Xưởng sản xuất bồn chứa nước inox của Công ty Toàn Mỹ tại Bình Dương. |
>> Bồn inox có thể gây ung thư
Bồn chứa nước inox là một vật dụng quen thuộc với phần lớn các gia đình và Công ty Toàn Mỹ là một thương hiệu có thị phần lớn trong lĩnh vực này. Dưới đây là những tìm hiểu ban đầu của phóng viên về vấn đề này, bao gồm ý kiến từ giới chuyên môn có thẩm quyền (Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3) và thông tin do doanh nghiệp cung cấp để người tiêu dùng có thêm cơ sở nhận định.
Vấn đề là hàm lượng Mn trong nước chứ không phải trong inox
Theo thông tin đã được báo chí đăng tải, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 14 (Chi cục QLTT Hà Nội) đã gửi đến Trung tâm Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng khu vực 1 (Trung tâm 1) kiểm định một mẫu bồn nước inox Toàn Mỹ. Kết quả cho thấy, hàm lượng Mn trong vật liệu dùng để sản xuất bồn chứa nước Toàn Mỹ lên đến 7,7% ở phần chỏm cầu và 7,49% ở phần thân bồn, trong khi theo tiêu chuẩn của chính Công ty Toàn Mỹ công bố thì hàm lượng Mn tối đa chỉ là 2%. Bài báo nhận định hàm lượng Mn trong vật liệu inox có thể gây ung thư cho người sử dụng.
Trước tiên, điều cần làm rõ là Mn có trong inox có thể tan vào nước và gây ung thư cho người sử dụng hay không? Theo ông Hoàng Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3, trước hết, ở phương diện chất lượng, nhà sản xuất công bố tiêu chuẩn vật liệu sản xuất bồn inox, cho dù loại nào cũng gồm nhiều thành phần chứ không chỉ có Mn. Các thành phần khác như Crom chẳng hạn trong thép còn nhiều và độc hại hơn nhiều lần so với Mn. Vấn đề ở đây là ai đã thử nghiệm các chất này có hòa tan trong nước và gây độc hại? Nghĩa là vấn đề cơ bản là xét nghiệm thành phần nước đựng trong bồn inox có chứa các chất gây độc hại hay không chứ không phải lấy thành phần của bồn chứa rồi suy diễn đến thành phần nước đựng trong đó. Thí dụ, chén men sứ dùng ăn cơm trong thành phần của men còn nhiều chất độc hại hơn nhưng ta vẫn dùng ăn cơm hàng ngày. Đó là chưa kể thời gian nước lưu giữ trong bồn là bao lâu, có đủ dài để các chất gọi là độc hại "tan" ra để gây ung thư.
Từ lâu nay, hầu như các nước trên thế giới đều dùng inox để làm vật chứa bởi đơn giản một điều là inox hầu như là vật chứa an toàn nhất về mặt vệ sinh an toàn thực phẩm so với các loại vật liệu khác. Ngoài ra, còn một điều khác khá quan trọng là hiện nay Bộ Y tế vẫn chưa có những quy định cụ thể về vấn đề này". Ông Hoàng Lâm kết luận: "Tôi nghĩ việc công bố các kết quả kiểm tra bồn nước Toàn Mỹ của các cơ quan chức năng ở Hà Nội là quá vội vàng".
Về chất lượng nước chứa trong bồn, ông Nguyễn Thế Hoán, Tổng giám đốc Công ty Toàn Mỹ khẳng định: "Theo tiêu chuẩn vệ sinh nước sạch ban hành kèm theo Quyết định số 09/2005 của Bộ trưởng Bộ Y tế, hàm lượng Mn trong nước không được vượt quá 0,5mg/l. Kết quả kiểm tra của Viện Pasteur TP HCM đối với các mẫu nước chứa trong bồn sản xuất bằng inox 202 do Công ty Toàn Mỹ cung cấp cho thấy hàm lượng Mn đều không vượt quá định mức trên".
Giải thích của Toàn Mỹ
Ông Nguyễn Thế Hoán, Tổng giám đốc Công ty Toàn Mỹ, cho biết: "Các loại bồn nước do công ty chúng tôi sản xuất hoàn toàn phù hợp với Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN). Trong TCVN 5834 - 1994 được Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường ban hành chỉ đưa ra những chỉ tiêu về kích cỡ, dung tích... và quy định làm bằng thép không gỉ chứ không hề có thông tin buộc phải sử dụng loại inox nào cụ thể. Chúng tôi chỉ sử dụng loại inox 202 vào một dòng sản phẩm riêng biệt chứ không phải thay thế cho tất cả sản phẩm.
Loại bồn sử dụng inox 202 này chỉ chiếm khoảng 5% trong tổng số sản phẩm của công ty đưa ra thị trường. Lý do phải sử dụng loại inox 202 là nó giúp giá thành dòng sản phẩm này giảm hơn 10%, dễ dàng đến tay của nhiều người tiêu dùng. Hiện chúng tôi đã dừng việc sản xuất và kinh doanh loại sản phẩm dùng nguyên liệu inox 202 để chờ kết luận từ cơ quan có chức năng. Toàn bộ dòng sản phẩm này đã được thay thế bằng nguyên liệu SUS 304".
Công ty Toàn Mỹ còn cho biết: "Phần lớn các thông tin nói về một loại nguyên liệu mà chúng tôi sử dụng trong các sản phẩm cấp thấp cũng đang được chính các doanh nghiệp trong ngành sử dụng rất phổ biến (inox 202)".
Cũng theo Công ty Toàn Mỹ, hiện nay tại Nhật loại thép mang ký hiệu NTK D - 7 và NTK D - 11 có hàm lượng Mn lên đến 5 - 7,5 mg/l vẫn được sử dụng rộng rãi dưới sự cho phép của Phòng nghiên cứu thực phẩm, một cơ quan trực thuộc Chính phủ Nhật Bản. Chính phủ Italia cũng có một quy định ban hành vào năm 1973 cho phép sử dụng inox 202 để chế tạo các dụng cụ tiếp xúc với thực phẩm như đồ nấu ăn, dao, nĩa... Cũng theo Diễn đàn Thép không gỉ quốc tế (ISSF), tổ chức có uy tín nhất thế giới về inox, inox 202 được phép sử dụng để làm bồn nước, đồ nấu ăn...
(Theo Thanh Niên)