>> Phần 1 >> Phần 2 >> Phần 3 >> Phần 4 |
Bác sĩ Vương Ngọc Lan (Khoa hiếm muộn Bệnh viện Từ Dũ) nhận được email của một người đàn ông. Ông là người Mỹ, bị ung thư giai đoạn cuối. Ông cho biết vợ ông đang từ Mỹ bay về VN để thực hiện tâm nguyện cuối đời của ông: có với nhau một đứa con. Ông muốn nhìn thấy đứa con ấy trước lúc ra đi vĩnh viễn. Vì vậy, dù không muốn xa chồng trong những ngày cuối cùng, người vợ cũng tức tốc trở về VN. Có thể ông còn kịp nhìn thấy con. Cũng có thể ông sẽ không chờ nổi. “Nhưng nếu vợ chồng tôi có con, tôi mang ơn bác sĩ suốt đời!”, ông viết bằng tiếng Anh với kiểu hành văn rất Việt. Cách nay hai năm, khi về thăm gia đình vợ ở VN, hai vợ chồng đã đến Bệnh viện Từ Dũ khám hiếm muộn. Kết quả, ông mắc bệnh và phải mổ sinh thiết lấy tinh trùng trữ lạnh.
Phòng khám hiếm muộn Bệnh viện Từ Dũ luôn đông người chờ khám, không ai biết trước bao nhiêu người sẽ thành công. |
Khi nhận được lá thư ấy, cả ê-kíp bác sĩ đều căng thẳng. Nếu ông là người bình thường, mọi việc có thể nhẹ nhàng hơn. Đằng này, số tinh trùng ít ỏi trong ngân hàng là những con tinh trùng cuối cùng của cuộc đời ông. Chỉ cho phép thụ tinh một lần. Vậy nếu lần này thất bại thì sao? Nếu ông ra đi khi ca thụ tinh đang dang dở thì sao?
Thế nhưng, trong bất hạnh, may mắn đã mỉm cười. Sau bao ngày chờ đợi, người phụ nữ đã mang thai ngay trong lần thụ tinh đầu tiên và trở về Mỹ. Cuối đời, người chồng kia đã tìm được hạnh phúc bên vợ và chứng kiến con lớn lên từng ngày, dù hạnh phúc ấy quá ngắn ngủi.
Với nhiều phụ nữ, hạnh phúc là được mang thai 9 tháng 10 ngày. Hạnh phúc là được chăm sóc, dạy dỗ, yêu thương hình hài do mình sinh ra và nhìn nó lớn lên. Nhưng với nhiều phụ nữ, hạnh phúc ấy chỉ được tính bằng khoảnh khắc.
Chị Đỗ Khiết Hạ rưng rưng kể rằng đó là hạnh phúc, hy vọng xen lẫn sợ hãi trong khoảng thời gian 6-8 tuần chờ kết quả. Chồng chị gần như “đầu hàng” sau hai lần thụ tinh trong ống nghiệm thất bại. Sợ sau hy vọng, anh lại rơi xuống vực thẳm tuyệt vọng, không đủ can đảm gật đầu khi chị đề nghị đi thụ tinh lần ba.
Còn chị, một phụ nữ ngoài 30 tuổi, vẫn nuôi hy vọng, dù mong manh. Nỗi cô đơn và mặc cảm với gia đình chồng cứ giày vò, ba chữ “phải có con” cứ quanh quẩn trong đầu thì chắc chị chết dần chết mòn. Chị quyết định trút cạn lòng mình bằng những con chữ trên blog và chỉ để cho một mình chồng xem.
Đọc những tâm sự đẫm nước mắt của vợ, một lần nữa anh đồng ý đến bệnh viện. Ngày nào anh cũng chở chị đi khám. Lại bắt đầu hy vọng. Giai đoạn chọc hút trứng rất đau. Nhưng tưởng tượng cảm giác một sinh linh bé bỏng sẽ lớn dần trong bụng mình, chị quên hết đau đớn.
Tám tuần sau đó, cảm giác bước lên bàn siêu âm mới thật khó tả. Chị vừa muốn biết kết quả thật nhanh, nhưng cũng sợ đối mặt với sự thật. Tim chị đập dồn dập khi bác sĩ vừa cầm đầu dò, vừa nói như reo: “Có cái gì chạy qua chạy lại màn hình nè! Nhìn thử xem có đúng không”. “Không, không phải. Không thấy gì hết!”. Chị như chết điếng. Tay chân bủn rủn. Nước mắt ràn rụa. Còn một khả năng nữa có thể xảy ra: “Thai ngoài tử cung!”. Mặc dù bác sĩ nói khả năng ấy chỉ 1%, nhưng người phụ nữ nghe như có kim châm vào từng đốt xương. Kết quả ấy như một bản án treo lơ lửng.
35%, đó là tỉ lệ ước tính số ca thụ tinh trong ống nghiệm thành công, khoảng 65% còn lại là thất bại. |
Cũng như vợ chồng chị Hạ, hàng nghìn người vẫn đang khắc khoải với khát vọng được làm mẹ, làm cha. Có người bỏ cả mấy năm trời và tất cả tiền bạc để đeo đuổi đến sáu lần thụ tinh. Đó là biết bao lần những cặp vợ chồng này cứ bị cái cảm giác hy vọng, thất vọng, rồi hy vọng.
Có người liên tục đậu thai đến bốn lần. Tuy nhiên, khi dưỡng đến 3-4 tháng thì nó lại vuột khỏi người mình. Kiệt sức. Mất niềm tin. Hết tiền bạc. Nhiều người bỏ cuộc. Nhưng vẫn có cặp vợ chồng đi hết nước này đến nước khác chữa trị gần 20 năm. Vẫn còn những phụ nữ treo chân nằm suốt hàng tháng trời cho thai không bị hỏng.
Những người đàn ông khóc nức nở như trẻ con, những phụ nữ xỉu ngay trong phòng siêu âm, bác sĩ là người đầu tiên chứng kiến những cảnh đó. “Đã nhiều lần đến giờ trả kết quả siêu âm, nửa mình muốn xuất hiện, nửa muốn trốn. Nếu thất bại, mình phải đối diện với người ta thế nào đây?”, bác sĩ Vương Ngọc Lan trăn trở.
Bác sĩ Lan tâm sự: “Có một ca đã thụ tinh đến lần thứ sáu, mình chưa dám gọi để hỏi thăm sức khỏe. Tim mình cứ thót lên sau mỗi cú điện thoại. Khi kết quả âm tính, lòng rối bời. Cảm thấy mắc nợ người ta. Nhưng mình phải làm sao? Dù thương lắm nhưng công việc buộc mình làm với cái đầu lạnh để tránh sơ sót. Mình còn phải mạnh mẽ để là điểm tựa cho biết bao bệnh nhân nữa”.
Còn nhớ khi em bé thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên chào đời khỏe mạnh tại VN vào năm 1998, các bác sĩ đã bắt tay, ôm nhau với chiếc găng tay còn dính máu. Và cho đến giờ vẫn thế, bác sĩ cũng hồi hộp, trông chờ mỗi em bé chào đời.
Ít ai biết rằng bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Sương, Trưởng khoa hiếm muộn Bệnh viện Hùng Vương, từng khóc khi chứng kiến cảnh một phụ nữ bị chồng bỏ rơi sau một ca thụ tinh trong ống nghiệm các bác sĩ thực hiện không thành công. Và khi đỡ một em bé sinh khó ra khỏi bụng mẹ thành công, cũng chính bác sĩ là một trong những người đầu tiên rơi nước mắt.
Năm 1978, ca thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên trên thế giới thành công tại Anh. Đến năm 1998, VN mới thực hiện ca đầu tiên. Khoảng cách này ngày càng rút ngắn. Hiện nay, mỗi năm có khoảng 3.000 trẻ em chào đời ở VN nhờ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Năm 2001 thế giới thực hiện thành công kỹ thuật trứng trữ lạnh đầu tiên, năm 2003 ở VN đã thực hiện thành công kỹ thuật này.
Mới đây, Bệnh viện Từ Dũ còn thực hiện thành công kỹ thuật nuôi trứng non. VN cũng là nước đầu tiên của Đông Nam Á thực hiện thành công kỹ thuật này. So với thời gian đầu, các ca thụ tinh trong ống nghiệm hiện nay đã giảm được tình trạng đa thai, biến chứng, sinh non. Hiện tỷ lệ biến chứng ở trẻ thụ tinh trong ống nghiệm không còn cao hơn trẻ sinh thường. Các bác sĩ đã làm nhẹ đi bao nhiêu gánh nặng của bao người trong hành trình gắng tìm những đứa con.
(Theo Tuổi Trẻ)