Trong ngôi nhà ngói mới xây dựng, trưởng thôn Achan cho biết, khi chiến tranh chưa kết thúc, cả làng Măng Rao sống du canh du cư trên tuyến biên giới. Năm 1979, khi nhà nước Việt Nam và nước bạn Lào xác định lại biên giới quốc gia, làng Măng Rao nằm trong địa bàn xã Đăk Nhoong, song do tập quán nên toàn thôn chuyển hẳn sang sinh sống trên đất bạn Lào.
Theo Pháp luật TP HCM, sau năm 1987, do ốm đau, bệnh tật và "đói cái bụng", cả thôn chỉ còn 80 người. Đứng trước nguy cơ "tuyệt chủng" nếu cứ kéo dài, Achan vận động bà con quay lại Việt Nam. Chính ông là người đầu tiên dựng nhà, làm rẫy tại địa bàn xã Đắc Pet đồng thời lội suối, băng rừng, gặp A Chiêu, trưởng công an huyện Đăc Glei, báo cáo "việc hồi hương". Ông Sô Lây Tăng, chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Kon Tum lúc bấy giờ chỉ đạo "Họ là người Việt Nam thì cứ cho họ sinh sống tại Việt Nam".
Được dân làng Peng Sang Pêng nhường đất sản xuất, hỗ trợ con giống, cây trồng, đời sống của bà con Măng Rao dần ổn định. Nhà nước đầu tư xây dựng trạm y tế, trường học, kéo điện lưới quốc gia về bản, đặc biệt năm 2004 vừa qua, thôn được đầu tư 280 triệu đồng cho công tình nước sạch nông thôn. Giờ đây, người dân Măng Rao chỉ mong muốn một điều duy nhất là có được những giấy tờ hộ tịch khẳng định tư cách công dân Việt Nam để thôn Măng Rao không còn là thôn vô danh nữa.