Sinh ra và lớn lên ở Hàng Gai nên tuổi thơ của chị gắn liền với Hồ Gươm và những con phố nhỏ. Tuy giờ đã rất yên ấm cùng chồng con ở Sài Gòn nhộn nhịp, nhưng lúc nào chị cũng phải "kiếm cớ" ra Hà Nội. Trước Tết là phải ra mua sắm, vì thiếu măng khô hay củ kiệu chợ Hàng Bè là thấy chưa đủ vị. Khác với những lần thuê phòng ở Melia hay Deawoo, lần này, mẹ con chị thuê một khách sạn nhỏ ở ngay phố Hàng Bông để tận hưởng những âm thanh và dư vị Hà Nội. Chị chia sẻ trên facebook: "Sinh nhật 35 tuổi, ngồi trong khách sạn ngắm đường phố, không bánh không hoa. Lần đầu tiên trong suốt 35 năm tổ chức sinh nhật một mình, cũng tại cái tội ham chơi ra Hà Nội 1000 năm, thôi thì, nghìn năm mới có một lần, sinh nhật mình năm nào chẳng có".
Ra Hà Nội lần này, chị và cậu con trai thuê xích lô đi một vòng Hồ Gươm, phố cổ, lên Lăng Bác, Hồ Tây nữa. Bất chợt một bài hát về Hà Nội vang lên khiến chị nhớ da diết về cái loa phường treo trên cột điện đầu phố ngày xưa.
Sống xa Hà Nội chưa lâu nhưng anh Nguyễn Hoàng Anh, Giám đốc Truyền thông Quỹ Phòng chống thương vong châu Á, cũng cảm thấy sốt ruột muốn được về nhà ngay. Anh tâm sự, báo chí đưa tin rầm rộ, bố cũng gọi điện giục hỏi sao không về, thấy người thân và bạn bè náo nức như vậy nên cũng muốn ra để có những cảm nhận về Hà Nội của mình.
Lần nào về anh cũng thèm được đi dạo phố. Anh thích được ngắm Hà Nội lúc sáng sớm và tối khuya. Mỗi lần về là như một lần anh giở lại bức ảnh cũ ra xem, vừa tâm trạng, vừa buồn cười lại vừa nhớ. Hà Nội trong anh như một cô gái đang tuổi mới lớn, ngày xưa đơn giản, mộc mạc, giờ thì đã biết làm duyên làm dáng.
![]() |
Thấy người thân và bạn bè náo nức, anh Hoàng Anh cũng suốt ruột muốn ra Hà Nội ngay. |
Là người đam mê nhiếp ảnh nên đối với anh những con phố cổ có vẻ đẹp rất thần kỳ. Anh yêu thích bởi nó có nhiều kỷ niệm. Ngày còn nhỏ, Hoàng Anh thích học tiếng Anh và giao tiếp với người nước ngoài nên thường tới đây để có cơ hội nói chuyện với họ. Các ông bà Tây thường thích anh hát, múa. Có lần biểu diễn xong, Hoàng Anh đuợc cho một chiếc giấy ăn có tẩm nước hoa, thích quá mang về nhà để lên gối nằm ngủ cho thơm, sáng hôm sau tỉnh dậy, khăn bay hết mùi. Thế là khóc... Giờ đặt chân tới những con phố này, anh vẫn bắt gặp hình ảnh của mình ngày xưa qua những cô cậu sinh viên nhưng "họ khôn lắm chứ chẳng ngây ngô như tụi anh ngày ấy".
Trong ký ức của anh vẫn còn những lần nhảy tàu điện từ Cửa Nam lên Bờ Hồ. "Trốn vé, làm gì có tiền, mà nếu có cũng giữ để ăn kem. Nếu bị tóm thì sẽ bị đuổi xuống và đi bộ tiếp", Hoàng Anh nhớ lại.
Lần trở về này của ông Nguyễn Văn Khánh không giống với những lần trước. Cũng háo hức, phấn khởi, cũng mong ngóng, bồn chồn nhưng sao cảm giác ra Bắc lần này lại khiến ông hồi hộp đến thế. Ông muốn về đúng dịp Đại lễ để thực hiện tâm nguyện cuộc đời, thăm mồ mả gia tiên, đưa người cha 90 tuổi tới tất cả những địa điểm lịch sử quan trọng và cùng đám bạn thời thơ ấu ở phố Sinh Từ ôn lại một Hà Nội thời của các ông. 22 năm sống ở Sài Gòn nhưng mỗi lần bắt gặp hình ảnh thủ đô, hình ảnh của Văn Miếu trên tivi, ông đều cảm thấy xúc động.
![]() |
Ông Khánh bên tách trà nóng ở quán nước gần Văn Miếu. |
“Phải về chứ. Khách nước ngoài họ còn nô nức đến Hà Nội, người ở khắp nơi cũng kéo đến chứng kiến thời điểm lịch sử, còn mình là người gốc ở đây tại sao lại không về?”, vừa nhấm nháp chén trà nóng giữa buổi chiều thu se lạnh, người lính từng vào sinh ra tử này, tâm sự. Ông Khánh ra Hà Nội từ trước hôm khai mạc một ngày. Cảm giác khó tả bỗng trào dâng trong lòng ông, vừa như vui mừng đuợc gặp lại cố nhân lại vừa như ngỡ ngàng truớc bộ cánh mới của “người bạn cũ" ấy. Đường phố trang hoàng thật đẹp, đặc biệt ông cảm nhận sự hân hoan phấn khởi, nô nức trong nụ cười, ánh mắt nhìn của những người ông gặp trên đường. Tiếng loa phát thanh văng vẳng phát những bài ca quen thuộc năm xưa gợi lên trong tiềm thức của ông những hình ảnh, âm thanh quen thuộc. Không phải là tiếng cô phát thanh viên thông báo sắp có máy bay địch và cả tiếng gõ bộp bộp thử míc trước khi nói cũng chẳng phải cái loa đít vuông được gò bằng tôn đơn giản… mọi thứ đều mới. Giờ, thật khó bắt gặp hình ảnh quen ngày xưa, ông chợt thấy hơi hụt hẫng.
Hà Nội thời thơ ấu của ông là khoảng không gian trước nhà gần Văn Miếu Quốc Tử Giám, là trò chơi đánh khăng, bắn nắp chai, là những chiều leo tường để xiên lá khô về đun, là những hôm leo hái quả bàng ăn, là cả những ngày đông đi học lẹt quẹt đôi guốc mộc. Chỗ này ngày xưa là cột điện, chỗ kia là cây bàng, bức tường Văn Miếu đầy vết đục khoét của cánh trẻ để làm bậc leo vào… tất cả như rõ mồn một, như chỉ mới hôm qua thôi. Ông kể, cứ những đợt lễ như này, một nhóm dân quân lại ra đứng xếp hàng tập bước đều 1-2-1. Đám trẻ con lại được dịp ra xem, chân tập theo còn miệng thì luôn mồm đếm. Hà Nội của ông còn là tiếng chổi tre của các cô lao công quét rác lúc 4 giờ sáng, tiếng rao quà đêm lúc 9-10 giờ đêm hay những gánh cốm gói trong lá sen buộc bằng lạt rơm lúc ban ngày. Ông nhớ cả những tiếng ếch nhái, tắc kè kêu trong đêm thời Hà Nội còn “rậm rạp”, toàn ruộng rau muống. Ông nhớ hết và cố tìm lại những âm thanh thân thương ấy nhưng có lẽ hơi khó.
Về Hà Nội, ông đưa bố đi xem lễ khai mạc, thấy bố lặng người đi không nói được gì vì xúc động, lòng ông cũng nao nao. Hai bố con cùng ngồi xích lô đi thăm khắp phố phường, tới đâu ông cụ cũng phấn khởi nhận ra, thấy vậy, ông Khánh mừng lắm. Tới đây ông dự định đưa bố đi xem diễu binh hôm 10/10, thế là toại nguyện.
Bình Minh