![]() |
Thung lũng Mai Châu nằm dưới chân đèo Thung Khe. |
Xóm Lầu, xã Mai Hạ nằm khép mình dưới chân núi Pù Lầu là nơi có nhiều người mắc nghiện và nhiễm AIDS nhất. Trong vai một cán bộ y tế Huyện, phóng viên đã tìm đến gia đình bà Cúc, người mẹ ba lần tiễn đưa ba anh con trai "ra đồng" vì AIDS. Cơn mưa mùa hạ giữa miền sơn cước hoang vu và hẻo lánh càng khiến cho không khí trong ngôi nhà nhỏ nằm ngay mặt đường của bà Cúc thêm lạnh lẽo.
Cánh cửa ngôi nhà mở toang hoang, trên manh chiếu sờn rách là một người phụ nữ dân tộc Thái đang nằm ngủ co ro. Căn nhà trống hơ trống hoác chỉ có độc một chiếc phản và chiếc tủ cũ trống trơn dựng góc nhà "trang trí". Gọi đến ba câu, cái thân người gầy khô như que củi ấy mới ngồi dậy, dụi dụi mắt và mời khách vào nhà bằng giọng Kinh lơ lớ.
Khơi lại câu chuyện buồn về ba người con trai bà Cúc thật khó. Người mẹ này đã nguôi ngoai và chôn chặt câu chuyện các con vào lòng, giờ nói lại, bà chỉ chực khóc: "Đau lắm. Tự nhiên ai lại nghĩ ra cái thuốc này để chúng nó mắc phải. Bố mẹ sinh ra con mà không dạy bảo được chúng nó. Đi làm ăn xa, thấy người ta bảo thử, mà chỉ thử có một lần là dính chứ có phải nhiều lần như người ta".
Trong nhận thức của người mẹ này, các con bà mới chỉ dùng một lần thì làm sao đã nghiện, đã dính căn bệnh quái quỷ khó gọi tên. Cả ba anh con trai của bà đều nhiễm bệnh từ một lần tiêm chích ma túy rồi lần lượt "rủ" nhau qua đời trong ba năm liên tiếp. Vừa chậm rãi kể chuyện, đôi mắt bà vừa nhìn ra cửa, vô định trong từng hạt mưa lộp bộp ngoài sân, thỉng thoảng, đôi tay gầy xương đầy gân guốc lại đưa lên quyệt nước mắt.
![]() |
Căn nhà nhỏ của ông bà Cúc trở nên hoang vắng và lạnh lẽo từ khi ba con trai qua đời. |
Bà Cúc nghẹn ngào: "Thằng thứ hai mắc bệnh và chết đầu tiên. Nó đi làm trong bãi đá. Nghe đâu ông chủ nghiện hay cho công nhân tiêm một loại thuốc và bảo rằng chích vào sẽ rất khỏe, vác được nhiều đá sẽ được nhiều tiền. Cũng vì tò mò, nó chích một lần và không may bị lây bệnh".
"Thằng hai chết đầu tiên rồi đến thằng cả và nốt thằng út". Người mẹ dân tộc ấy còn nhớ như in và kể rành rọt ngày, tháng, năm từng đứa con qua đời. "Thương thằng út lắm. Nó sinh năm 1983, chưa vợ, mất năm 2006. Ngày còn sống nó là đứa khỏe mạnh, ăn khỏe và ít nói nhất. Bị bệnh vào, sức khỏe của nó suy sụp rất nhanh".
Không hề hay biết mình mang bệnh thế kỷ, chỉ đến khi bị ốm và mang tới bệnh viện, hai người con trai đầu của bà Cúc mới phát hiện ra mình bị nhiễm AIDS. "Thằng út không đi khám nhưng nó biết mình cũng mắc bệnh như hai anh. Nó tự lên tỉnh xét nghiệm. Không giấu diếm chúng tôi, nó thông báo kết quả ngay hôm đó".
Nỗi đau dồn dập đổ lên đầu hai mái đầu bạc, ông bà Cúc đau đớn khóc con suốt đêm. Trong câu chuyện kể, lúc nào người mẹ bất hạnh này cũng nói câu "đau lắm nhưng chẳng biết làm thế nào được". Giờ đây, trong ngôi nhà lạnh lẽo, hai ông bà sống cùng cô con dâu và thằng cháu trai may mắn "không theo bố nó bị bệnh". Còn cô con dâu thứ hai đã ra ở riêng cũng ốm yếu luôn, thỉng thoảng có ghé qua thăm bố mẹ chồng. Đứa cháu trai 2 tuổi là niềm an ủi lớn nhất của ông bà Cúc. Thế là, gia đình ông bà vẫn có người nối dõi.
Đến Mai Hạ những ngày này vẫn còn dư âm đám tang của Hải, một nạn nhân AIDS vừa qua đời tuần trước. Trong một lần thử chích cùng kim tiêm với bạn, Hải đã lây bệnh từ các "đồng nghiệp". Trước từng là một thanh niên chơi bời lêu lổng lại hay ăn cắp vặt, Hải được gia đình cho cách ly xuống Đồng Chúi (Tân Vinh, Lương Sơn) để cách ly với đám bạn xấu. Lập gia đình, Hải có phần tu tỉnh nhưng thật không may, thần chết không buông tha đã gõ cửa cuộc đời cậu. Người vợ trẻ đôi mươi giờ mang trên đầu vành khăn trắng. Sau cái chết của chồng, cô vợ trông già hơn so với tuổi. Cuộc sống của phận làm dâu xa nhà như cô bây giờ là những chuỗi ngày lo lắng, thấp thỏm, đấu tranh với nỗi ám ảnh AIDS.
Thanh niên xã Tòng Đậu vẫn còn nhắc tới một trường hợp trớ trêu của Chẩu, bị bạn chuốc rượu say rồi lấy kim tiêm chích "cho nghiện giống tao". Chẩu bị khuyết tật từ nhỏ, "hiền như cục đất". Cái tin cậu bị AIDS khiến người trong làng ngoài xã không ngờ tới. Mũi tiêm đầu tiên ấy không khiến cậu bị nghiện nhưng lại gieo giắc cho cuộc đời đáng thương của Chẩu căn bệnh quái ác. Hiện, cuộc sống của cậu thanh niên này chỉ còn được tính từng ngày, từng giờ.
Với ông hiệu trưởng của một trường cấp 2 trong xã thì nỗi đau vẫn còn dai dẳng khi hai trong số ba người con của mình đã rời bỏ ông chỉ vì nàng tiên nâu và sau đó là bị AIDS. Khắp xóm Lầu, ở đâu cũng nghe được những số phận đang chờ lưỡi hái tử thần và oái ăm nhất là hầu hết trong số họ đều là những người ở độ tuổi thanh niên.
![]() |
Nhiều phụ nữ ở xóm Lầu, Chiềng Châu, Vạn Mai rơi vào cảnh góa bụa khi tuổi đời còn rất trẻ. Ảnh minh họa. |
Nói về tệ nạn ở xã mình, ông chủ tịch Vì Xuân Đức, xót xa: "Mai Hạ bây giờ đang phải gánh chịu hậu quả của những năm trước đây. Tính từ năm 2000 trở về trước, nơi đây thực sự là một "điểm đen". Thời điểm đó, thanh niên xóm Lầu (xã Mai Hạ) đi đến đâu đều bị người khác xa lánh. Từ đó tới giờ, 16 người đã chết, toàn xã giờ chỉ còn 14 mắc AIDS trong đó có 4 người đang chờ chết. Tuy nhiên, người dân trong xã không hề có sự kỳ thị với những gia đình có người nhiễm, trái lại, họ luôn đến động viên, giúp đỡ lẫn nhau".
Căn nhà sàn ngăn nắp của gia đình ông Đức nằm vây quanh 4-5 gia đình có người mắc và chết vì AIDS. "Dọc cái dãy này có 5 hộ thì chỉ duy nhất có nhà tôi là không có người nghiện hay bị AIDS, còn lại, phía trước, đằng sau, bên cạnh, nhà nào cũng có người mắc cả rồi", vị chủ tịch xã vừa nói vừa đưa tay chỉ xung quanh.
Ông Đức không phủ nhận nhận một thực tế là năm gần đây, người mắc AIDS có giảm nhưng số người nghiện, chủ yếu là thanh niên, tăng lên. Hoạt động mua bán ma túy vẫn diễn ra, con nghiện có thể kiếm được thuốc dễ dàng từ những tụ điểm bán lẻ rải rác trong thị trấn. Mai Châu được xem là nơi trung chuyển "hàng cấm" về xuôi của dân buôn ma túy. Có hai con đường vận chuyển chính: Ma túy được đưa từ Lào qua Sơn La xuống Mai Châu và theo đường 6 hoặc từ Lào, hàng được đưa sang Pù Nhi đến Tam Chung (Mường Lát) xuôi sông Mã về Co Lương (xã Vạn Mai).
Theo ông Đức, lý do chính dẫn tới tình trạng nghiện ngập "bùng nổ" như hiện nay đó là nguồn hàng ma túy luôn có sẵn. Thanh niên nghiện một là rơi vào gia đình khá giả hoặc là rất khó khăn. Những thanh niên này đua đòi bạn bè hút chích rồi sa đà vào con đường nghiện ngập. Khi không có tiền, các tay chơi đi ăn trộm hoặc đi buôn thuốc để có tiền và thuốc dùng. Phần lớn đối tượng mắc AIDS và nghiện đều do nhận thức còn hạn chế, nghe bạn bè, kẻ xấu rủ rê thử một lần rồi đóng cánh cửa cuộc đời mãi mãi.
Số người nghiện ngày một tăng khiến người dân dọc con đường từ ngã ba vào thị trấn phải thốt lên "ra đường là gặp nghiện". Trong số 22 xã của Mai Châu thì có tới 16 xã có người nghiện và mắc bệnh thế kỷ. Khi tình cờ bắt gặp những cậu thanh niên "choai choai" "biểu diễn" trên đường hoặc tụ tập quán xá, ai cũng có thể "chỉ mặt đặt tên" anh nào nghiện "tả tơi". Người dân cho biết, cứ nhìn nhà nào mới xây 2-3 tầng hay những nếp nhà sàn "độc nhất vô nhị" còn thơm mùi gỗ là nhà đấy buôn ma túy.
Khi bóng đêm phủ một màu đen kịt bí ẩn xuống thung lũng này, thanh niên các xóm lại ra tụ tập ở ngã ba để mua bán nhỏ lẻ. Cách mấy hôm, người dân lại được chứng kiến những con nghiện mặt non choẹt sốc thuốc chết dọc đường hay trong các bãi tha ma hoang vắng.
Bài và ảnh: Minh Phương
* Tên nhân vật đã được thay đổi.