![]() |
Cơn sốt trên thị trường ô tô nằm ngoài dự đoán của các nhà sản xuất và khách mua. |
Đây cũng là nguyên nhân khiến giá ôtô vào những ngày này tăng 10 - 15% và là cơ hội cho các “cò mồi” đòi thêm “chi phí bôi trơn” cho việc giao xe đúng hẹn.
Những ngày giáp Tết, thị trường ô tô gần như vắng bóng các chương trình khuyến mãi, giảm giá nhưng số lượng khách hàng vẫn không ngừng tăng.
Theo kết quả thống kê của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), tháng 12/2007 các thành viên của Hiệp hội đã bán được 12.006 xe ô tô, tăng 96% so với tháng 12/2006. Tính chung cả năm 2007, VAMA bán 110.000 chiếc, tăng hơn gấp đôi so với 40.897 xe trong năm 2006. Ngay từ quý 1/2007, dấu hiệu “sốt” xe đã xuất hiện khi dòng xe Captiva của GM-Daewoo rơi vào tình trạng hiếm hàng. Tiếp theo đó là hàng loạt loại xe khác: Toyota Camry, Honda Civic, Daewoo Lacetti... thay nhau “móc túi” người mua. Để lấy ngay những loại xe này, người tiêu dùng buộc phải lót tay các nhân viên “chăn khách” ít nhất là 1.000 USD một chiếc.
Từ giữa năm 2007 tất cả các hãng ô tô đều tập trung nâng cao năng lực sản xuất để kịp giao xe cho các đơn đặt hàng: Công ty TNHH Ford Việt Nam cho biết đã tăng sản lượng sản xuất, lắp ráp từ 300 xe một tháng lên 800 xe. Các hãng xe khác như Vidamco với mẫu xe luôn trong tình trạng cháy hàng Chevrolet Captiva hay Honda Việt Nam với mẫu xe duy nhất là Civic thế hệ thứ 8... cũng đã nỗ lực tăng lượng xe xuất xưởng hằng tháng. Thậm chí, các nhà sản xuất có thế mạnh tại phân khúc xe tải và xe thương mại như Trường Hải hay Vinaxuki cũng tăng ca làm việc để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Theo ông Bùi Ngọc Huyên, Tổng giám đốc Vinaxuki thì hiện tại, năng lực sản xuất của nhà máy ôtô Vĩnh Phúc có thể đạt 2.000 chiếc/tháng để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Thời gian gần đây, các loại xe 5 chỗ hạng trung như Toyota RAV 4, Camry LE 2.4 hay các loại xe 7 chỗ như Toyota Siena, Mercedes nhập về khá nhiều nhưng hầu hết đều đã có chủ.
Mặc dù đã đẩy mạnh năng lực sản xuất, nhưng theo thống kê chưa đầy đủ của VAMA thì tính đến thời điểm hiện tại, các nhà sản xuất ôtô trong nước vẫn còn nợ khách hàng hơn 10.000 xe các loại. Trong đó, nhiều nhất vẫn là Toyota Việt Nam với gần 5.000 chiếc, các hãng xe khác như Ford, Vidamco hay Honda có mức nợ trên dưới 1.000 chiếc.
Trong vai khách hàng cần mua xe Captiva, chúng tôi đến các đại lý, chi nhánh của hãng đều nhận được câu trả lời muốn có xe Captiva thường khách hàng phải đặt trước nửa năm. Muốn lấy sớm hơn thì có chi thêm tiền cũng bó tay.
Chị Nguyễn Thị Hiền, nhân viên marketing của một công ty kinh doanh xe Daewoo trên đường Nguyễn Trãi, Hà Nội cho biết: “Cách Tết khoảng 2 tháng, lượng khách hàng có nhu cầu mua xe tăng khoảng 30% so với thời gian trước đó. Đa số khách hàng đều phải chờ 2- 3 tháng sau mới nhận được xe”. Khách mua các loại xe như Toyota Camry 2.4 G hay Vios 1.5E cũng phải chờ tối thiểu 3 tháng mới có xe...
Đến thời điểm này, giá xe ôtô đã tăng 10-15% so với thời điểm cách đây 1 tháng. Tệ hơn là có không ít khách hàng dù đã đặt tiền trước với mức giá đã thống nhất, nhưng vẫn phải “tình nguyện” để người môi giới “móc túi” thêm 3.000 - 4.000 USD mới được nhận xe đúng hẹn.
Anh Đặng Hùng Thái, phố Lương Định Của, Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội cho biết: “Tôi đặt mua xe Matiz của Vidamco cách đây 3 tháng với giá 13.500 USD. Đến hẹn tôi mang giấy tờ đến lấy xe, nhân viên bán hàng nói là do khan hàng, nên hãng còn nợ rất nhiều khách. Theo giấy hẹn tôi vẫn xếp sau khá nhiều người. Sau một hồi đôi co, tôi được nhân viên này “hiến kế” là cần có chi phí “bôi trơn” mới có xe đúng hẹn. Do rất cần xe tôi đã chấp thuận đưa thêm 3.000 USD để được lấy xe đúng hẹn. Anh bạn tôi còn phải đưa thêm đến 4.000 USD để lấy được chiếc xe Gen tra (Deawoo) máy 1.5, dù trước đó đã đặt tiền trước với mức giá 19.000 USD”.
Ông Vũ Nam Chung, giám đốc công ty Ôtô Nam Chung (Hà Nội) cũng thừa nhận, giá xe khoảng thời gian này đã thay đổi nhưng lượng xe của công ty bán ra vẫn tăng từ 35% đến 45% so với mấy tháng trước. “Sốt” nhất là dòng xe Kia Morning và sau đó là các mẫu xe đắt tiền hơn như Toyota Yaris.
Đại diện công ty cổ phần ôtô Hyundai Việt Nam (HMV), nhà phân phối chính thức các loại xe Hyundai cho biết, từ vài tháng nay hễ chiếc xe nào về nước đều được bán hết ngay. Tâm lý cần mua và mua theo phong trào là “mảnh đất màu mỡ” để giới môi giới ô tô khai thác triệt để.
Tuy nhiên, theo thông tin từ các hãng sản xuất ô tô như công ty ôtô Trường Hải, công ty TMT thuộc Tổng công ty Công nghiệp ô tô Việt Nam, công ty Bảo Toàn (Hà Nội)... thì tính từ thời điểm 1 tháng trước Tết Nguyên đán, họ không hề tăng giá bán xe. Theo phân tích của một số chuyên gia về ôtô thì rất có thể thời điểm giáp Tết Mậu Tý sẽ là lần cuối cùng tồn tại tình trạng sốt xe. Vì nhu cầu mua xe trên thị trường đến nửa cuối năm 2008 sẽ giảm mạnh, một phần do sự chia sẻ với xe nhập khẩu. Phần nữa là do các hãng sản xuất đều đang trong cuộc chạy đua về sản phẩm, sẽ dễ dẫn tới hệ quả là khi thị trường sụt giảm thì lượng xe thành phẩm vẫn ùn ùn đổ ra thị trường. Do vậy, tình thế đảo ngược do nguồn cung lại vượt xa so với nhu cầu là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
(Theo Giadinh.net)