Gần hai tháng sau khi trở về từ Trung Quốc, chị Hà (che mặt) mới dám tìm về nhà ở Khâm Thiên. Ảnh: Hà Phương |
17 tuổi, cô gái ở ngõ Chợ, Khâm Thiên (Hà Nội) bị lừa bán sang Trung Quốc làm vợ người đàn ông lớn tuổi và bị xem là mất tích kể từ đó. Giờ đây khi đã an toàn trong ngôi nhà nhỏ ở Hải Dương và hạnh phúc bên người chồng cũng là ân nhân, chị vẫn rùng mình nhớ lại năm tháng bị ép làm vợ và hành trình chạy trốn khỏi ngôi nhà ở vùng hẻo lánh thuộc tỉnh Quảng Đông.
Chị Hà, hiện 37 tuổi, kể, hồi bé do ham chơi nên khi nghe có người rủ đi Lạng Sơn, chị đồng ý ngay. Ngày còn trẻ, chị thích lên sàn nhảy nhót vui vẻ, thích đàn đúm bạn bè và sẵn sàng nhảy vào chiếu bạc trong lúc cùng mẹ buôn bán rau, hoa quả ở chợ Đồng Xuân. Một lần mải mê ở cuộc chơi đỏ đen, chị quen người bạn quê Thanh Hóa. Gặp ở ga Hàng Cỏ sau cuộc chơi từ sàn nhảy, chị Hà tò mò theo người chị đó cùng ba cô bạn khác lên Lạng Sơn hát karaoke. Sáng hôm sau tỉnh dậy, cả bốn cô gái bất ngờ khi thấy mình ở bên Trung Quốc còn người chị xã hội kia đã biến mất.
Sau khi sang đó, nhóm chị Hà tiếp tục bị bán trao tay cho vài môi giới khác. Bị dọa sẽ cắt gân tay, chân nếu không đồng ý lấy chồng hơn mình nhiều tuổi, ba người bạn sợ hãi chấp nhận, riêng chị Hà nhất quyết không chịu. Bị nhốt riêng trong căn nhà ba tầng, chị xé chăn, màn rồi buộc thành dây để đu xuống định trốn. Bị bắt lại, cô gái Hà Nội bị đánh đập và bắt quỳ trên vỏ mít, trôn bát đến tứa máu, thậm chí phải uống nước tiểu. Sau đó, một phụ nữ biết nói tiếng Việt đến dỗ ngọt, chị đành đồng ý làm vợ người đàn ông hơn mình gần 20 tuổi. Người đó được xem là trẻ nhất trong số những ông được dẫn vào gặp chị.
Ngày "về nhà chồng", chị bị trói tay, bịt mắt và đưa lên ôtô đi liên tục từ chiều tối đến trưa hôm sau mới tới nơi. Trong trí nhớ của chị, đoàn "đón dâu" hôm đó khoảng 7-8 người đều đã có tuổi. Nhà chồng chị ở trên một quả đồi thuộc vùng hẻo lánh của tỉnh Quảng Đông được làm sơ sài với tường vách bằng tre, nứa, cửa bằng gỗ.
"Ở vùng đó các nhà cách nhau tới một quả đồi và ít khi sang nhà nhau chơi. Anh em, họ hàng đều có cuộc sống riêng, không quan tâm đến nhau. Ngay ngày đầu tiên, tôi và chồng đã đánh nhau vì tôi thấy sợ khi bỗng dưng làm vợ một người đàn ông xa lạ", chị Hà nhớ lại.
Không biết tiếng, những ngày đầu, chị phải nói chuyện bằng điệu bộ, cử chỉ. Ba tháng sau, chị đã có thể giao tiếp được. Ngày còn ở nhà, vì là em út trong gia đình có bốn anh em trai, chị Hà được cưng chiều và không biết làm việc nhà. Bị bắt sang đây, "tiểu thư" ấy phải học làm mọi việc. Hàng ngày, chồng chị chỉ đưa cho vợ vừa đủ số tiền đi chợ và không cho quản lý tài chính trong nhà vì sợ sẽ bỏ trốn. Đến bữa cơm, vợ chồng chị không ngồi ăn cùng mâm. Mỗi người tự xới rồi ôm bát ra một góc ngồi. Trong những ngày lễ Tết, kỷ niệm thời thơ ấu ở con ngõ nhỏ với các anh lại ùa về trong chị. Nỗi day dứt lớn nhất trong chị khi ấy là bố mẹ, không biết họ giờ còn sống hay đã khuất.
Chị Hà cho biết thêm, nhà chồng chị bên đó cũng làm nông nghiệp và chăn nuôi lợn, trâu và ngựa. Dù làm nông nhưng cuộc sống của chị khá sung túc và không vất vả nhiều. "Mình làm được việc gì và làm được đến đâu thì làm, chồng không ép, thậm chí còn chiều chuộng, chỉ cần không có ý định bỏ về hoặc liên lạc với người thân. Cuộc sống nhàn hạ nhưng không có tình cảm, sự quan tâm trong khi nỗi nhớ nhà lúc nào cũng đau đáu trong lòng mình", chị Hà tâm sự.
Chị Hà bị lừa bán năm mới 17 tuổi. Ảnh nhân vật do gia đình cung cấp. |
Sinh ba người con (đứa con thứ hai chết lúc nhỏ) đủ cả "nếp, tẻ" chị Hà nghĩ chồng sẽ cho liên lạc với gia đình ở Việt Nam. Tuy nhiên ngay khi biết ý định đó của vợ, người chồng bắt đầu đề phòng và giám sát chặt. Đợi đến lúc con cứng cáp, chị bắt đầu bỏ trốn. Lần đầu tiên bị bắt lại chị chỉ bị cảnh cáo cắt gân tay, chân nhưng hai lần sau đó, người phụ nữ này lĩnh đòn nhừ tử và bị cách ly với các con.
"Do không thông thạo địa hình nên dù trốn lúc đêm khua, tôi vẫn chỉ chạy loanh quanh vài quả đồi mà chưa tìm được đường. Kể từ sau đó, tôi bị nhốt trong buồng; mọi sinh hoạt đều "giải quyết" tại đây", chị Hà kinh hoàng nhớ lại.
Lần thứ tư, chị quyết tâm trốn cùng một người đàn ông Việt Nam tên Hân, 39 tuổi, quê Hải Dương và thề nguyện "cùng sống hoặc cùng chết". Hai người quen nhau khi anh Hân làm tài xế chở vật liệu xây dựng dưới chân đồi nhà chị Hà. Thấy có người Việt, chị cùng mấy người cùng cảnh ngộ hay rủ nhau xuống làm quen, nói chuyện. Ban đầu hai người là bạn bè và thường chia sẻ, chuyện trò. Dần dần họ cảm mến và thương nhau lúc nào chẳng hay.
Nhắc đến người đàn ông đang ngồi cạnh, chị quay sang ngượng ngùng đánh nhẹ vào người anh rồi tiếp tục hồi tưởng lại hành trình chạy trốn suốt bốn ngày đêm.
Để kế hoạch thành công, hai người phải quan sát và nắm rõ quy luật đi lại của chồng chị Hà. Anh Hân cũng làm một thùng tôn vừa với kích thước người chị Hà rồi hàn xuống hầm xe. Anh chị giải thích, nếu ngồi trên cabin sẽ dễ bị phát hiện nên gầm xe sẽ là nơi an toàn.
Đợi hôm chồng chị Hà đi vắng, anh Hân đạp cửa xông vào giải cứu rồi đưa chị xuống gầm xe buộc chặt cho khỏi rơi. Trên đường đi, anh Hân lái xe nhanh nhất có thể để về cổng xưởng đổi xe. Tại đây, anh Hân đã thuê một chiếc xe con đứng đợi sẵn. Lúc bê chị Hà từ gầm xe ra, anh tưởng chị đã chết vì toàn thân phủ đầy bụi và cứng đờ. Mất một lúc hô hấp nhân tạo, người phụ nữ này mới hồi tỉnh. Cả hai tiếp tục chạy trốn và thay đổi nhiều phương tiện để không bị phát hiện. Đói, khát nhưng phải đợi đến đêm, hai người mới xuống mua đồ ăn. Ròng rã suốt bốn ngày đêm, anh Hân, chị Hà mới về tới cửa khẩu Móng Cái.
Hiện tại, chị Hà và anh Hân sống trong căn nhà nhỏ ở Hải Dương. |
Không còn tiền, anh Hân phải gọi điện cho người nhà ra đón. Về từ đầu tháng 6 nhưng mãi tới gần đây, chị Hà mới dám tìm về nhà ở Khâm Thiên, Hà Nội. Lưu lạc hơn hai thập kỷ, sợ người thân không nhận, chị chẳng dám về. Mọi thứ thay đổi khiến chị không còn nhận ra con phố ngày xưa. Sau một hồi hỏi thăm đúng nhà dì, chị gặp lại cả gia đình trong nỗi xúc động nghẹn ngào.
"Bố mẹ nghĩ tôi đã chết vì bao nhiêu năm không hay tin tức gì. Lúc ấy chúng tôi chỉ biết ôm nhau khóc. Anh Hân cũng không cầm được nước mắt", chị Hà tâm sự.
Nhắc đến hai đứa con vẫn còn bên Trung Quốc, người mẹ ấy lại day dứt, xót xa nhưng giờ quay lại, chị chỉ còn đường chết.
Về được Việt Nam, chị mong muốn làm lại từ đầu. Sau khi trình báo với công an sự việc cách đây 21 năm và làm lại hộ khẩu, sắp tới chị và anh Hân sẽ đăng ký kết hôn. Cả hai dự định sẽ làm ruộng và nấu rượu bán.
Hà Phương
*Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi