![]() |
Người tiêu dùng đang phải chịu mua xe ô tô với giá rất cao. |
Lộ trình điều chỉnh thuế đối ngành công nghiệp lắp ráp ô tô, cụ thể là thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ nâng lên 40% thay vì 25% cho loại xe 5 chỗ ngồi, áp dụng từ 1/1/2005 đã "giúp" cho một loạt liên doanh ô tô tăng giá xe. Tới thời điểm này (ngày 25/12) một số liên doanh lớn như Toyota Việt Nam (TMV), Ford Việt Nam (FVN) chưa công bố giá mới, song theo Thanh Niên, giá xe sẽ tăng khoảng trên dưới 10%. Liên doanh ô tô VMC, chuyên lắp ráp xe BMW, Mazda cho hay, chiếc Mazda6 sẽ tăng từ 36.900 USD lên 42.500, chiếc Mazda3 số tự động từ 30.800 USD lên 35.200 USD. Mỗi lần điều chỉnh thuế, giá ô tô lại tăng lên một vài chục phần trăm, đẩy giá xe ở Việt Nam lên ngày càng cao hơn các nước phát triển.
Song không vì thế mà thị trường xe hơi sút giảm. Dự báo của hiệp hội các nhà sản xuất ô tô rằng ngành công nghiệp ô tô sẽ đóng cửa khi Nhà nước tăng thuế đã không trở thành hiện thực. Sau thời gian trầm lắng hồi đầu năm, xe lại bán chạy như tôm tươi. Dẫn đầu là TMV, liên doanh này đã không còn xe để bán từ vài tháng trước đây, muốn mua xe phải đợi đến quý 2 sang năm.
Gần 3.000 khách hàng đang chờ đợi và TMV trấn an họ bằng cách mời 1.700 người ở Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM dự một bữa tiệc trọng thể dịp Giáng sinh vừa qua. Chưa hết, hãng này lại vừa mở thêm một trung tâm dịch vụ ở Hà Nội với chi phí lên đến 110 tỷ đồng. FVN cũng thành công không kém. Ngay sau sự kiện chiếc xe Mondeo V6 bị tai nạn ở TP HCM (và ông chủ của nó đã thuê người kéo khắp Bờ Hồ (Hà Nội) để phản ứng chiếc túi khí không chịu nổ khi xe bị tàu hỏa đâm và sau đó là một vụ cãi cọ linh đình), FVN lại hoan hỉ thông báo lần đầu tiên trong lịch sử đã dẫn đầu danh sách bán xe trong tháng 11/2004: 952 chiếc, hơn 40 xe so với 912 xe của TMV!
Một đại lý cho hay, vài loại xe Ford cũng bắt đầu cháy hàng, muốn mua cũng phải đợi như đợi Toyota. Đổi lại, FVN giảm một nửa số tiền tăng giá cho khách hàng đã ký hợp đồng và đặt cọc nhưng sang năm 2005 mới được lấy xe.
Ông Lâm Chí Quang, Phó tổng giám đốc TMV, chỉ cười khi được hỏi: "Thị trường xe hơi sau ngày 1/1/2005 sẽ như thế nào?". Có lẽ sau Tết thị trường sẽ nguội đi nhưng sẽ nóng trở lại vào mùa hè. Chủ trương tăng thuế ô tô được giải thích là để thúc đẩy các liên doanh tăng tỷ lệ nội địa hóa. Tuy nhiên có vẻ như các liên doanh không bận tâm lắm đến điều này. Lắp ráp, bán giá cao và thu hồi vốn, khấu hao hết rồi đóng cửa nhà xưởng khi Việt Nam hoàn thành lộ trình cắt giảm thuế theo AFTA và khi gia nhập WTO sau đó, đây có vẻ như là "lộ trình" đã được xác định của các liên doanh. Sau thuế tiêu thụ đặc biệt, tới đây Nhà nước sẽ tính thuế theo từng loại phụ tùng, nhằm "khuyến khích tăng tỷ lệ nội địa hóa". Nhưng liệu biện pháp đó giúp đạt mục tiêu đề ra hay không? Chưa ai có thể trả lời câu hỏi này, nhưng những gì đã và đang diễn ra trên thị trường ô tô khiến người ta tin rằng biện pháp này thêm một lần nữa "giúp" cho các liên doanh ô tô tăng giá xe.
Nhiều chuyên gia kinh tế cảnh báo rằng, những bất cập về chính sách cũng như tiêu chuẩn đối với ô tô đang làm cho các liên doanh không cần quan tâm đến chủ trương xây dựng một ngành công nghiệp ô tô thực sự tại Việt Nam mà chỉ tận dụng mọi khả năng để biến Việt Nam thành một bãi lắp ráp ô tô nhằm thu lợi nhuận nhiều nhất.