Bạn có thể khá ngạc nhiên về những chuyện khó tin nhưng có thật. Ví như, ai cũng biết oxy là sự sống, không có oxy con người không sống được quá 10 phút. Vậy mà từng có một yogin (đạo sĩ Yoga) người Ấn Độ đồng ý để cho người ta đặt mình vào quan tài chôn xuống đất hàng chục ngày mà vẫn sống khi được đưa lên.
Vì sao vậy? Vì yogin đó biết thở, có nghệ thuật cao cường làm tăng hiệu ích của sự thở, tận dụng được tối đa chút không khí trong chiếc quan tài chật hẹp. Khi được hỏi nhờ vào bí quyết gì mà ông có thể sống và làm việc trí óc, sáng tạo qua tuổi 80 chỉ bằng một phần sáu lá phổi, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện đáp rằng, đó là do ông "biết thở".
Ông còn nói thêm: "Nếu biết thở đúng cách, một người ngồi trong toilet vẫn có thể đưa vào cơ thể lượng oxy không thua gì, nếu không nói là hơn một người không biết thở đứng giữa cánh đồng hay trên bãi biển". Tất nhiên, chúng ta hiểu ý của ông là, nếu một người trên bãi biển mà thở đúng cách thì hiệu quả còn cao hơn nhiều.
Thở đúng cách
Trước hết, ta hãy hiểu những kiểu thở không đúng cách. Nói chung, một người bình thường, không học thở và cũng chẳng có ý thức về thở, nghĩa là thở theo cơ chế bản năng trời sinh ra thế nào thở thế ấy, thường thở 16 lần trong một phút.
Vì thở 16 lần nên những người này không thở được sâu mà chỉ là "thở nông". Mỗi lần thở ra như vậy họ tống ra ngoài được 0,5 lít CO2 và cũng hấp thu được chừng ấy oxy lúc thở vào. Vậy mà, trong khi đó phổi của một người trung bình có dung tích nói chung là 3 lít. Vậy là người thở theo bản năng tự nhiên luôn luôn có đến 2,5 lít không khí xấu, thậm chí rất xấu ứ đọng trong phổi. Bác sĩ gọi đó là lượng không khí chết.
Một người thở đúng cách (chủ yếu là phương pháp thở phương Đông như Yoga hay Cốc Đại Phong, phương pháp dưỡng sinh Nguyễn Khắc Viện...) có nghĩa là đưa được lượng oxy hữu ích vào phổi càng nhiều càng tốt và tống ra được càng nhiều càng tốt khí CO2, giảm bớt được khối không khí chết trong đáy phổi. Làm được điều đó bạn sẽ tăng đáng kể việc chuyển hóa máu đen thành máu đỏ và tăng cường oxy, nguồn sống cho con người.
1. Tần số thở: không phải 16 lần/phút mà chỉ 4 lần/phút, nghĩa là mỗi lần hít vào thở ra, kể cả ngưng lại vài giây cho máu kịp lấy oxy là 15 giây.
2. Cách thở: Hít vào bằng mũi từ từ, khoan thai, khi phổi đã đầy, không vươn tay (như cách thở phương Tây) để mở rộng phổi vì phổi không thể mở rộng lên phía trên do bị xương đòn gánh chốt lại mà chỉ có thể mở xuống phía dưới.
Bạn phải điều khiển hạ hoành cách mô xuống để mở rộng dung tích của phổi. Rồi ngưng lại 1 giây cho máu kịp lấy oxy. Nhớ là ngưng lại không hít vào chứ không phải đóng van khí quản vì làm thế có thể tăng áp lực trong phổi, gây xung huyết.
Thở ra bằng cách đẩy hoành cách mô lên phía trên, dùng nội lực nhíp hậu môn để đuổi hết không khí đọng ra ngoài càng nhiều càng tốt. Khi hết không khí trong phổi cũng ngưng lại một giây, sau đó lại thở vào, lặp lại chu kỳ. Tất cả ra vào, hai lần nghỉ là 15 giây.
3. Thiền trong khi thở: Chúng ta có thể cho tay chân nghỉ ngơi khi chúng mệt mỏi. Nhưng hầu như không bao giờ cho bộ óc được nghỉ, kể cả trong khi ngủ vì trong giấc ngủ, người ta vẫn có ác mộng v.v. Thiền ở mức độ đơn giản là cho bộ óc của bạn được nghỉ ngơi song song với việc thở.
Ai cũng nói thiền là rất khó, bởi vì khó mà đuổi ra khỏi bộ óc chúng ta những suy nghĩ vẩn vơ. Cách thô sơ nhất là bạn hãy tưởng tượng luồng không khí bạn đang thở vào có màu gì đó, màu đỏ chẳng hạn và bạn để trí óc theo dõi luồng không khí ấy, kể cả khi bạn thở ra đưa nó ra ngoài. Trong thời gian ấy bộ óc của bạn không nghĩ điều gì khác là theo dõi luồng không khí đã được bạn nhuộm màu ấy.
4. Thở vào lúc nào? Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện chỉ còn 1/6 lá phổi nên ông thở sâu suốt ngày mỗi khi ông thức để cung cấp đủ oxy cho bộ óc và cơ thể. Đó là kết quả cả một quá trình luyện tập lâu dài. Chúng ta, nếu chưa tập thì chưa thở được như thế.
Lúc mới nhập môn "đạo thở sâu", bạn chỉ cần để ra mỗi ngày nửa giờ tập thở kết hợp với tập thể dục tĩnh, ngồi thiền. Sau đó tăng dần thời gian lên để hình thành một cơ chế, một thói quen, bạn thở 4 lần trong một phút thường xuyên thì rất tốt.
Thở sâu đúng cách một thời gian sẽ thấy những hiệu quả rõ rệt:
Một, dung tích không khí chết giảm hẳn, lượng không khí trao đổi tăng dần từ 0,5 lít đến 1,5 lít rưỡi và có thể đến 2,5 lít. Dung tích tuyệt đối của phổi cũng được mở rộng lên nhiều, đã có người nâng từ 3 lên đến 5 lít sau một hai năm thở sâu đúng cách.
Hai, hoành cách mô được điều khiển lên xuống thường xuyên sẽ kéo theo sự chuyển động các nội tạng phía dưới như ruột, gan, lá lách và dạ dày. Thở sâu cũng đồng thời tập thể dục cho nội tạng.
Ba, nhịp thở điều hòa cùng với thư giãn trí óc dẫn tới tác dụng rất tốt cho sự hài hòa cơ thể, cả thể xác lẫn tinh thần, đó là yếu tố quan trọng bậc nhất với sức khỏe con người.
Chúng ta không đi sâu vào những khía cạnh tinh vi, phức tạp khác của việc thở sâu kết hợp thiền hay tập dưỡng sinh của những môn phái khác nhau của phương Đông.
Nhưng chắc chắn một điều, nếu chỉ biết thở không thôi, bạn đã có thể giải quyết được những vấn đề cơ bản của sức khỏe. Đó là nhận xét của đa số các nhà dưỡng sinh học.
Và cùng với những hoạt động khác, thở sâu sẽ đưa lại những hiệu quả không ngờ - nhất là đối với những bệnh mãn tính và béo phì - cho chuyến đi nghỉ của bạn trong dịp nghỉ hè tới.
(Theo Phụ Nữ và Thể Thao)