Cuối tháng 10, một số mặt hàng thuốc nội được thông báo sẽ tăng giá 5-20% và dự báo còn tiếp tục nhích lên. Lý do là giá nguyên liệu nhập ngoại đang tăng 4-21%, trong đó chủ yếu là nguyên liệu nhập từ Trung Quốc. Chẳng hạn, vitamin B6, vitamin C tăng 2-10%, trimethoprim tăng 21%... Bột Lincomycin nhập từ Trung Quốc tăng từ 31 USD/kg lên 45 USD/kg; dẫn đến giá thành phẩm là Lincocin 500 mg tăng từ 5.000 đồng lên 6.000 đồng một vỉ...
Ông Hoàng Hữu Đoàn, Giám đốc Xí nghiệp Dược phẩm Trung ương 1, cho biết, gần đây giá dầu mỏ tăng nên nguyên liệu làm thuốc phải tăng theo. Khi giá nguyên liệu tăng khoảng 10% thì giá thuốc sẽ tăng 6-7%. Theo ông, giá thuốc tăng không có gì đáng mừng đối với nhà sản xuất vì phải tăng vốn, và nếu nguyên liệu vẫn tiếp tục tăng giá thì họ lại càng gặp khó khăn trong luân chuyển vốn vì tiền bán thuốc có thể không đủ mua nguyên liệu.
Ông Đoàn cho rằng, dù tăng giá thì thuốc nội vẫn cứ rẻ như bèo: "Một chai dịch truyền sản xuất với điều kiện vô trùng tuyệt đối giá chỉ 6.000 đồng, trong khi một chai nước khoáng 500 ml được bán tới 16.000 đồng. Đó là điều vô lý hết sức. Thuốc nội đang bị đối xử không công bằng. Một viên paracetamol 500 mg sản xuất trong nước có giá xấp xỉ 100 đồng; trong khi viên Panadol của hãng Sanofi cũng chứa 500 mg paracetamol giá cao gấp 6 lần".
Theo đánh giá của Đại học Dược Hà Nội trong một nghiên cứu gần đây, thuốc nội dù có tăng giá đến 100% thì cũng chỉ cao hơn từ vài trăm đến vài nghìn đồng chứ không như thuốc nhập ngoại. Chẳng hạn, dù có tăng gấp đôi thì giá thuốc paracetamol 500 mg (vỉ 10 viên) cũng chỉ lên tới 1.000 đồng/vỉ; vitamin C 500 mg lên 2.000 đồng/vỉ.
Theo Lao Động, một trong những nguyên nhân dẫn đến sự chênh lệch quá nhiều về giá giữa thuốc nội và thuốc ngoại là cơ cấu chi phí cấu thành giá thuốc nội còn bất hợp lý. Chẳng hạn, tại Công ty cổ phần dược phẩm Nam Hà, chi phí về lương chỉ chiếm 8-10% giá thành sản phẩm với mức lương bình quân 540.000 -580.000 đồng/tháng. Chi phí cho quảng cáo, marketing chỉ chiếm khoảng 7% giá thành trong khi ở các hãng dược nước ngoài, tỷ lệ này là 15-50%. Điều này cũng lý giải tại sao các sản phẩm nội chưa có chỗ đứng trong lòng khách hàng và trên thị trường.