![]() |
Tiến Minh rơi xuống vị trí thứ 8 và nhiều khả năng bị bật khỏi top 10 thế giới. Ảnh: ĐH. |
Như vậy, hai giải danh giá của châu Âu liên tiếp, Tiến Minh đều bị gác vợt tại vòng 2 trước những đối thủ yếu hơn mình. Nỗi buồn như nối dài thêm khi tối qua, Tiến Minh phải chia tay vị trí quen thuộc hạng 7 thế giới của mình. Chỉ tụt một bậc nhưng nếu không cải thiện được phong độ hiện tại, nguy cơ bị đánh bật ra khỏi top 10 với Tiến Minh đang hiện hữu.
Có một thực tế là dù luôn được xếp làm hạt giống của các giải đấu lớn, nhưng Tiến Minh ngày càng dễ rơi rụng ngay từ những vòng đầu. Nếu như trước kia Tiến Minh thường phàn nàn mình quá thiệt vì không có HLV đi kèm, thì ở hai giải Đan Mạch và Pháp, HLV Asep đi theo Tiến Minh để hỗ trợ cho anh về công tác chuyên môn và tưởng, nhưng vẫn thất bại.
Tất nhiên, chắc chắn sẽ có nhiều người lý giải thắng thua là chuyện bình thường trong thể thao. Thế nhưng phải thẳng thắn mà nhìn nhận, những trận thua gần đây của Tiến Minh khiến nhiều người phải suy ngẫm. Trong năm 2010, Tiến Minh đã tham dự tổng cộng 11 giải đấu nhưng thành tích đáng kể nhất chính là chức vô địch giải Australia. Vô địch nhưng Tiến Minh cũng chẳng được đánh giá cao bởi đó lại là giải không có bất cứ một tay vợt nào nằm trong top 50 thế giới tham dự. Ngay cả trận chung kết, đối thủ của Tiến Minh cũng chỉ là tay vợt xếp hạng... 128 thế giới. Sang năm nay thì tình hình có vẻ bi đát hơn khi đến thời điểm này, Tiến Minh vẫn chưa có 1 chiến công đáng kể nào, ngoài chức Á quân giải hạng 2 Grand Prix Mỹ và ngôi vô địch giải Việt Nam mở rộng.
Trong top 10, các tay vợt như Lee Chong Wei, Lin Dan... thường chỉ thua những đối thủ đứng trên dưới mình vài bậc. Thứ hạng của các tay vợt này cũng ít khi biến động nhiều năm qua bởi họ có phong độ rất ổn định. Với Tiến Minh, nguy cơ bị bật ra khỏi top 10 xảy ra bất cứ lúc nào. Đơn giản bởi, không chỉ tay vợt này đa số thua tất cả trận gặp các cao thủ trong top 10 mà còn thua cả những đối thủ vô danh tiểu tốt, thậm chí thua cả những tay vợt xếp hạng... 552 thế giới như tại giải Trung Quốc mở rộng năm ngoái.
Tiến Minh là một trong những VĐV được đầu tư chuyên biệt và không tiếc tiền của ngành thể thao cũng như chính gia đình của tay vợt này. Thậm chí anh còn được thuê riêng hẳn một HLV người Indonesia để kèm cặp. Vậy vì sao anh cứ ngày càng đi xuống như vây? Không khó để giải thích nguyên nhân. Tiến Minh đã tới điểm giới hạn của mình. Điểm giới hạn của mỗi VĐV là tất yếu, là chuyện bình thường, chỉ khác là mỗi người có một giới hạn khác nhau, hoặc có khả năng giữ được phong độ đỉnh cao trong một thời gian dài hay ngắn. Nói thế có nghĩa, gần như hạng 7 thế giới chính là giới hạn cao nhất của Tiến Minh và giờ thì anh bắt đầu đi xuống.
Sẽ là hơi sớm để kết luận Tiến Minh đang xuống dốc nhưng sau những gì đang diễn ra, lo lắng đó không phải không có cơ sở. Ở đây lại phải đặt ra một câu hỏi, vì sao các tài năng cầu lông của nước ngoài lại có khả năng kéo dài được giới hạn của mình như vậy? Đơn giản bởi ở những nước này, sự đầu tư không bao giờ có khái niệm là giới hạn.
Vậy nên, điểm giới hạn của Tiến Minh trong môi trường của Việt Nam sớm đến cũng là chuyện dễ hiểu.
Trước mắt Tiến Minh sẽ là SEA Games 26. Dù chỉ là giải đấu khu vực nhưng Đông Nam Á lại là nơi quy tụ những tay vợt hàng đầu thế giới. Tin vui với Tiến Minh khi những tay vợt hàng đầu này đã bỏ SEA Games để nhắm cho mình cái đích cao hơn là sân chơi Olympic, nhưng liệu Tiến Minh có nắm được cơ hội đó để mang về tấm HC vàng đầu tiên cho cầu lông Việt Nam trong lịch sử các kỳ tham dự SEA Games.
Mai Hương