Không hiểu vì sao máy di động của cậu con trai lại được roaming, chị Hương hỏi chồng thì nhận được một cái nhìn đầy ngạc nhiên. "Ai rỗi hơi, thừa tiền đi roaming (chuyển vùng quốc tế) di động cho thằng nhóc sử dụng", anh Tuấn, chồng chị Hương nói. Lúc này, cả chị Hương và anh Tuấn đều ngạc nhiên bởi di động của cậu nhóc là thuê bao trả trước và cậu nhóc cũng không thể tự đi làm thủ tục roaming được.
Thì ra "chú dế" của Hưng (tên cậu con trai) được roaming thực sự nhưng không còn phải đi làm thủ tục roaming gì hết. Hưng chỉ cần nhắn tin đăng ký là có thể roaming được rồi, điều kiện chỉ cần có 20.000 đồng trong tài khoản. Hạn chế là việc roaming chỉ được thực hiện với SMS chứ không gọi được.
Cả nước có trên 80 triệu thuê bao di động. |
Cậu bé Hưng "gây sốc" với bố mẹ về chuyện roaming di động khi đi Hàn Quốc thì anh Nguyễn Nhật Linh ở Hai Bà Trưng, Hà Nội lại kể một câu chuyện "đau thương" xung quanh chuyện sử dụng SMS roaming.
Hồi đầu tuần trước, anh Linh đi công tác tại Mỹ. Đọc thông tin trên Internet về việc mạng di động này cho phép roaming và đọc loáng thoáng là MobiFone có "miễn phí nhận tin nhắn" khi roaming. Mừng như vớ được vàng, anh thông báo với người yêu nếu nhớ nhau chỉ cần nhắn tin chứ đừng gọi điện trực tiếp kẻo tốn tiền. Để chắc ăn, anh nạp thêm 600.000 đồng dù tài khoản đã có gần 500.000 đồng.
Sang Mỹ, dù đã ghi nhớ trong đầu là phải hạn chế nhắn tin trả lời nhưng số tin nhắn mà Linh gửi cho người yêu ngày đầu tiên vẫn lên tới 20 tin. Kết quả là, sau 2 ngày trên đất Mỹ tài khoản của Linh bị "đốt" sạch sành sanh cho hơn 100 tin nhắn, bởi cô bạn gái anh không chịu nổi việc nhắn đến mấy tin Linh mới trả lời. Thành thử, cứ nhận được tin nhắn, anh phải bấm máy trả lời vì sợ người yêu phật lòng. Trong khi đó, nhà cung cấp dịch vụ chỉ chấp nhận miễn phí nhận tin nhắn chứ không miễn phí tin nhắn gửi đi. Mỗi tin nhắn từ Mỹ về Việt Nam khoảng 10.000 đồng, anh tiêu sạch hơn một triệu đồng chỉ trong hai ngày nhắn tin.
Nếu như trước đây, roaming quốc tế thì dành cho các thuê bao di động trả sau giàu có, lắm tiền thì nay các thuê bao trả trước của MobiFone và Viettel cũng có thể sử dụng dịch vụ này khi đi nước ngoài một cách dễ dàng. Nguồn tin từ VinaPhone thì cho biết, mạng di động này cũng sẽ cung cấp dịch vụ roaming cho các thuê bao trả trước trong tháng 8.
Hiện tại, ngoài việc các thuê bao trả trước không cần đặt cọc, việc làm thủ tục roaming cho các thuê bao này cũng rất đơn giản. Người sử dụng di động chỉ cần nhắn tin đăng ký tới các tổng đài của MobiFone và Viettel trước 30 phút là có thể sử dụng được dịch vụ. Chính việc đăng ký đơn giản và không phải đặt cọc tiền khiến nhiều thuê bao di động đã phóng tay đến mức quên mất việc phải kiểm soát số tiền trong tài khoản.
Anh Mạnh Hà, người đốt hơn một triệu đồng chỉ trong 2 ngày xài dịch vụ tin nhắn roaming nhận xét: "Hiện đại thì có nhưng mà cũng "hại điện" lắm". Lần đi công tác Australia cách đây một tuần của anh Hà kết thúc với số tiền mà anh trả cho dịch vụ nhắn tin gấp 4 lần khoản tiền anh chi cho cước di động hằng tháng. "Suy cho cùng cũng chỉ tại muốn oai với người yêu. Cô ấy khoe với bạn là tôi ở nước ngoài thường xuyên nhắn tin về. Được lời như cởi tấm lòng thế là "tít" quên mất mình đang đốt tiền", anh Hà than thở.
Một chuyên gia về viễn thông đánh giá việc cung cấp dịch vụ roaming quốc tế cho các thuê bao trả trước là đưa dịch vụ của người giàu đến cho "người nghèo" hay "thăng hạng" cho các thuê bao "nghèo". Trên thực tế, nếu như trước đây chỉ có dưới 5% thuê bao di động (các thuê bao trả sau) có quyền sử dụng dịch vụ roaming quốc tế thì giờ đây hơn 95% tổng số thuê bao di động còn lại sẽ được sử dụng dịch vụ này.
Cũng vì vậy, theo đánh giá của các chuyên gia về viễn thông, nhu cầu về dịch vụ roaming quốc tế sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. Một trong những lý do quan trọng khiến cho các chuyên gia đưa ra nhận xét này là các mạng đều miễn phí việc nhận tin nhắn - một nỗi ám ảnh của nhiều thuê bao di động roaming quốc tế những năm trước đây khi phải nhận rất nhiều tin nhắn spam mà không cách nào từ chối được.
Tùng Nguyễn