Chương 1: Tuổi thơ
“Thai cô khá lớn và đứa bé khỏe”, bác sĩ bảo. Mẹ chúng tôi kể rằng lúc bấy giờ mẹ đi khám ở bệnh viện và bác sĩ không phát hiện ra mẹ sinh đôi mà chỉ nói chung chung như thế.
Những ngày giáp tết Mậu Ngọ 1978, mẹ vẫn đi lên Hàng Đào mua quần áo sơ sinh cho một bé. Rạng sáng 27 tháng chạp, mẹ bất ngờ chuyển dạ. Bố hốt hoảng đi tìm xích lô chở mẹ đến bệnh viện. Nhưng trước khi xích lô đến cửa bệnh viện, mẹ đã gần sinh ra Hằng ngay trên xe. Khi vào phòng cấp cứu, nữ hộ sinh đỡ Hằng ra nhanh chóng và đem cân được 2,3 kg. Bác sĩ còn mắng mẹ: “Sao vào viện chậm thế, chỉ một chút nữa là bé sinh ở ngoài đường luôn rồi”
Trong lúc y tá mang Hằng đi tắm, bác sĩ khám và bất ngờ phát hiện còn một thai nhi nữa vẫn trong bụngmẹ. Đó chính là Hạnh! Bác sĩ phải dùng kẹp vào đầu Hạnh kéo ra vì mẹ không còn sức để sinh tự nhiên.
Dù Hạnh ra đời nhưng bố mẹ vẫn rất lo lắng vì sợ Hạnh sau này sẽ không thông minh do ảnh hưởng của việc phải dùng kẹp gắp. Ngoài ra, do nằm trong bụng mẹ lâu quá nên Hạnh bị viêm phổi cấp. Rất nhiều bác sĩ ở các bệnh viện tại Hà Nội đều lắc đầu bảo: “Thôi về lo hậu sự cho cháu đi”. Hạnh lúc sinh ra nặng 2,3 kg bằng chị Hằng nhưng sau một tuần tuổi chỉ còn 1,9 kg.
Thật may mắn là sau đó một nữ bác sĩ người Pháp làm việc ở Hà Nội đã khám chữa bệnh cho Hạnh. Hạnh được nằm trong lồng kính thở ô-xy gần ba tháng trong sự chăm sóc đặc biệt mới qua khỏi.
Mẹ kể lại: “Lúc ba, bốn tuổi, Hằng và Hạnh hay đòi bố mẹ chở đi công viên chơi và đặc biệt là rất thích được chụp ảnh”. Bấy giờ hai chị em lớn lên trong cảnh vài tháng ở nhà bên nội, vài tháng ở nhà bên ngoại chứ không cố định vì bố mẹ chưa có nhà riêng.
![]() |
Cả hai chị em tôi đều ngưỡng mộ bố rất nhiều. Ông là người cha tuyệt vời nhất trong mắt chúng tôi. |
Mãi đến giữa thập niên 80, gia đình mới có mái nhà riêng đầu tiên do chính bố tự xây dần mỗi ngày trong suốt hai năm trời. Nhưng bấy giờ nhà chúng tôi chưa có nước sinh hoạt và cũng chưa đào giếng riêng. Thấy bố mẹ vất vả gánh nước mỗi ngày từ giếng khoan trong làng cách nhà 200 mét, hai chị em chúng tôi đã xin làm phần việc này giúp đỡ bố mẹ. Mãi sau này chúng tôi mới nhận ra rằng cả năm trời gánh nước đó đã giúp hai chị em khỏe mạnh, dẻo dai và chú ý đi đứng cẩn thận - điều mà chúng tôi luôn chú tâm khi sải bước trên sàn catwalk sau này!
Nhưng cũng có thể vì gánh nước trong giai đoạn cơ xương phát triển mà chiều cao của chúng tôi bị ảnh hưởng, không cao như các anh chị em trong họ hàng. Sau này đến khi trưởng thành và vào nghề người mẫu, Hằng cao 1,65m còn Hạnh 1,66m.
Thời đi học cấp một, bố chúng tôi đèo xe đạp đưa cả hai chị em đến trường (cách nhà 8km). Có những lần chiếc xe đạp của bố bị xẹp lốp mà bố lại quên không mang theo tiền. Thấy bố chở hai đứa con sinh đôi dễ thương, người sửa xe bên đường nhiệt tình vá giúp mà không lấy tiền. Thương con đi học xa, phải dậy sớm đi xe đạp lên trường mỗi sáng, bố mẹ đã quyết định bán ngôi nhà thân thương đầy kỷ niệm để chuyển lên khu tập thể Kim Liên gần hơn cho con gái đi học đỡ vất vả.
Cả hai chị em tôi đều ngưỡng mộ bố rất nhiều. Ông là người cha tuyệt vời nhất trong mắt chúng tôi không phải vì ông là người giàu có hay quyền cao chức trọng mà chính vì những chăm sóc nhỏ nhất ông dành cho cả gia đình. Trong nhà bất cứ việc hư hỏng gì ông cũng một tay sửa chữa, lo liệu chu toàn. Cho đến tận bây giờ, ông vẫn có thể đi chợ, nấu cơm, chăm sóc con cháu.
Bố chúng tôi cũng là một người đàn ông rất tâm lý. Ông thường chia sẻ, tâm sự với các con. Khi đi làm về ông thường dành thời gian ngồi trò chuyện gần gũi với con gái và ngắm ba mẹ con vui đùa. Mẹ kể: “Mỗi lần bố con về nhà thì tiếng cười đùa vang khắp mái nhà nhỏ. Ông ấy cõng các con vòng quanh nhà, nhìn con chạy nhảy khắp nơi”.

Việc là chị em sinh đôi mang đến cho chúng tôi nhiều thuận lợi. Thay vì phải kiếm bạn bè thân thiết, bản thân hai chúng tôi đã là “bạn” thân thiết nhất của nhau.
Cho đến giờ, bố cũng hay gọi điện thăm hỏi sức khỏe và công việc của chúng tôi. Chúng tôi học hỏi từ bố đức tính nhường nhịn và sẻ chia, dành những gì tốt đẹp nhất cho gia đình mình.
Mẹ chúng tôi là một người phụ nữ rất tình cảm. Một buổi sáng mùa đông trời miền Bắc rét mướt, hai chị em chúng tôi choàng thức dậy và bất ngờ nhìn thấy mẹ ngồi bên giường đang ngắm các con ngủ với ánh mắt trìu mến. Hai đứa giật mình hỏi: “Mẹ đang làm gì đấy?”. Bà chỉ trả lời ngắn gọn: “Mẹ ngắm hai con ngủ thôi”. Sở thích và niềm vui của mẹ là ngắm hai cô con gái lớn lên từng ngày.
Từ đó, cả hai chúng tôi đều chịu ảnh hưởng đức tính từ mẹ là sự quan tâm và chăm sóc người thân. Khi chúng tôi theo nghề người mẫu, mẹ không phản đối hay lo lắng mà chỉ dịu dàng nói: “Mẹ cho phép tụi con theo nghề nhưng phải đảm bảo việc học cho tốt”.
Mẹ cũng không xét nét cách ăn mặc của chúng tôi mà nói rằng: “Là người mẫu, công việc có thể cần các con mặc trang phục theo nhà thiết kế, nhưng ngoài cuộc sống con mặc sao cho phù hợp và không lố lăng nhé”. Bấy giờ xã hội đã có định kiến con gái đi làm người mẫu thì rất dễ hư hỏng nhưng mẹ không can thiệp vào công việc của chúng tôi mà bà nói rằng: “Các con tự quyết định việc làm của mình, miễn phải ngoan, lễ phép với ông bà và họ hàng, sống nề nếp trong gia đình, đối xử tốt với mọi người”.
Năm 2005, bố mẹ chúng tôi đều nghỉ hưu sớm. Hỏi ra mới biết ông bà đã “hẹn” nhau hy sinh công việc riêng để dành trọn thời gian và sức lực chăm lo cho con cháu bởi khi đó chúng tôi lần lượt lập gia đình và sinh con.
Dù không nói ra nhưng cả hai chúng tôi đều biết bố mẹ đã dành những năm tháng sau này để tiếp tục lo cho chúng tôi. Chúng tôi thật hãnh diện và tràn đầy cảm động, bởi theo lẽ thông thường thì giờ đây khi đã lớn khôn, chính chúng tôi mới phải là những người quay trở lại chăm sóc bố mẹ để báo hiếu và đền đáp công ơn sinh thành dưỡng dục. Nhưng hiện tại thì bố mẹ vẫn tiếp tục chăm sóc không chỉ cho chúng tôi mà cả cho các con rể và các cháu ngoại nữa.
Nhiều khi chúng tôi đi làm việc xa, bố mẹ lại vào Tp.HCM để trông coi nhà cửa và chăm sóc cháu. Mẹ bảo việc trông coi các cháu ngoại cũng “giống như mẹ đi công tác thôi mà”. Lúc nào bố mẹ chúng tôi cũng sẵn lòng quan tâm đến những điều nhỏ nhất bằng sự tinh tế và tình cảm nhất dành cho con cháu.
Louisa May Alcott, nữ tiểu thuyết gia người Mỹ (1832-1888), đã nói: “The power of finding beauty in the humblest things makes home happy and life lovely” (Khả năng tìm được cái đẹp trong những điều nhỏ bé nhất khiến gia đình trở nên hạnh phúc và cuộc đời trở nên đáng yêu). Công việc và sự nghiệp của chúng tôi hôm nay không thể thiếu “hậu phương” vững chắc là tình thương và sự hy sinh của bố mẹ.
Chương 2: Ruồi và Nhặng là ai?
Thúy Hằng - Thúy Hạnh trong mắt một người bạn thuở thiếu thời
Khi làm cuốn sách kỷ niệm 20 năm, chúng tôi không thể quên một người bạn thân thiết từ thuở thiếu thời, những năm tháng đầu tiên bước chân vào nghề người mẫu. Đó là Tôn Hiếu Anh (cựu người mẫu, hiện công tác tại Đài truyền hình Việt Nam). Hiếu Anh đã gửi cho chúng tôi một email dài với biết bao kỷ niệm mà khi đọc lại, chính chúng tôi cũng không ngớt xúc động và bồi hồi. Cảm ơn Hiếu Anh đã kể lại và nhắc chúng tôi nhớ những năm tháng tuổi xuân không thể quên. Hằng (Nhặng) và Hạnh (Ruồi) sẽ gìn giữ mãi mãi những kỷ niệm này, Hiếu Anh nhé!

Tôn Hiếu Anh - một người bạn thân thiết của hai chị em Thúy Hằng - Thúy Hạnh.
"Chúng nó có cái tên mỹ miều tựa Thuý Vân, Thuý Kiều nhưng mình quá ghét nên dìm hàng xuống tên loài ký sinh trùng. Tôi gọi Thúy Hạnh là 'Ruồi' vì có nốt ruồi nơi cánh mũi, cũng là đặc điểm duy nhất để nhận ra 'đâu là con chị đâu là con em'. Còn Hằng được gọi là 'Nhặng'.
Có lẽ đến bây giờ khui hết sạch bí mật ra lại hay ấy nhỉ. Hai đứa nó là máu thịt là cuộc sống của tôi từ cuối thời cấp 3. Ngày ấy còn trường PTTH Lý Thường Kiệt…
Cặp phượng hoàng - quần yếm bò và tóc tém
Ngày khai giảng năm học lớp 11 thì tôi nhìn thấy hai chị em nó ngoài cổng trường (lúc đấy chúng nó mới bắt đầu vào lớp 10). Mặc hai chiếc quần bò yếm, đi hai con xe phượng hoàng và tóc cắt tém. Nói thật, lúc đó nhìn chúng nó như hai con quân khu đầu gấu, ngứa mắt vô vàn. Mình đi qua mà hai con ranh trừng mắt lên ngó.
Đem câu chuyện này buôn với bạn lớp trưởng, Kim Anh cười phá lên và thanh minh: "Hai đứa nó hiền khô, ấy ơi! Chúng nó giống hội mình thích sưu tập đề can đấy, chị em nó là Hằng - Hạnh, dễ thương lắm”. Nhờ có đề can, tứ đại mỹ nhân và tứ đại thiên vương nên chúng tôi đã trở thành bạn của nhau chóng vánh. Dễ nói chuyện, hoạt bát, hài hước là những gì cảm nhận về nhau ngày đó.
Nhân khẩu thứ 5 trong B16 Tập thể Kim Liên
Nhà chị em nó có 4 người và con chó Milu kỳ dị lông lá xơ xác. Nhân khẩu thứ 5 không ai khác chính là tôi. Ngày-đêm-tuần-tháng nào tôi cũng có mặt ở nhà chúng nó, bố mẹ là của chung và mê đắm món nước chấm gia truyền nhà đó. Bố hiền lành, hay cười, mẹ hài hước và cũng rất tâm lý. Ta nắm được điểm yếu là thèm con trai nên ta nghiễm nhiên trở thành thành viên của gia đình đó chóng vánh. Bố mẹ chúng nó còn yêu mình hơn cả chúng nó ấy. Vì những cơn múa may làm loạn nhà, mẹ cười chảy nước mắt đến đêm còn nhớ lại cười một mình. Bố tình cảm lắm và cưng mình hết mực, chưa bao giờ mắng nửa lời. Hai con được thể suốt ngày đi chơi lôi mình làm bảo kê.
Chính ở cạnh chúng nó quá lâu nên tôi luôn biết khả năng tề gia nội trợ của chúng nó. Hai con ôn nấu cơm ngon, khéo tay, sạch sẽ và ngoan lắm. Con chị nông dân thì rửa bát, giặt giũ, con em khéo léo hơn thì đi chợ, nấu cơm. Mấy đứa chúng tôi chơi với nhau suốt thời trung học, tôi ra trường mà vẫn cứ níu kéo ở lại chơi với chúng nó. Thân với nhau vì giống tính cách, cùng sở thích. Ví dụ như cùng thích sưu tầm đề can, cùng hâm mộ anh Lưu Đức Hoa, cùng thích Kevyn Aucoin hay cùng sợ nhện như nhau…
Và tôi là nhân chứng sống duy nhất khi chứng kiến con em cầm chảo phang con chị! Và hơn cả là sở thích đam mê thời trang của ba đứa chúng tôi.

Năm 1993, hai đứa nó bắt đầu trở thành hiện tượng. Chúng nó chăm tập tành đi lại, chăm học cách hóa trang.
Thí sinh hoa hậu Nô-en: 'Ruồi' giải 8, 'Nhặng' giải 11
Năm 1993, hai chị em sinh đôi cùng thi hoa hậu Nô-en vậy mà cô em giải 8 còn cô chị hạng 11 kể cũng lạ lùng.
Sau đó là cuộc thi học sinh thanh lịch của trường, hai đứa nó cũng lại là thí sinh thi cùng tôi. Con em vào chung kết con chị thì trượt. Đương nhiên vụ đó giải nhất thuộc về chính thằng đang ngồi viết đoạn hồi ký này, đánh dấu cho giai đoạn người mẫu về sau. Mò mẫm lên Cung Văn Hoá Hữu nghị Việt-Xô và tham gia lớp 'Hành trang Người mẫu' khoá đầu tiên. Chúng tôi tự hào khi là lớp người tạo ra những bước đi catwalk đầu tiên.
Lúc này hai đứa nó bắt đầu trở thành hiện tượng. Chúng nó chăm tập tành đi lại, chăm học cách hóa trang. Kevyn Aucoin là chuyên gia trang điểm của Mỹ, hai chị em nó đặt mua cuốn sách mà tự học cách trang điểm qua cuốn sách đó. Chúng nó trang điểm đẹp vô cùng.
Cách ủng hộ duy nhất lúc đó là mình xin họ hàng gần xa bà con ở Pháp xem ai có đồ mỹ phẩm thừa là xin hết. May thay họ toàn gửi cho đồ tốt, đó trở thành những dụng cụ hoá trang chuyên nghiệp đầu tiên của chị em nó. Mình cảm thấy hành động đó của mình giống như 'dí mìn vào tay du kích'.
Bộ ảnh với nhiếp ảnh gia Lê Mân đã đánh dấu sự nổi tiếng của chị em nó, chạy sô điên cuồng và chúng nó dường như trở thành vedette của đất Hà thành thời đó. Tuy chiều cao khiêm tốn nhưng chúng nó diễn ấn tượng lắm.
Những lời cho hiện tại cho nhau
Chúng tôi đã lớn lên cùng nhau với bao buồn vui của nghề người mẫu. Nhưng cả đám đều là sinh viên đại học, đứa nào cũng hoạch định tương lai cho mình và từng coi nghề mẫu chỉ là tham gia cho vui vẻ.
Thời gian trôi đi và chúng tôi đều lớn, vẫn í ới gọi nhau hằng ngày nhưng thưa dần theo năm tháng. Không phải vì ghét nhau hay cãi nhau, mà đơn giản là cuộc đời đã ấn định chúng tôi theo những công việc khác nhau.
Rồi 'Nhặng' lập gia đình, tôi vẫn còn mải miết đi chơi thân thiết cùng 'Ruồi' một thời gian. Ngoảnh đầu nhìn lại dễ có tới 10 năm chúng tôi đi nhảy đi bar tưng bừng ấy. Chúng tôi chính thức rời xa nhau khi 'Ruồi' kết hôn và lập nghiệp ở Tp.HCM. Tuy vậy chúng tôi vẫn nhắn tin thăm hỏi nhau mỗi khi có dịp. Có thể nhìn nhận là chúng tôi xa mặt mà không cách lòng. Có thể chúng tôi giả dối ở đâu đó, nhưng khi gặp nhau chưa bao giờ chúng tôi giấu nhau điều gì.
Có lẽ người tôi tự tin để nói thật hết ruột gan của mình chính là chị em chúng nó. Chúng ta thuộc về nhau và đã cùng nhau trải qua một tuổi trưởng thành tuyệt vời phải không hai đứa.
Chưa bao giờ tôi quên chị em nó và ngược lại tôi cảm nhận được sự nồng ấm mỗi khi có dịp gặp nhau. Chị em nó cũng là một phần tài sản của đời mình. Tôi dám khẳng định tình bạn của chúng tôi đến kiếp sau vẫn tồn tại. Đúng không hả 'Ruồi' ơi, 'Nhặng' ơi!
(Tôn Hiếu Anh 11-2013)
Chương ba: Làng người mẫu - những năm 90

Chính những hình ảnh của chúng tôi đang có cũng sẽ là hình ảnh riêng không thể trộn lẫn dù có thể “phá vỡ quan điểm về người đẹp” lúc đó.
Làng người mẫu ư? Bây giờ thật hào nhoáng, hấp dẫn và chuyên nghiệp làm sao. Nhưng còn làng người mẫu những năm đầu thập niên 90 thì sao?
Mỗi câu chuyện đều có điểm khởi đầu. Chuyện của chúng tôi bắt đầu từ hai con bé gầy gầy, rám nắng, mái tóc tém và gương mặt cá tính học trình diễn thời trang tại Cung Văn hoá Hữu nghị Việt-Xô (giờ là Cung Văn Hóa Hữu nghị Hà Nội).
Mùa hè năm 1993, chúng tôi rụt rè bước vào Cung Văn hoá tham gia khóa học "Hành trang người mẫu". Từ lúc đi học trường PTTH Lý Thường Kiệt (quận Hai Bà Trưng), chúng tôi bị bạn bè gọi là... “hai thằng” vì hình ảnh hai đứa như con trai, làn da rám nắng, đạp xe phượng hoàng đi học. Khi đó chúng tôi chưa từng biết đến hộp phấn hay thỏi son, mặc quần áo gì thì mới gọi là đẹp, là “điệu”. Bởi vậy khi “hai thằng” đăng ký học làm người mẫu quả là một chuyện lạ lùng.
Chúng tôi nhớ rõ người bác dâu trong họ hàng cho chúng tôi biết rằng Cung Văn Hóa và Tạp chí Thời Trang Trẻ phối hợp mở khóa học “Hành trang người mẫu” lần đầu tiên tại Hà Nội và động viên hai đứa tham gia học thử nhân mùa hè rảnh rỗi. Bấy giờ, hai từ “người mẫu” đối với chúng tôi vô cùng lạ lẫm. Nhưng rồi chúng tôi cũng tặc lưỡi: “Ừ thì thử xem”. Không ngờ nghiệp người mẫu đã bắt đầu với chúng tôi từ lúc đó.
Thật ra, mang tiếng là lớp học người mẫu nhưng khi đó còn rất “a-ma-tơ” và sơ khai. Thầy dạy không phải là người mẫu chuyên nghiệp mà xuất thân từ biên đạo múa. Nội dung học là cách đi lại, tạo dáng trên sàn diễn, chụp hình - những bước cơ bản nhất đối với nghề “người mẫu”.
Thế nhưng chúng tôi bị công việc cuốn theo từ lúc nào không hay. Cả hai đều say mê tìm tòi và học hỏi thêm để định hình về phong cách của mình qua sách báo (thời ấy không có Internet để tha hồ sưu tra, tham khảo tư liệu hình ảnh như bây giờ).
Khi mà quan niệm về “cái đẹp” lúc đó vẫn còn rất truyền thống (người đẹp là phải có tóc dài, mặt bầu, hiền diụ, da trắng...) thì hình ảnh hai chị em chúng tôi bấy giờ lại khá trái ngược: mặt hơi “góc cạnh”, tóc tém, làn da rám nắng... Nhìn chung là khá “ngổ ngáo” và cá tính.
Thế nhưng chúng tôi nhanh chóng nhận ra rằng: chính những hình ảnh của chúng tôi đang có cũng sẽ là hình ảnh riêng không thể trộn lẫn dù có thể “phá vỡ quan điểm về người đẹp” lúc đó. Chúng tôi quyết định giữ hình ảnh riêng của mình cho bước đường vào nghề người mẫu. Chúng tôi đã trở thành những người trong lứa người mẫu đầu tiên của Hà Nội, xuất hiện trong gần như tất cả các show diễn thời trang tại thủ đô vào thời điểm đó.
Năm 1993, Thúy Hạnh cũng lần đầu thử sức với công việc diễn viên khi được đạo diễn Bùi Thạc Chuyên mời tham gia vai chính trong phim truyện “Giọt nước mắt” được phát sóng đầu tiên trong chương trình phim “Văn nghệ chiều chủ nhật” trên VTV lúc đó. Nhưng dường như cả hai chị em vẫn không đủ đam mê với điện ảnh sau khi nhận được một vài kịch bản phim khác, chúng tôi quyết định dành trọn thời gian cho tình yêu với thời trang.
Năm 1995, hai chị em cùng tham gia cuộc thi “Tìm kiếm người mẫu Châu Á” diễn ra tại Hà Nội và cả hai cùng chia nhau giải thưởng “Người mẫu trình diễn ấn tượng nhất”. Khỏi phải nói chúng tôi vừa bất ngờ, vừa vui sướng như thế nào. Giải thưởng đó góp phần rất lớn giúp hai chị em có chỗ đứng vững chắc trong làng người mẫu vẫn còn đang rất mới mẻ.
Chúng tôi nhớ mãi câu nói của Hà Châu - một người anh, cũng là một người thầy cùng song hành với chúng tôi bấy giờ: “Năm 1995 sẽ là năm của Thúy Hằng -Thúy Hạnh”. Năm đó hình ảnh của chúng tôi có mặt gần như hầu hết các buổi biểu diễn của các nhà thiết kế thời trang Việt Nam cũng như của các nhà thiết kế nước ngoài vào Việt Nam trình diễn các bộ sưu tập của họ như Pierre Cardin, Junko Koshino, Paco Rabane…
Thật lạ khi chiều cao của chúng tôi lúc đó chỉ 1m65 - quá khiêm tốn so với chuẩn người mẫu quốc tế - nhưng vẫn được chọn. Một lần nữa, chúng tôi nhận ra rằng đôi khi những điều tưởng chừng hạn chế của bạn (ví dụ chúng tôi không cao, lại không theo chuẩn đẹp truyền thống) lại chính là nét riêng lợi thế của bạn, giúp bạn không lẫn vào một ai khác.
Linda Evangelista là người mẫu mà chúng tôi rất yêu thích, với hình ảnh một người mẫu rất cá tính và có thể dễ dàng thể hiện nhiều phong cách khác nhau trong các shot hình. Phải nói rằng, hình ảnh và phong cách của chúng tôi ảnh hưởng rất nhiều từ cô.

Chúng tôi khá may mắn trong công việc người mẫu của mình khi nhận được hợp đồng chụp hình quảng cáo cho Coco - một hãng thời trang rất nổi tiếng giữa thập niên 90.
Chúng tôi phải gửi lời cảm ơn đến các nhà thiết kế đã tin tưởng luôn đưa chúng tôi vào danh sách người mẫu trình diễn và chụp những bộ trang phục mới nhất của họ: Ngân An, Hương Giang, La Hằng, Marie Claire Hải Yến, Xuân, Nguyễn Tiến Lợi, Đức Hùng, Ngô Thái Uyên...
Đặc biệt nhiều năm liền, chúng tôi được anh Tiến Lợi tin cậy gửi gắm thể hiện những trang phục của anh. Tiến Lợi có một thói quen rất đặc biệt là anh lấy số đo rất kỹ và chi tiết - có lẽ là kỹ nhất trong các nhà thiết kế trong nước mà chúng tôi từng làm việc. Vậy mà anh Lợi quen thuộc với chúng tôi đến mức anh nhớ tất cả các số đo của chúng tôi. Tất cả các trang phục anh Lợi làm cho chúng tôi đều vừa vặn đến ngạc nhiên mà chúng tôi không cần một lần thử.
Chúng tôi khá may mắn trong công việc người mẫu của mình khi nhận được hợp đồng chụp hình quảng cáo cho Coco - một hãng thời trang rất nổi tiếng giữa thập niên 90. Đây cũng đánh dấu lần đầu tiên hai chị em được hợp tác với nhiếp ảnh gia Lê Thanh Hải, người mà về sau này trở thành nhiêp ảnh gia thân thiết nhất với chúng tôi, giúp chúng tôi lưu lại rất nhiều hình ảnh tuyệt vời.
***
Studio Xính có mặt tại Hà Nội trong thời điểm đầu năm 97 cũng gắn bó với chúng tôi trong suốt thời gian dài. Phần lớn những bức hình thời trang lúc đó của chúng tôi do hai anh em Đình Dzũ và Đình Duẩn thực hiện. Chúng tôi gần như có mặt tại Studio Xính mỗi tuần, mỗi lần chị em chúng tôi hay anh em Duẩn - Dzũ có ý tưởng gì lại í ơi hẹn nhau đến chụp. Có lẽ kho ảnh của studio Xính là kho ảnh lưu trữ những hình ảnh chung của chúng tôi nhiều nhất. Điều tôi ngưỡng mộ hai anh em nhiếp ảnh gia Đình Dzũ và Đình Duẩn là gia đình họ vốn là người Sài Gòn nhưng đã ra Hà Nội lập nghiệp và thành công.
***
“Duyên dáng Việt Nam” do báo Thanh Niên tổ chức là chương trình ca nhạc thời trang lớn nhất thời đó. Bất kỳ người mẫu nào cũng mơ ước có tên trong danh sách trình diễn của chương trình. Chúng tôi bắt đầu tham gia chương trình ngay số thứ hai khi chương trình được tổ chức tại Cung Văn Hóa Hữu nghị Việt-Xô năm 1995.
Chúng tôi tham gia khá nhiều lần “Duyên dáng Việt Nam” sau đó, nhưng ấn tượng lần đầu tham gia làm chúng tôi nhớ mãi. Chương trình rất quy mô so với tất cả những chương trình chúng tôi đã từng tham gia, ê kíp làm việc rất chuyên nghiệp.
Nhưng chúng tôi đặc biệt ấn tượng với dàn người mẫu từ Tp.HCM (lúc đó có hoa hậu Hà Kiều Anh, Ngô Mỹ Uyên, người mẫu Minh Anh, Thanh Xuân, Chung Vũ Thanh Uyên…), họ vượt trội hơn chúng tôi mọi thứ: trong khi chúng tôi tự mày mò học cách trang điểm thì họ có ê kíp trang điểm riêng, trang phục và giầy của họ cũng đẹp hơn, nhìn họ lung linh hơn chúng tôi rất nhiều.
“Duyên dáng Việt Nam” cũng để lại cho chúng tôi rất nhiều kỷ niệm, sau chương trình biểu diễn tại Hà Nội chúng tôi cùng siêu mẫu Vũ Cẩm Nhung liên tiếp được mời vào Tp.HCM trình diễn trong những năm sau đó khi chương trình được diễn ra tại Tp.HCM. Chúng tôi không được xếp đi ở vị trí vedette như các hoa hậu nhưng hai chúng tôi luôn được xếp ở vị trí đặc biệt cùng chị Vũ Cẩm Nhung, ba chị em chúng tôi như hình với bóng luôn xuất hiện cùng nhau trong quãng thời gian khá dài.
Cũng có thể vì chúng tôi có điểm chung khá giống nhau về phong cách trình diễn ấn tượng, và cũng có thể vì ba chúng tôi là những người mẫu duy nhất của đất Hà thành vào Tp.HCM biểu diễn. “Duyên dáng Việt Nam” cũng là nơi chúng tôi chứng kiến nhiều nhất những việc người mẫu “chơi xấu” nhau sau hậu trường. Việc trang phục người mẫu này bị lén cắt, hay người mẫu kia bị giấu đồ thường xuyên xảy ra, thậm chí có người mẫu còn cố tình dẫm lên vạt áo dài của người đi trước để cô đó bị té ngã hoặc tuột cúc áo trên sân khấu.
Chúng tôi cũng có hai năm tham gia làm diễn viên trong các show trình diễn ảo thuật của ảo thuật gia Elvis Công. Công việc này cũng mang lại rất nhiều kinh nghiệm biểu diễn sân khấu cho chúng tôi. Những trải nghiệm từ sàn ảo thuật giúp chúng tôi gắn bó với nghệ thuật, nâng cao những kinh nghiệm cần thiết cho hành trang hoạt động nghệ thuật của cả hai.
Năm 1996, chúng tôi cùng bạn bè cũng thành lập một nhóm nhảy breakdance để đi biểu diễn ở các sân khấu, tụ điểm khắp Hà Nội. Nhóm có những gương mặt như Thu Hương (hoa khôi thể thao), Quỳnh Lan (giảng viên trường múa Việt Nam), Tuyết Minh, anh Nam và anh Hoàng... Hai năm sinh hoạt trong nhóm nhảy “Kiến lửa” đã giúp chúng tôi có sức khỏe dẻo dai và uyển chuyển hơn rất nhiều.

Chúng tôi thì hay nói vui với nhau rằng: “Khi chị em ta chung bước với nhau, không gì có thể làm chúng ta chùn bước”.
Chúng tôi có những người bạn, người đồng nghiệp luôn đồng hành trong suốt thời gian đứng trên sàn catwalk với rất nhiều kỷ niệm. Trong số đó, không thể không kể đến siêu mẫu Vũ Cẩm Nhung, Trần Bảo Ngọc, Tôn Hiếu Anh, hoa hậu Nguyễn Thu Thủy, Ngô Thu Trang, Thái Thanh Hương, Hoàng Xuân, Trần Thanh Hà, Phạm Anh Phương, Nguyễn Hải Yến, Đỗ Bich Nguyệt, Mai Thu Trang, Đỗ Vân Anh, Quỳnh Nga, Nguyễn Thu Hương, Trịnh Hương Giang…
Tất cả có những kỷ niệm trên sân khấu mà đến giờ này khi gặp lại chúng tôi vẫn phá lên cười khi nhắc lại những điều đó. “Tai nạn nghề nghiệp” thì không biết bao nhiêu mà kể. Có lần trình diễn thời trang áo cưới, Thúy Hạnh nổi hứng quay nhiều vòng trên sàn diễn, không ngờ ngã thẳng xuống hàng ghế bên dưới và ngồi trọn vào lòng một khán giả đang ngồi xem ở hàng đầu tiên. Có khi bước ra sân khấu rồi mới biết chưa kịp cài cúc áo nên vừa sải bước vừa lấy tay nắm lại.
Cũng có lần anh bạn đồng nghiệp nam thân thiết là Hiếu Anh ra sân khấu rồi mới biết mình quên chưa kéo dây quần. Thế là lúc tạo dáng chung liền kề nhau, Thúy Hạnh đưa tay kéo giùm dây quần cho khổ chủ, cứu nguy một “bàn thua trông thấy” cho cậu bạn.
Khi nhớ lại những năm tháng “sơ khai” đó, chúng tôi liền nghĩ đến hoạt động biểu diễn thời trang và lớp người mẫu bây giờ rất chuyên nghiệp và thuần thục. Chúng tôi rất vui khi thấy các thế hệ đồng nghiệp sau này có rất nhiều điều kiện và cơ hội để phát triển, định hình phong cách và gặt hái thành công trong làng biểu diễn. Ở thời của chúng tôi thì gặp khó khăn hơn rất nhiều.
Nhưng rồi chúng tôi lại chợt nghĩ, những khó khăn ngày xưa đã giúp chúng tôi gắn bó và rất yêu nghề, có độ bền bỉ để bám lấy nghề mà chúng tôi yêu quý. Thời đó, những bon chen hay khao khát danh lợi đến mức đạp lên nhau để có chỗ đứng chưa hề tồn tại trong tâm thức những người mẫu chúng tôi. Chúng tôi vẫn nhớ mình coi nhau như một gia đình, thương yêu, quý mến và chia sẻ “đồng cam cộng khổ” cùng nhau. Bởi vậy, chúng tôi đã có được một quãng đường rất đẹp trong nghề “người mẫu”, ít có cám dỗ, cạm bẫy lẫn thị phi của dư luận.
Có lẽ cũng nhờ sống trong môi trường như vậy mà chúng tôi giữ vững được niềm đam mê của mình đến tận bây giờ.
Người mẫu song sinh
Việc là chị em sinh đôi mang đến cho chúng tôi nhiều thuận lợi. Thay vì phải kiếm bạn bè thân thiết, bản thân hai chúng tôi đã là “bạn” thân thiết nhất của nhau, có thể chia sẻ mọi buồn vui, tâm sự mọi góc khuất, bao khó khăn thuận lợi, vui và buồn, bực tức hay hân hoan trong cuộc sống thường ngày lẫn công việc.
Chúng tôi là chị em, là bạn thân, bạn học chung từ mẫu giáo đến tận đại học (khoa ngoại ngữ trường Đại học Mở Hà Nội), là đồng nghiệp của nhau. Dù cá tính hai đứa khác nhau nhưng cùng sở thích và niềm đam mê. Hằng hiền hơn, biết nhường nhịn hơn, nói chuyện hài hước hơn. Hạnh nói nhiều, năng động hơn và hay “bắt nạt” chị.
Sở thích lớn nhất của chúng tôi dĩ nhiên là thời trang. “Gu” ăn mặc, kiểu tóc và ăn uống cũng giống nhau. Chúng tôi thích mặc trang phục nhiều màu sắc và cá tính, thích đi lang thang ngắm cảnh Hà Nội, thích ăn quà vặt. Bây giờ khi đã làm vợ, làm mẹ, hai chị em chúng tôi có nhiều thay đổi nhưng có một sở thích không bao giờ thay đổi đó là về thời trang.
“Khi chị em ta vai kề vai, ai có thể chống lại chúng ta?” (Pam Brown). Chúng tôi thì hay nói vui với nhau rằng: “Khi chị em ta chung bước với nhau, không gì có thể làm chúng ta chùn bước”. Chúng tôi cảm ơn mình đã được sinh ra bên nhau và tương trợ lẫn nhau. Nếu được sinh ra lần nữa, chúng tôi vẫn muốn là chị em sinh đôi.