Điều khó khăn là của văcxin dạng phối hợp này rất cao (xấp xỉ 500.000 đồng/mũi tiêm), nên nhiều người cho rằng kế hoạch này ít tính khả thi.
Ông Đỗ Sỹ Hiển, Chủ nhiệm Chương trình tiêm chủng mở rộng, cho biết đang cân nhắc việc đưa văcxin phối hợp ngừa năm bệnh kể trên vào chương trình. Kế hoạch thực hiện là từ nay đến năm 2010, nhưng cố gắng bắt đầu từ 2008.
Hiện Liên minh toàn cầu về văcxin và tiêm chủng (GAVI) sẵn sàng tài trợ, nhưng yêu cầu sau năm 2015 khi kết thúc tài trợ thì Việt Nam phải chi trả toàn bộ cho chương trình. Trong cuộc làm việc mới đây với GAVI, chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia đã đề xuất rằng, với những nước đang phát triển như Việt Nam, GAVI nên kéo dài thời gian tài trợ đến năm 2020 hoặc hơn nữa.
Ông Hiển cũng cho biết, ưu điểm lớn nhất là văcxin dạng phối hợp sẽ giúp giảm ít nhất nửa số mũi tiêm, trong khi tác dụng phòng bệnh lại tương đương văcxin riêng lẻ. Hiện Việt Nam đang có hai loại văcxin dạng phối hợp kể trên (sử dụng tiêm dịch vụ). Lịch tiêm là mỗi tháng một mũi khi trẻ được 2-3-4 tháng tuổi, mũi thứ tư khi trẻ 18 tháng.
Về việc có nhiều báo cáo về tai biến sau tiêm văcxin trong năm qua, ông Hiển cho rằng, tổng hợp các ca có phản ứng sau tiêm trong cả năm 2006 là 28 trẻ em; so với ngưỡng an toàn mà quốc tế cho phép là 1/1 triệu mũi tiêm thì con số đó nằm trong giới hạn an toàn. Tuy nhiên, chương trình tiêm chủng sẽ rút ra những nguyên nhân liên quan, giúp giảm bớt tai biến cho trẻ em.
Chương trình tiêm chủng cũng đã hoàn tất việc in ấn và phát về các trạm y tế xã phường bộ poster hướng dẫn quy trình khám phân loại, tư vấn, chuẩn bị văcxin, bơm kim tiêm... cho nhân viên y tế. Sắp tới, chương trình sẽ phát hành bộ poster hướng dẫn tiêm chủng dành cho cha mẹ. Phụ huynh có thể nhìn vào poster, cùng giám sát nhân viên y tế, xem họ thực hiện thiếu quy trình nào không.
(Theo Tuổi Trẻ)