- Ông học đạo diễn từ khi nào?
- Tôi đăng ký nhưng không được học đạo diễn. Hồi ấy lý lịch còn "cứng" quá. Do đó tôi lại đi học diễn viên.
- Người ta nghĩ gì khi cho ông vào lớp diễn viên trong khi tài sắc không phù hợp?
- Khi tôi vào làm biên tập và đạo diễn ở Đài Tiếng nói Việt Nam, một số người sợ tôi đặt mìn phá hoại. Tôi xin đi học cũng chỉ được học diễn viên. Học diễn viên nhưng tôi lại "gà" bài cho những thằng bạn học đạo diễn dựng vở. Cái lý lịch hành tôi ra bã. Đôi khi xem phim Nga, tôi chỉ mơ ước là được... lái máy cày để trở thành anh hùng, cuộc đời thế là xong. Nhưng vẫn chẳng xong vì tôi mê văn nghệ lắm.
Đạo diễn Doãn Hoàng Giang. |
- Vì sao ông chủ trương cải biên chèo mà người ta lại gọi là phá chèo?
- Họ còn gọi tôi là "chèo gian", kẻ nhảy lên bàn thờ hất hết đồ ông cha... Tôi lại nghĩ cái gì của cha ông để lại mà mình không làm phong phú thêm thì mình có tội. Cha ông cũng có những cái hay và những cái không hay. Tôi từng đứng trước sự lựa chọn giữa hai con đường vào sân khấu chèo cổ. Một là để nó vào bảo tàng như cái cọc sông Bạch Đằng đào được rồi trưng bày để con cháu biết cha ông mình đánh giặc thế nào. Hai là tôi phải đẽo gọt nó đi, biến nó thành một ngọn chông để giết được giặc. Trước cuộc sống hiện đại này, nghệ thuật phải chuyển biến. Chèo cổ với tiết tấu cũ kỹ, lề rề của một giai đoạn nông nghiệp lạc hậu không còn phù hợp nữa. Với xã hội bây giờ thì tiết tấu phải "băm bổ" nếu như muốn nghệ thuật chèo phục vụ cho thanh niên. Đấy là quan niệm của tôi. Tôi quan niệm nghệ thuật mà không được lớp trẻ yêu thích thì không thể trở thành nghệ thuật chân chính.
- Chèo cải biên của ông đã chinh phục được lớp trẻ?
- Khó, vì tôi phải đứng trước một nhóm người bảo thủ. Tôi không bó tay mà tôi vẫn làm.
- Vậy lớp trẻ họ đã đón nhận thế nào?
- Vở chèo cải biên đầu tiên tôi làm là Một tình yêu sẽ đến cho đoàn Hà Tây. Thanh niên xếp hàng đông như kiến cỏ. Khán giả xem đông nghịt và người ta gọi tôi là phá chèo từ ấy. Sau đó, tôi làm một vệt Bông hồng kiêu hãnh, Người con gái trở về cho Chèo Hà Nội, rồi Nàng Sita. Hồi ấy, Nàng Sita gây chấn động, đến mấy chục đoàn cùng dựng vở, có ngày họ diễn đến 4 suất. Người ta cứ chửi nhưng hầu như không có đoàn nào trên miền Bắc này mà chưa mời tôi dựng vở. Thái Bình là cái nôi xịn nhất của chèo, vậy mà tôi dựng đến 20 vở. Hà Tây cũng mười mấy vở, Hà Nội hơn 30 vở. Tứ chiếng chèo thì Doãn Hoàng Giang chiếm cả.
- Tại sao chửi cứ chửi mà họ vẫn mời ông?
- Chửi vì tự nhiên một thằng "cha căng chú kiết" chẳng biết chèo là gì nhảy vào "đập phá" tàn bạo rồi lại được yêu thích. Không dễ gì người ta chịu được cái mới. Cho nên tôi cứ dùng câu của cổ nhân để tự an ủi "Ngọn cỏ thì tìm bạn bè dưới đất, cái cây thì tìm sự cô đơn trên trời" .
- Dựng nhiều vở như vậy, ông có sống được bằng nghề?
- Tôi là người hoàn toàn sống được bằng nghề, sống oách đấy. Vì không đi áp phe, không mở cửa hàng mà tôi chỉ đi tiêu tiền thôi. Tôi quan niệm mình là một con trâu cày, cho nên con trâu ấy phải được ăn cỏ ngon, mùa rét phải được đắp bao tải. Cho nên cái gì thích là tôi chơi.
- Ông chơi thế nào?
- Tôi có khoảng 15 chiếc camera. Cứ thấy cần phải quay cảnh nào mà không có máy, tôi mua ngay một chiếc. Máy ảnh loại mấy chấm, mấy chấm... tôi có cũng mấy chục cái. Đồng hồ đeo tay độ 20-30 chiếc. Còn bật lửa vài trăm chiếc mà toàn đồ xịn, Zippo vài ba trăm đôla là chuyện thường. Cái tôi đang dùng đây có giá hơn 1.000 đôla. Bút máy năm, sáu trăm chiếc, toàn thứ trứ danh. Chơi xịn thứ hai là quần áo, mỗi cái đều có giá vài trăm đôla cả. Tiền rải rác là chỗ đó. Cho nên người ta tính với số vở tôi dựng là tôi giàu ghê gớm nhưng cuối cùng tôi có gì đâu. Tôi định để dành 100 cây vàng để mua nhà thì khi đủ vàng giá nhà đã lên đến 200 cây rồi, đuổi theo đến 200 cây thì nó lên 400. Thôi thì... kệ nó. Tôi lại có cái tự ái nên nhiều lần được cho nhà mà không lấy. Nhà nước cho cái nhà trên Nghĩa Đô, tôi cho luôn hai đứa diễn viên. Nơi khác cho mảnh đất Hồ Tây 100 m2, tôi cho Quốc Trượng. Số tôi khung điền trạch thuộc dạng kém.
- Ông nói việc mua sắm vung vãi như vậy để "trả thù thời khốn khổ"?
- Tiêu, sắm và làm cho mình sung sướng, đấy là quan niệm của tôi.
- Nhưng giữa cái bật lửa 1.000 đôla và cái bật lửa 20 ngàn đồng có gì khác nhau?
- Chẳng có gì khác nhau cả nếu để châm thuốc, cũng như cái quần xỏ vào có hai ống. Nhiều khi cá 1.000 đôla đánh lửa còn khó hơn nhưng nếu đã ăn chơi thì phải "nghiến răng" tàn bạo là thế.
- Doãn Hoàng Giang trông thế nào nếu cởi bộ quần áo rằn ri túi hộp ra, khoác bộ complet vào và cắt tóc đi?
- Tôi không bao giờ mặc được thứ đó. Từ thời bao cấp tôi chỉ mặc đồ bộ đội, đi dép lốp và cả đời chưa mặc sơmi trắng bao giờ. Kể cả hôm cưới vợ, tôi chỉ mặc sơmi đen. Tôi cũng không biết thắt cà vạt. Vì mặc mấy thứ đó vào tôi cứ có cảm giác không phải là tôi nữa. Tính tôi như thế, nó loã xõa, xuê xoa mà nếu vận sơmi trắng, quần là áo lượt tự nhiên tôi thấy mình... đểu, giả dối. Có lần tôi thử mặc, chúng nó cười rũ ra. Gu của tôi là quần áo lính. Gu thứ hai là đồ jean, thứ ba là đen. Hầu như không mặc gì khác.
- Ngoài quần hộp, giày khủng bố, tóc búi tó, Doãn Hoàng Giang còn gì nữa?
- Chỉ thế thôi là đủ. Có lần tôi đã tuyên bố "Mốt nhất Việt Nam là Doãn Hoàng Giang".
- Còn chuyện yêu đương của ông thế nào?
- Về đường yêu đương thì tôi hơi bị nghiêm chỉnh, dù hình dáng của tôi phản ánh hơi khác. Những mối tình đi qua cuộc đời thì chưa người con gái nào lại có thể than phiền về "anh Giang". Tôi cư xử với người ta chân thành, đẹp đẽ và có trách nhiệm.
- Có giai thoại là đi đến đoàn nào ông cũng vén màn hỏi "Có gái đẹp không?". Vì sao lại thế?
- Vì sân khấu mà không có đào đẹp thì chết. Bởi thế đi đâu tôi cũng hỏi "Dạo này có tìm được đứa nào đẹp không? Không có đào đẹp thì có tội với khán giả lắm". Tôi còn nói trên báo "Tôi ao ước bây giờ có được mấy em hoa hậu. Đảm bảo khán giả đến xem ngay mà không cần vở ghê gớm lắm". Bây giờ nhiều diễn viên như dở hơi, đầu rỗng tuếch, nói như con vẹt luyến thoắng chẳng ra cái thể thống gì.
- Có người bảo sáng tác nghệ thuật thì phải có "chất dẫn điện" như bia rượu hay ít ra phải lăn lộn trong những cảnh sầu đời, sầu tình thì sáng tác mới có thể thăng hoa. Ông thì sao?
- Lầm! Tôi cho rằng đấy là những kẻ bốc phét. Bởi lúc tỉnh mà tính toán còn chưa ngon, nếu say lơ mơ nhìn một hoá hai thì làm sao hay được.
- Vậy nỗi đau nhân tình thế thái trong sáng tác của ông có cảm hứng từ đâu?
- Cuộc đời tôi trải qua rất nhiều đau khổ, cay đắng và tủi nhục. Có người hỏi "Cái gì làm nên Doãn Hoàng Giang?" thì tôi trả lời đó là sự tủi nhục. Ngày trước có người coi tôi như con chó ghẻ bởi cái lý lịch. Chính những nỗi đau khổ ấy, cay đắng ấy tạo cho tôi một ý chí, một khát vọng và cả cái tính ngông.
- Ông thấy tính cách đó ảnh hưởng thế nào đến cuộc sống và công việc?
- Tôi không sửa tính cách ấy, cứ kệ nó, thành ra cuộc đời tôi cũng gặp nhiều chuyện ghê gớm lắm. Nhưng chính sự gian truân ấy bao giờ làm cho tôi tự hào, tôi thích.
- Trong một năm, tháng "đói" nhất của ông là tháng có giải bóng đá?
- Khi có giải bóng đá thì tôi không làm gì hết vì tôi mê bóng đá, kể cả bóng đá Việt Nam. Mê cứ như là sắp gặp người tình. Ví dụ đêm mai có trận hay là đêm nay không ngủ, cứ mong ngóng đến giờ phút đó. Trong quyển sổ công tác của tôi, Gạch Đồng Tâm bao nhiêu điểm, Hoàng Anh Gia Lai thắng mấy trận tôi đều ghi đủ hết. Tôi còn viết bài về bóng đá nữa. Nói chung tôi "ăn bóng đá, ngủ bóng đá"... Rồi cá độ chứ. Bóng đá cũng như sân khấu, khán giả phải nghiêng về một phía thì mới hấp dẫn. Chứ nếu đi xem Thể Công thắng cũng được, Ngân Hàng Đông Á thắng cũng được thì đừng xem. Bởi vì có yêu Thể Công thì khi đội nhà bị tấn công tôi cảm thấy thoi thóp, hồi hộp, lo lắng... Đội nhà ghi một bàn, thế là tôi nhảy lên. Đánh cá là để hồn nghiêng về một phía, tột cùng theo bước chân của nó.
- Bóng đá khác sân khấu, một bên là đối kháng quyết liệt, một bên là sự ước lệ. Ông nghĩ sao về ý kiến này?
- Nhầm! Sân khấu nếu theo được quy luật bóng đá thì sân khấu mới hấp dẫn. Nếu mà đưa được lên sân khấu yếu tố bất ngờ như bóng đá thì sẽ hay biết bao. Sân khấu đang bị cái nạn là khán giả đoán trước được hết. Sân khấu phải học những yếu tố hấp dẫn của bóng đá. Bây giờ diễn viên hôn nhau cứ như giả vờ ấy.
- Ông có ý định một ngày nào đó sẽ làm cho sân khấu sống động như bóng đá?
- Khó lắm, bởi vì vẫn còn tư tưởng coi văn nghệ sĩ như những đứa trẻ con, uốn nắn nó thế này, thế kia. Tôi có cảm giác vẫn có những ranh giới không vượt qua được. Một nền văn nghệ hay phải là một nền văn nghệ nhức nhối. Nghệ thuật phải đau cái đau của thế gian mới rung động lòng người. Chứ xem xong một vở về lại ôm vợ ngủ ngon, ngáy khì khì thì làm sao hay được. Chưa kể nghệ sĩ còn bị hành hạ, mình đẻ đứa con của mình, người ta lại thích giống họ. Tôi định vẽ bức tranh sơn dầu gồ ghề, họ lại thích mịn màng như tranh lụa...
- Đã khắc tên Doãn Hoàng Giang vào sân khấu, nếu như chọn lại nghề ông có chọn sân khấu?
- Tôi vẫn chọn sân khấu vì tôi mê sân khấu. Đời tôi có hai cái sân, sân cỏ và sân khấu. Sân cỏ thì tôi học ở bố. Ông là ông bầu mà tôi đi theo nhặt bóng, khiêng nước, trông gôn. Còn sân khấu thì tôi học từ mẹ. Ngày xưa, cứ mỗi lần đoàn về, mẹ tôi đi theo nấu cơm, nấu nước cho đào kép nên tôi được ưu tiên ngồi trong cánh gà để xem. Cho nên nếu chọn lại thì tôi vẫn chọn như thế, bởi sân khấu cho tôi nhiều thứ lắm.
- Khi đối mặt với sự ghen tỵ, ông thấy thế nào?
- Chính sự ghen tỵ đó thôi thúc tôi làm tốt hơn.
- Ông nghĩ sao về việc chuyển vào môi trường sôi động của TP HCM?
- Tôi chỉ có thể làm khách chứ không thể làm người của TP HCM. Nhiều người nói tôi hợp với phong cách TP HCM. Từ khi tôi dựng Nhân danh công lý cho mấy đoàn, có người rủ rê tôi nhưng tôi nói "Em chỉ có thể làm khách của anh thôi chứ không thể làm quân của anh". Tôi có cảm giác làm văn nghệ ngoài Bắc vẫn có cái gì đó hay hơn, mặc dầu trong Nam năng động hơn. Tôi là thằng nặng về quá khứ, không thể xa vùng đất nơi đã sinh ra tôi, làm thành tôi, đã cho tôi bao nhiêu đau khổ, bao nhiêu hạnh phúc. Thứ hai, tôi thích bốn mùa. Tôi không thích nơi chỉ có nắng chang chang, ngày Tết "ăn dưa hấu, mặc áo phông, chạy nhông ngoài đường". Tôi thích cái khí trời se lạnh, kéo cao cổ áo hoặc cái khăn quàng cổ đi trên đường phố ngày mùng Một Tết vắng tanh. Cảnh ấy đẹp mê hồn.
(Theo Pháp Luật TP HCM)