Với những lợi ích to lớn từ việc nuôi dưỡng vi khuẩn đường ruột, hỗ trợ hệ vi sinh vật đường ruột khỏe mạnh, cải thiện sức khỏe tinh thần, chất xơ thường được các chuyên gia sức khỏe khuyến khích nên bổ sung càng nhiều càng tốt.
Tuy nhiên, 91% dân số hiện nay không ăn đủ 30 g chất xơ được khuyến nghị mỗi ngày và hầu hết chỉ ăn khoảng 18g. Do đó nhiều người có xu hướng bổ sung chất xơ dưới dạng thực phẩm để đảm bảo cơ thể đáp ứng đủ lượng được khuyến nghị.
Tuy không phổ biến như viên uống tổng hợp hoặc omega-3, hiện thị trường có nhiều loại chất xơ bổ sung. Chúng bao gồm từ 'hỗn hợp chất xơ cao' đến viên nang chứa bột vỏ hạt mã đề và inulin, chất xơ prebiotic được pha trộn vào đồ uống hoặc dưới dạng viên nén, viên kẹo.

Ảnh: Love Wellness
Một bài báo năm 2017 của Mayo Clinic đã dán nhãn những chất bổ sung này là chất xơ chức năng – carbohydrate không tiêu hóa được cô lập có trong chất bổ sung – và lưu ý rằng nó khác với chất xơ trong chế độ ăn uống thường ngày. Câu hỏi đặt ra là liệu chúng có cùng lợi ích hay không?
Chuyên gia dinh dưỡng tư vấn người Anh Sophie Medlin giải thích: "Việc dùng chất xơ bổ sung thực sự hữu ích cho người gặp khó khăn trong việc ăn đủ trái cây và rau quả hoặc những người hạn chế ăn chất xơ do các vấn đề về đường ruột. Tôi luôn khuyên những bệnh nhân mắc các vấn đề phức tạp về đường tiêu hóa hoặc đại tràng nên dùng thực phẩm bổ sung thường xuyên".
Đối với những người không được chẩn đoán mắc các rối loạn tiêu hóa và dạ dày, thực phẩm bổ sung chất xơ vẫn có thể giúp bạn đạt được mục tiêu và cải thiện tiêu hóa với nỗ lực tối thiểu. Nhưng Medlin cảnh báo không nên sử dụng các chất bổ sung này theo cách đó.
"Mọi người không nên dựa vào chúng để đi vệ sinh, vì việc lấy chất xơ từ thực phẩm lành mạnh hơn nhiều", cô giải thích. "Thực phẩm giàu chất xơ đi kèm với rất nhiều lợi ích bổ sung như vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa, nhưng bạn sẽ không nhận được những chất dinh dưỡng này dưới dạng thực phẩm bổ sung".
Theo Medlin, vi khuẩn đường ruột phát triển mạnh nhờ nhiều loại chất xơ, nhưng các viên uống hay bột bổ sung chỉ chứa một số loại.
"Tôi biết rằng một số người theo chế độ ăn kiêng rất hạn chế một số loại thực phẩm nhất định, như chế độ ăn keto hoặc ít carbohydrate, do đó họ dựa vào thực phẩm bổ sung chất xơ. Nhưng hãy biết rằng đó không phải là cách lành mạnh hoặc bền vững để chăm sóc cơ thể", cô khuyến cáo.
Nghiên cứu của Mayo Clinic lưu ý rằng một số thực phẩm bổ sung chất xơ hòa tan tạo thành dạng 'giống như gel' có thể có lợi cho tim và tiêu hóa, nhưng bạn không cần dùng chất bổ sung hạt chia để có được những lợi ích này vì có thể ăn từ thực phẩm.
Lạm dụng chất xơ bổ sung cũng có thể gây ra tác động bất lợi như đầy hơi, chướng bụng và tiêu chảy. "Về lâu dài, việc dựa vào sản phẩm bổ sung thay vì chế độ ăn uống cân bằng có thể gây ra các vấn đề như hội chứng ruột kích thích vì bạn có nguy cơ làm giảm sự đa dạng của hệ vi khuẩn đường ruột", Medlin cho biết.
"Thực phẩm bổ sung có vẻ là một lựa chọn lành mạnh để tăng lượng chất xơ hấp thụ, nhưng bằng chứng lâm sàng cho thấy hầu hết chất xơ trong các sản phẩm bổ sung không mang lại bất kỳ lợi ích sức khỏe nào liên quan đến chế độ ăn từ thực phẩm tươi cả", các nhà nghiên cứu của Mayo Clinic kết luận.
Theo Medlin, chúng ta không cần thiết phải dùng thực phẩm bổ sung chất xơ, vì thực tế là không có gì có thể thay thế được chất xơ thật.
"Chọn carbohydrate nguyên hạt, bổ sung trái cây và rau quả vào chế độ ăn uống của bạn là cách tốt hơn để bổ sung thêm chất xơ vào chế độ ăn uống. Như tôi vẫn nói, hãy chi tiền vào quầy trái cây và rau quả thay vì quầy dược phẩm khi bạn có thể", Medlin nói.
Hướng Dương (Theo Stylist UK)