Theo đó, nếu iPhone xách tay không có hóa đơn mua hàng từ cửa hàng chính hãng ở nước ngoài sẽ không được áp dụng chính sách bảo hành như hàng chính hãng.
Hầu hết hàng công nghệ khi mua ở thị trường xách tay đều không được bảo hành chính hãng. Tuy nhiên từ cuối năm ngoái Apple áp dụng bảo hành cho cả iPhone do người dùng xách tay từ nước ngoài về, hoặc mua từ các cửa hàng xách tay. Nghĩa là, iPhone dù không mua từ các đại lý được ủy quyền tại Việt Nam, nếu còn trong hạn bảo hành, vẫn được áp dụng sửa chữa như hàng chính hãng tại các trung tâm bảo hành được Apple ủy quyền chính thức.
Tất nhiên chính sách này không áp dụng cho tất cả iPhone. Chẳng hạn, hầu hết iPhone đời mới hiện nay như iPhone 6S, 6S Plus, 7, 7 Plus mới nằm trong diện được bảo hành chính hãng do những model cũ hơn ít được bán ở nước ngoài. Thêm vào đó, chỉ các mẫu nhất định từ thị trường Mỹ, Hong Kong, Singapore... là được bảo hành chính hãng; ví dụ iPhone 7 và 7 Plus mang mã A1778 và A1784. Tất cả iPhone mua từ hợp đồng với nhà mạng, ngay cả khi mua mã kích hoạt để biến iPhone này thành phiên bản sử dụng toàn cầu, đều không được áp chính sách bảo hành.
Việc Apple áp dụng chính sách bảo hành toàn cầu tạo lợi thế không nhỏ cho các cửa hàng xách tay. Nhiều cửa hàng nhập iPhone số lượng lớn không qua các đại lý được Apple ủy quyền tại Việt Nam nhưng vẫn được người dùng tin tưởng mua hàng vì số iPhone này được bảo hành chính hãng - điều hiếm có với các hãng điện thoại khác và ngay cả đối với iPhone, vì thực ra chính sách chỉ mới được áp dụng từ năm ngoái.
Tuy nhiên vài ngày gần đây chính sách bị siết lại. Các trung tâm bảo hành ủy quyền của Apple như KTC, FPT iService chỉ nhận bảo hành iPhone xách tay nếu có kèm theo hóa đơn mua hàng tại các cửa hàng được Apple ủy quyền ở nước ngoài. Tất cả iPhone do các cửa hàng xách tay bán ra cho người dùng nếu không có hóa đơn gốc từ các đơn vị của Apple không được áp chính sách bảo hành như hàng chính hãng.
Quy định này chắc chắn nhằm "lọc" lại đối tượng được bảo hành. Những người dùng bình thường khi tự mình mua, hay nhờ người thân mua iPhone ở nước ngoài chắc chắn có hóa đơn nên vẫn sẽ được áp chính sách bảo hành của Apple tại Việt Nam. Những iPhone này đúng với bản chất của hàng xách tay và vẫn được bảo hành bình thường.
Ngược lại, các cửa hàng xách tay nhập hàng với số lượng lớn, qua nhiều đầu mối khác nhau rất khó có hóa đơn, nhất là hóa đơn cho từng iPhone riêng lẻ. Với chính sách mới, chắc chắn hàng mua tại các cửa hàng không được Apple ủy quyền tại Việt Nam hầu hết không được bảo hành chính hãng. Người mua iPhone xách tay, tương tự khi mua điện thoại xách tay khác, nếu còn trong thời hạn bảo hành thì mua ở cửa hàng nào được bảo hành tại cửa hàng đó. Việc này chắc chắn làm giảm ảnh hưởng của các cửa hàng chuyên bán iPhone xách tay.
Chính sách mới là đòn đánh khá nặng vào hệ thống cửa hàng không do Apple ủy quyền, đặc biệt với những cửa hàng cam đoan có chính sách bảo hành chính hãng cho khách khi bán ra trước đó. Với các lô hàng iPhone mới không được bảo hành chính hãng, việc thuyết phục người dùng mua hàng sẽ khó khăn hơn.
Hiện nay, nguồn sống chính của các cửa hàng xách tay là mua bán điện thoại iPhone cũ và mới. Với việc Apple ngày càng quan tâm hơn thị trường Việt Nam và có những người đại diện chính thức cho thị trường, chắc chắn làm cho các cửa hàng buôn bán hàng không chính hãng gặp nhiều khó khăn
Theo ICTNews