- Xin bà cho biết những điểm mới trong dự thảo Luật thuế thu nhập cá nhân?
Bà Nguyễn Thị Cúc. |
- Thứ nhất, thuế sẽ được áp dụng thống nhất để điều chỉnh các loại thu nhập của cá nhân thay vì mỗi loại thu nhập được điều chỉnh bởi một sắc thuế như hiện nay. Luật sẽ xác định rõ các loại thu nhập để có mức điều tiết phù hợp. Thứ hai, thu nhập chịu thuế đối với cá nhân sẽ không phải là toàn bộ thu nhập như hiện nay mà dự kiến thu nhập sẽ được trừ đi một số khoản chi phí.
Chẳng hạn, thu nhập từ tiền lương, tiền công, thu nhập của chủ hộ kinh doanh (sau khi trừ chi phí) dự kiến được chiết trừ gồm: Một phần chi phí để tạo ra tiền lương, tiền công của cá nhân đó. Chi phí cho cá nhân người nộp thuế, trong đó có phân biệt người độc thân và người có gia đình. Phần chi phí cho việc nuôi dưỡng người thân của người nộp thuế theo quy định của pháp luật (như bố mẹ, vợ, chồng, con...), nếu con dưới 18 tuổi thì mục chiết trừ chi phí được nhiều hơn. Ngoài ra, các khoản đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của cả nhà người nộp thuế cũng được trừ trước khi xác định thu nhập chịu thuế.
- Những khoản giảm trừ này được tính theo mức cố định đối với tất cả mọi người hay được tính theo tỷ lệ phần trăm trên tiền lương, tiền công của từng cá nhân?
- Có ý kiến cho rằng, chọn phương án tỷ lệ (%) thì thích hợp hơn mức cố định. Tuy nhiên, hiện ban soạn thảo chưa có quyết định cụ thể về vấn đề này.
- Như vậy, bất kỳ ai có thu nhập chịu thuế (tổng thu nhập trừ đi các khoản giảm trừ) đều phải đóng thuế thu nhập cá nhân?
- Dự kiến là sau khi trừ đi các khoản giảm trừ nói trên, thu nhập còn lại của người nộp thuế mới coi là thu nhập để tính thuế và dự kiến áp dụng thuế suất thấp hơn rất nhiều so với mức 10% khởi điểm hiện nay. Thuế suất 5% hay bao nhiêu thì ban soạn thảo đang cân nhắc. Tuy nhiên, chúng tôi dự kiến, nếu sau khi giảm trừ chi phí mà mức thuế nộp quá ít thì được miễn.
- Mức thu nhập chịu thuế tối thiểu có tính tới tác động của lạm phát đối với thu nhập của người chịu thuế?
- Mức tính toán của chúng tôi là dựa trên các dự báo về thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam từ năm 2009 trở đi. Mức tính toán này cũng gắn với phương án cải cách tiền lương theo chỉ tiêu của chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2006-2010 được Quốc hội thông qua.
- Bà có nói là đối tượng chịu thuế của Luật thuế thu nhập cá nhân rộng hơn so với Pháp lệnh về thuế đối với người có thu nhập cao. Đó là những đối tượng nào?
- Theo chính sách thuế hiện hành, thu nhập của các cá nhân được điều chỉnh bởi các sắc thuế khác nhau: Cá nhân có thu nhập tiền lương, tiền công thì được điều chỉnh bởi Pháp lệnh về thuế đối với người có thu nhập cao. Cá nhân hộ kinh doanh có thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh thì bị điều chỉnh bởi thuế thu nhập doanh nghiệp. Cá nhân có thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất thì nộp thuế chuyển quyền sử dụng đất... Vì thế, Luật thuế thu nhập cá nhân đang được soạn thảo có mục tiêu thống nhất tất cả các chính sách điều tiết về thuế của các sắc thuế có liên quan đến thu nhập của cá nhân. Đây là lý do đối tượng của luật này rộng hơn.
- Một người có thu nhập 5,5 triệu đồng/tháng theo quy định hiện nay sẽ phải đóng thuế thu nhập là 50.000 đồng/tháng. Theo dự thảo Luật, mức thuế phải đóng sẽ nhiều hơn hay ít hơn?
- So với biểu thuế thu nhập về tiền lương, tiền công của pháp lệnh hiện nay thì mức động viên theo các phương án của Luật thuế thu nhập cá nhân sẽ ít hơn. Nhìn chung, những người đang đóng thuế theo Pháp lệnh thuế đối với người có thu nhập cao hiện nay sẽ phải đóng ít hơn, các hộ kinh doanh cũng vậy.
- Vậy với dự thảo Luật thuế thu nhập cá nhân, những người có thu nhập dưới 5 triệu đồng/tháng có phải đóng thuế?
- Điều này tôi chưa thể khẳng định, vì phải căn cứ vào từng trường hợp cụ thể của mức chiết trừ cho người nộp thuế. Có trường hợp sẽ không phải đóng thuế nếu như sau khi trừ đi các khoản giảm trừ hoặc ngược lại. Tôi cũng xin nói thêm, quan điểm về đối tượng phải nộp thuế thu nhập cá nhân hiện nay cũng rất khác nhau. Một số ý kiến cho rằng, cứ có thu nhập từ tiền lương, tiền công là phải nộp thuế, dù chỉ 1.000 đồng.
Mức nộp có thể là rất ít nhưng "góp gió thành bão" để xây dựng đất nước, thể hiện nghĩa vụ của công dân với nước nhà. Trong nhóm ý kiến này có cả ý kiến của một số lãnh đạo cấp rất cao của Nhà nước. Một số khác thì cho rằng, thu nhập chịu thuế phải đến một mức độ nào đó đủ để trang trải đời sống cho gia đình rồi mới phải đóng thuế thu nhập cá nhân, dưới mức đó không phải nộp thuế.
(Theo Thanh Niên)