A|F
Nhưng chỉ nháp thôi thì chưa đủ, còn phải thử lại cho chắc đã, rồi mới yên tâm là xong!Tôi nháp, bạn nháp, bạn khác nháp, tất cả chúng ta đều nháp.
Tôi thử, bạn thử, bạn khác thử, tất cả chúng ta đều thử.
Tất cả chúng ta đều cho đó là việc đương nhiên, là chân lý, thậm chí ai mà không nháp còn bị chê là cẩu thả, lười. Không nháp là bị nói "Như thế là không tốt".
Thậm chí: "thử và nháp" còn chính thức đến mức trong các kì thi, chúng ta đều được phát vài tờ Giấy nháp môn phát hành bởi Bộ - Sở và kí bởi những hai giám thị.
Không chỉ ở trường, mà ở nhà, ở ngoài đường, ở đâu chúng ta cũng được nhắc là phải "thử và nháp":
- Trước khi dùng nước, phải thử xem nước có nóng không đã.
- Phải xem đường, dây, thang... có chắc không đã rồi mới dùng.
- Trước khi mua hoa quả phải thử xem có ngon, tươi không đã rồi mới mua.
- Trước khi mua quần áo, xe cộ, điện thoại, CD, VCD... chúng ta đều phải thử, ổn rồi mới mua!
- Trước khi làm việc chúng ta cũng phải thử việc, thấy làm được việc mới được nhận.
Có lẽ bởi cuộc sống này có quá nhiều lừa dối, nên chúng ta luôn phải thử - nháp, và luôn phải nhắc nhau: nhớ phải thử - nháp xong rồi mới mua, dùng, làm nhé!
Rõ ràng "thử và nháp" rất phổ biến. Người người, ngành ngành. "Thử và nháp" đã thành một phần tất yếu của cuộc sống, đúng không các bạn?
Ờ thế mà, cả xã hội này đang tỏ ra vô cùng ngạc nhiên hốt hoảng với: Sống thử?
Đọc báo, nghe đài, xem tivi, nghe các cụ nói chuyện, buôn dưa lê... ở đâu cũng thấy tranh luận về sống thử!
Có đáng ngạc nhiên đến thế không? Khi mà, từ bé đến lớn chúng ta đã quá quen với "thử và nháp" rồi? Bao nhiêu cái thử được, cứ phải thử cái đã rồi mới quyết, thì tại sao lại không sống thử?
Bạn thấy rằng nháp xong rồi mới làm bài thì bài làm sạch đẹp, chính xác, khoa học, thử lại thì kết quả mới chắc chắn, thi đâu đỗ đấy.
Bạn thấy rằng cái áo kia nhìn đẹp đấy, thời trang đấy, nổi bật đấy, có vẻ hợp với mình đấy, nhưng bạn có dám mua ngay không? Hay cứ phải thử cái đã?
Món ăn, quả kia nhìn hấp dẫn nhưng mùi vị ra sao? Phải thử thì mới biết, xem có ăn được không chứ?
Bạn đi leo núi, thấy một cây cầu treo, nhìn có vẻ chắc chắn đấy, nhưng bạn có dám hùng hục đi qua luôn không? Hãy cũng phải lại gần thử xem nó có chắc chắn không đã?Những việc trên là những việc vặt, bạn có công nhận thế không? Lấy nhau lại là việc trọng đại, các cụ hay gọi là: "Chuyện cả đời người"!
Việc vặt còn phải thử, thế mà người ta lại quá nhiên khi việc trọng đại bị đem ra thử?
Bạn hãy cho biết ý kiến của mình về vấn đề này nhé.
Vài nét về blogger:
Tớ xấu trai, nên hệ số an toàn cực cao, bạn gái nào yêu tớ: Xong! Không bao giờ phải lo giữ cả. - A|F, "nếu yêu thì phải nói". Bài đã đăng: Cái em cần thì anh không có, 9.999km từ Hà Nội tới Sydney, Ngày ấy, bây giờ.