![]() |
Một loại thuốc phá thai. |
Theo bác sĩ Dương Phương Mai, Trưởng khoa Kế hoạch hoá gia đình Bệnh viện phụ sản Từ Dũ TP HCM, hiện nay, thuốc phá thai ở Việt Nam chỉ áp dụng cho thai dưới 7 tuần tuổi và chỉ được phép triển khai ở 2 Bệnh viện là Từ Dũ và Hùng Vương. Bệnh nhân nhất thiết phải đến phòng khám bệnh viện và uống dưới sự hướng dẫn của bác sĩ. Người dị ứng với thành phần của thuốc hay có bệnh lý gan, thận sẽ không dùng được. Bác sĩ Mai khuyên bệnh nhân đừng nghe lời quảng cáo của cò mồi, tư nhân hay nhà thuốc tây ở ngoài mà uống thuốc này, tiền mất tật mang.
So với biện pháp phá thai phẫu thuật, thuốc phá thai được coi như "fast food", tiện lợi, nhanh chóng, giá rẻ. Thế nhưng, nó vẫn được các bác sĩ chỉ định một cách hết sức dè dặt. Thậm chí, thuốc này còn bị coi là bất hợp pháp ở Australia.
Thuốc phá thai Mifepristone có tên khoa học là RU - 486 được bào chế thành công lần đầu tại Pháp, và được cho phép sử dụng đầu tiên tại nước này vào năm 1988. Nó được công nhận hợp pháp và được phổ biến rộng rãi tại Anh, Mỹ, New Zealand, Trung Quốc, Canada, Nga, Tây Âu, và gần đây nhất là Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam. Nguyên lý hoạt động của thuốc là "khoá" sự hoạt động của progesterone, hoóc môn chính phát triển phôi thai, làm cho sự phát triển này bị ngưng đọng. Thuốc được dùng cho thai dưới 9 tuần tuổi, và đạt tỷ lệ thành công lên tới 96,9%. Tuy nhiên, nó gây ra một số phản ứng mạnh mẽ ở cơ thể phụ nữ như đau co thắt dữ dội ở dạ dày, ra huyết rất nhiều. Phản ứng còn kinh khủng hơn đối với những cơ thể mình hạc xương mai, sức khoẻ yếu hay có tiền sử phá thai.
Hiện nay, đã có hơn 2 triệu ca phá thai bằng thuốc trên toàn cầu; và Tổ chức Y tế thế giới đã liệt thuốc phá thai vào danh mục thuốc viện trợ cho các nước đang phát triển. Tuy nhiên, vì sự gia tăng ngày càng nhiều các tác dụng phụ, giới bác sĩ đã phải thận trọng hơn trong việc "vung tay" kê đơn như trước đây. Sự thận trọng càng tăng khi Uỷ ban Sức khoẻ cộng đồng Mỹ cho biết đang điều tra cái chết của 4 phụ nữ do dùng thuốc phá thai.
Riêng ở Australia, thuốc phá thai vẫn đang là hàng "quốc cấm". Gần đây, dưới áp lực của dân chúng, những tranh cãi về việc "cho" hay "không cho" sử dụng thuốc phá thai lại bùng lên. Đa số ý kiến các chuyên gia và các nhà khoa học nước này vẫn tỏ ra rất dè dặt khi nhìn về những "bằng chứng" không mong đợi kia. Họ cũng lo sợ rằng mai đây, tỷ lệ phá thai sẽ tăng vọt nếu thuốc được sử dụng rộng rãi. Chuyên gia sản khoa Caroline De Costa viết trên Tạp chí Thuốc Australia: "Mọi người hãy nhớ phá thai là hợp pháp ở Australia, cho nên đây không phải là vấn đề đạo đức hay chính trị mà là vấn đề sức khỏe. Đây không phải là quyết định mang tính cảm xúc. Bạn hãy nhìn những bằng chứng khoa học trước mắt đi".
(Theo Sài Gòn Tiếp Thị)