Hành vi "Sử dụng, sửa chữa giấy chứng nhận và các tài liệu của cơ quan Nhà nước", "Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài" của Dương Công Tình và 17 đồng phạm, trong đó có một trưởng công an xã đã bị đưa ra xét xử tại TAND thành phố Hà Nội từ ngày 12 đến ngày 14/9. Chiều qua, Tình đã bị tuyên phạt 3 năm 6 tháng tù về hai tội trên.
![]() |
Dương Công Tình (áo trắng, đứng giữa, hàng trên cùng). |
Tháng 8/2004, Dương Công Tình (sinh năm 1953, trú ở phường Cái Đan, thị xã Sông Công, Thái Nguyên) mở văn phòng trung tâm tư vấn xuất nhập khẩu lao động tại nhà. Không được cơ quan Nhà nước cho phép nhưng Tình vẫn treo biển "Giới thiệu việc làm lao đông nước ngoài đi Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản, Đài Loan".
Nhiều người vốn hết hạn lao động ở nước ngoài, hết độ tuổi đi lao động nhưng muốn tiếp tục được làm ăn nơi xứ người bằng con đường đi "chui", làm giả giấy tờ. Họ đến gặp Tình nhờ "tư vấn", làm giúp. Có "hàng", Tình không ngần ngại bắt tay ngay vào công việc phạm pháp. Ông ta đã trực tiếp thuê chứng minh nhân dân và hộ khẩu của người khác để "phù phép" thành tên tuổi "khách hàng". Giá mỗi bộ này, Tình trả cho người cho thuê từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. Nếu phải xin giấy chứng nhận của địa phương, ông ta "lại quả" thêm 500.000 đồng/bộ (chứng minh và hộ khẩu). Còn Tình thu của những người có nhu cầu làm giả giấy tờ đi xuất khẩu lao động 8-15 triệu đồng/người.
Sau khi thuê được chứng minh thư và hộ khẩu rồi, Tình hơ nóng lớp ni lông, dùng dao cạo râu bóc tách lấy ảnh ra. Xong xuôi, ông ta dán ảnh của "khách" vào, lấy đồng tiền xu 200 đồng tạo dấu nổi rồi dùng bàn là ép lại chứng minh nhân dân. Hành vi này đã qua mắt được Phòng quản lý xuất nhập cảnh PA18 công an Hà Nội. Trong số 60 bộ hồ sơ, Tình làm trót lọt 58 bộ. Trước khi đến Phòng xuất nhập cảnh khai báo làm hộ chiếu, Tình dặn dò kỹ lưỡng khách hàng phải học thuộc tên tuổi, quê quán như trong chứng minh thư để tránh "lệch pha".
Trong khoảng thời gian từ đầu năm 2005 đến tháng 6/2006, Dương Công Tình đã thuê được 74 bộ của những người ở các huyện Sóc Sơn, Đông Anh (Hà Nội). Cùng tham gia với hành vi phạm tội với Tình là Nguyễn Thị Vượng (vợ Tình) và Tạ Ngọc Phan; Đào Công Thành; Bùi Văn Khánh; Hoàng Văn Đại; Nguyễn Văn Đáp; Trịnh Ngọc Hưng; Nguyễn Doãn Đáng, Nguyễn Văn Lợi; Nguyễn Văn Chanh; Nguyễn Văn Vinh; Nguyễn Thế Thanh; Trần Văn Cận; Đinh Thị Hữu; Trần Văn Cung; Lại Văn Bình và Dương Văn Bình.
Hầu hết các bị can đều không nghề nghiệp và làm ruộng. Riêng bị can Dương Văn Bình là Trưởng công an xã Bắc Sơn, Sóc Sơn (Hà Nội). Tình đã nhiều lần đưa hồ sơ đến chỗ Bình để xin dấu chứng nhận tại địa phương.
Qua điều tra, công an cũng xác định, bị can Dương Công Tình đã có hai tiền án. Năm 1992, Tình bị TAND tỉnh Hà Bắc xử 9 năm tù về tội "Cướp tài sản" và "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản công dân". Trong án số 33, 29/4/1993, Tình bị xử tiếp về tội danh "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và bị tuyên phạt 5 năm tù.
Trong các ngày xét xử tại TAND thành phố Hà Nội, Tình và các đồng phạm đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội. Song các bị cáo "đổ lỗi" cho việc không hiểu biết pháp luật mà phạm pháp. Hội đồng xét xử sau khi xem xét, cân nhắc đã tuyên những mức án thích đáng dành cho các bị cáo.
Mức án dành cho các bị cáo trong đường dây làm giả giấy tờ, đưa người vượt biên trái phép: *Tội "Sửa chữa, sử dụng giấy chứng nhận và các tài liệu của cơ quan, tổ chức", "Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài": -Trần Văn Cung (42 tuổi, Chí Linh, Hải Dương): 39 tháng tù *Tội "Sửa chữa, sử dụng giấy chứng nhận và các tài liệu của cơ quan, tổ chức": - Đào Công Thành (41 tuổi, Sóc Sơn, Hà Nội): 2 năm tù. *Tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ": Dương Văn Bình (46 tuổi, Sóc Sơn, Hà Nội): 15 tháng cải tạo không giam giữ. |
Việt Dũng