn còn một thiết kế nữa, ít phổ biến hơn, là USB 3.0 Power-B. Thiết kế này có thêm hai chân để cung cấp nhiều năng lượng hơn cho thiết bị ngoại vi. Và còn một loại cổng Micro Type-AB cực hiếm cho phép thiết bị hoạt động với chức năng của cả một máy chủ và một thiết bị ngoại vi.
Ngoài ra, Apple, Samsung hay Sony Ericsson cũng là những hãng có sử dụng USB Type-B độc quyền của mình, chẳng hạn như cổng Lightning hay cổng 30-pin trước đây.
USB Type-C
Như vậy, trên một sợi cáp điện thoại thông thường có cả USB Type-A và USB Type-B. Chẳng hạn mỗi lần kết nối điện thoại với máy tính, chúng ta cần tìm đầu đực của Type-A cắm vào đầu cái Type-A, sau đó là tìm đầu đực Type-B cắm vào đầu cái Type-B trên thiết bị. Tuy nhiên với USB Type-C, chúng ta có thể cắm bất cứ đầu nào mà không sờ nhầm lẫn bởi cả hai đầu dây đều giống nhau. Chưa kể đến việc các đầu này cũng được thiết kế theo dạng đối xứng tương tự Lightning nên không sợ cắm ngược.
Đầu USB Type-C có kích thước tương đương Micro USB nên khá nhỏ gọn (8,4 x 2,6 mm), tuy nhiên chúng cho phép truyền tải dữ liệu với tốc độ lên tới 10GBps cùng điện áp đầu ra có thể lên tới 20V, 100W. Chính vì vậy, USB Type-C là hoàn hảo để sạc pin cho các laptop, mở màn là MacBook 2015 và sắp tới có thể là nhiều laptop của các hãng khác.
Và cũng chính vì vậy nên trong tương lai, bạn hoàn toàn có thể đi ra ngoài với một sợi cáp USB Type-C duy nhất, vừa dùng để sạc pin cho laptop, nhưng cũng có thể tận dụng để lấy nguồn từ laptop sạc pin cho các thiết bị khác.
Theo công bố, USB Type-C sử dụng chuẩn 3.1, sẽ tương thích với các kết nối USB dùng chuẩn 2.0 hoặc 3.0 hiện nay. Tuy nhiên do khác nhau về cấu tạo nên người dùng sẽ cần các thiết bị chuyển (Adapter) để có thể ghép nối các loại USB này với nhau. Với độ tiện dụng có lẽ trong tương lai, USB Type-C cũng sẽ phổ biến như Type-A hiện nay.
Theo TechZ