Kể từ ngày 3/3, Ngân hàng Á Châu (ACB), có quy mô lớn nhất và đứng đầu về kinh doanh ngoại tệ trong khối ngân hàng thương mại cổ phần, đã tăng lãi suất tiền gửi USD ở tất cả các kỳ hạn với mức tăng lớn nhất từ trước tới nay, từ 0,30%/năm đến 0,85%/năm.
Bên cạnh đó người gửi tiền còn được thưởng thêm lãi suất dựa trên số tiền gửi USD. Cụ thể người gửi tiền ngoại tệ tại ACB cộng thêm từ 0,1%/năm đến 0,162%/năm nếu tiền gửi từ 5.000 USD đến trên 60.000 USD cho một sổ tiền gửi tiết kiệm.
Đồng loạt tăng lãi suất ngoại tệ
Trước đó nhiều ngân hàng thương mại đã tăng lãi suất huy động vốn USD. Hiện nay Vietcombank đang có lãi suất huy động vốn USD cao nhất trong khối ngân hàng thương mại Nhà nước.
Việc tăng lãi suất USD trước tiên là do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất chủ đạo USD lên 4,5%/năm vào ngày 30/10/2005 và được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng lãi suất lên 4,75%/năm trong thời gian tới.
Hiện nay lãi suất trên thị trường tiền tệ quốc tế cũng tăng lên khá. Lãi suất tiền gửi USD trên thị trường liên ngân hàng Singapore - Sibor ngày 6/3 kỳ hạn 1 tháng là 4,63313%/năm; kỳ hạn 3 tháng là 4,82250%/năm; kỳ hạn 6 tháng là 4,990%/năm và kỳ hạn 1 năm là 5,150%/năm.
Trong khi đó, mức lãi suất tiền gửi USD cao nhất của một số ngân hàng thương mại ở nước ta hiện nay vẫn thấp hơn từ 0,3 đến 0,7%/năm so với lãi suất cùng kỳ hạn trên thị trường tiền tệ quốc tế.
Vì vậy, việc đầu tư ngắn hạn trên thị trường tiền gửi quốc tế cũng làm cho các ngân hàng thương mại trong nước linh hoạt và chủ động được nguồn vốn USD, khi cần thì nhanh chóng rút về để cho vay hay thanh toán, nếu không cần thì tiếp tục gửi.
Mặt khác, nhu cầu vay vốn USD tăng là nguyên nhân làm cho các ngân hàng thương mại tăng lãi suất huy động vốn ngoại tệ.
Nhu cầu nội tệ tiếp tục căng thẳng
Theo quyết định mới đây của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Đầu tư Phát triển Việt Nam đang chuẩn bị khẩn trương phát hành 3.250 tỷ đồng trái phiếu dài hạn để tăng vốn điều lệ, gấp gần 2 lần khối lượng trái phiếu tăng vốn của Vietcombank triển khai cuối năm 2005, nhằm đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu là 8% theo thông lệ quốc tế.
Đây là bước khởi động đầu tiên trong kế hoạch cổ phần hoá ngân hàng này trong năm 2007 hoặc sau đó. Lãi suất sẽ do thị trường quyết định, nhưng được dự báo là sẽ khó mà thấp hơn lãi suất trái phiếu của Vietcombank.
Bởi vì mặt bằng lãi suất thị trường hiện nay đã tăng hơn cách đây 3 tháng và đang có dấu hiệu tiếp tục tăng lên.
Như vậy, sẽ có ít nhất là 3.250 tỷ đồng vốn trong xã hội sẽ được cạnh tranh thu hút vào kênh này, tác động lớn đến cung cầu vốn nội tệ trên thị trường đang có dấu hiệu nóng lên.
Một kênh thứ hai đó là các ngân hàng thương mại cổ phần đồng loạt tăng vốn. Ước tính chỉ riêng trong quý I năm nay, sẽ có khoảng gần 3.000 tỷ đồng vốn của các thể nhân và pháp nhân được đầu tư vào các ngân hàng thương mại cổ phần tăng vốn.
Bên cạnh đó là hàng nghìn tỷ đồng vốn được đầu tư vào cổ phiếu của các ngân hàng thương mại cổ phần trên thị trường phi tập trung cũng trong 3 tháng đầu năm 2006. Con số vốn tương ứng sẽ thực hiện trong quý II.
Việc tăng vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại cổ phần một mặt để đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo thông lệ quốc tế là 8% trong điều kiện quy mô tài sản có không ngừng tăng nhanh.
Mặt khác để đáp ứng yêu cầu quy định trong Quyết định 88 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, theo đó từ tháng 6 tới đây mỗi chi nhánh của ngân hàng thương mại phải đảm bảo số vốn tự có là 20 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, để không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh, đầu tư vốn vào hệ thống trụ sở, văn phòng, hiện đại hoá công nghệ, thì quy mô kinh doanh tăng lên, vốn điều lệ cũng phải tăng lên tương ứng.
Tuy nhiên đứng trên giác độ thị trường, thì việc gần 10.000 tỷ đồng đã và sẽ được thu hút vào việc tăng vốn làm cho cầu vốn tăng nhanh trong khi cung vốn tăng chậm.
Đành rằng nguồn vốn đầu tư mua cổ phiếu và trái phiếu có một phần là vốn vay các ngân hàng thương mại và vốn của nhà đầu tư nước ngoài, nhưng dù sao cũng làm cung cầu vốn trong mỗi ngân hàng thương mại tăng và tác động lớn đến diễn biến thị trường tiền tệ hiện nay.
Một tác động tiếp theo của thị trường nội tệ đó là nhu cầu vay vốn của khách hàng tại các ngân hàng thương mại tăng lên cho các nhu cầu đầu tư, cho mở rộng sản xuất kinh doanh, cho thực hiện các hợp đồng xuất khẩu, triển khai các dự án, sản xuất vụ mới.
Ngược lại một số lượng lớn ước tính lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng các ngân hàng thương mại cho vay các dự án đầu tư bất động sản, các dự án thi công công trình giao thông..., chưa thu nợ được để tái quay vòng cho vay. Do đó nhu cầu huy động vốn của ngân hàng thương mại tăng mạnh.
Song lãi suất nội tệ chưa có dấu hiệu tăng rõ rệt. Lãi suất huy động cao nhất thuộc về các quỹ tín dụng nhân dân cơ sở, lên tới 0,9%/tháng; một số ngân hàng thương mại cổ phần có lãi suất cao nhất là 0,82%/tháng. Một số ngân hàng thương mại Nhà nước có lãi suất cao nhất là 0,77%/tháng.
Nhìn chung, giới hạn cao nhất của lãi suất huy động vốn thì không tăng, nhưng lãi suất tăng ở các kỳ hạn ngắn hơn. Cụ thể như từ ngày 24/2/2006 lãi suất huy động vốn nội tệ tại khu vực Hà Nội của Vietcombank tăng thêm từ 0,12 đến 0,32%/năm cho một số kỳ hạn tiền gửi 1 tháng, 2 tháng, 3 tháng 6 tháng và 9 tháng, nhưng kỳ hạn 9 tháng hiện nay cũng chỉ mới đạt 8,16%/năm, tương đương với 0,68%/tháng.
Từ ngày 28/2, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Công Thương phát hành kỳ phiếu nội tệ và ngoại tệ. Đối với nội tệ kỳ hạn 3 tháng lãi suất 0,71%/tháng; kỳ hạn 6 tháng là 0,73%/tháng; kỳ hạn 9 tháng là 0,75%/tháng.
Như vậy, lãi suất của hai ngân hàng thương mại điển hình cho hai khối ngân hàng thương mại Nhà nước và khối ngân hàng thương mại cổ phần nói trên chỉ tăng ở các kỳ hạn ngắn, từ 1 năm trở xuống và chưa vượt giới hạn lãi suất huy động vốn cao nhất là 0,77%/tháng và 0,82%/tháng cho kỳ hạn 3 năm.
Dự báo, trong thời gian tới, lãi suất ngoại tệ có xu hướng tăng, do nhiều khả năng FED sẽ tiếp tục tăng lãi suất chủ đạo, nhưng chủ yếu tăng ở lãi suất huy động USD, còn lãi suất cho vay USD tăng chậm hơn. Thị trường nội tệ cũng sẽ tiếp tục nóng lên nhưng lãi suất tăng chủ yếu ở các kỳ hạn ngắn và tăng chi phí khuyến mại.
Cạnh tranh tăng lãi suất một chiều như từng xẩy ra trong năm 2004 và năm 2005 sẽ giảm hẳn mà thay vào đó bằng nghệ thuật marketing, màng lưới, phong cách giao dịch...
(Theo Thời Báo Kinh Tế VN)