Nhiều người có triệu chứng bệnh lý khác nhau nhưng đến đây vẫn được ông Phạm Hải Đăng, chủ cơ sở, bán cùng một loại thuốc để điều trị bằng hình thức pha nước uống trước khi đi ngủ hoặc được bỏ chung vào các thang thuốc bốc cho bệnh nhân sắc uống.
Theo ông Hải Đăng, đây là loại thuốc gia truyền chữa bá bệnh như hen phế quản, viêm họng hạt, viêm xoang, viêm khớp, ho, khó thở... Nhưng thực tế, bệnh nhân khi uống loại thuốc này vào có hiện tượng tăng cân, sảng khoái, tỉnh ngủ, đau dạ dày, uống nhiều lần nhưng bệnh vẫn không khỏi.
Từ nguồn tin này, ngày 13/5, Thanh tra Sở Y tế phối hợp với Hội Đông y tỉnh, Phòng PA 25 (Công an tỉnh Gia Lai) tiến hành kiểm tra đột xuất và phát hiện ông Phạm Hải Đăng đã hành nghề vượt quá khả năng chuyên môn, không đúng phạm vi được quy định trong giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề như tự bào chế và kinh doanh thuốc cao, đơn, hoàn tán.
Thuốc tự bào chế đã được đoàn kiểm tra niêm phong, sau đó được chuyển về Phân viện kiểm nghiệm (Bộ Y tế). Kết quả phân tích tại phiếu kiểm nghiệm số 0175/PVKN ngày 30/5 đã có kết luận: "Trong mẫu thử có tìm thấy chất dexamethason acetate". Đây là chất thuộc nhóm độc B gây nhiều tác dụng không mong muốn.
Tại cuộc họp ngày 31/5, với sự hiện diện của đại diện ngành y tế và các ngành có liên quan, ông Phạm Hải Đăng đã nhận trách nhiệm về hành vi của mình. Cùng ngày, Chánh thanh tra Sở Y tế đã ra quyết định xử phạt hành chính 9 triệu đồng và tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề y học cổ truyền tư nhân không thời hạn đối với ông Phạm Hải Đăng. Ngày 13/6, Giám đốc Sở Y tế đã ra quyết định về việc đình chỉ hoạt động hành nghề đối với phòng chẩn trị y học cổ truyền tư nhân của ông Phạm Hải Đăng.
Ngày 13/6, đoàn kiểm tra ngành y tế cũng đã tiến hành kiểm tra Phòng chẩn trị y học cổ truyền tư nhân Thái Hòa, địa chỉ 47 Ngô Gia Tự, Thành phố Pleiku do ông Tô Đình Tuấn làm chủ cơ sở thì đã phát hiện cơ sở này cũng hoạt động quá khả năng chuyên môn như tự bào chế cao, đơn, hoàn tán để chữa bá bệnh.
Hiện đoàn kiểm tra chờ kết quả phân tích từ mẫu thuốc tự bào chế đã lấy niêm phong. Tiếp xúc với PV Thanh Niên, ông Tuấn nói tỉnh queo: "Mặc dù biết mình tự bào chế thuốc là vi phạm nhưng vì theo yêu cầu của một số bệnh nhân nên tôi đã làm việc này". "Vậy ông đã sản xuất bao nhiêu loại thuốc tất cả?". "8 loại nhưng với số lượng ít".
Các loại thuốc mà ông Tuấn bào chế chỉ dựa trên sách báo mà không được đào tạo qua trường lớp bào chế đông dược, có loại thuốc không ghi thời hạn sử dụng, không có biện pháp chống ẩm, chống mốc.
Một cháu bé đã dùng thuốc này suýt mất mạng vì ngộ độc thuốc. Kết quả từ những viên thuốc mà cháu bé này uống đã được kiểm nghiệm cho thấy trong đó chứa tới 3 loại chất độc là chì, asen (thạch tín) và thủy ngân.