Thị trường ôtô sẽ còn ảm đạm kéo dài. |
Nếu cứ tăng giá, tình trạng ảm đạm trên thị trường ôtô sẽ tiếp diễn đến hết năm 2006, gây thiệt hại lớn cho chính các nhà sản xuất.
Mãi lực tụt dốc
Đây là lần mãi lực của các thành viên cũ của VAMA giảm nghiêm trọng nhất kể từ 8 tháng nay. Sự tụt dốc này còn được thể hiện rõ nét hơn khi so sánh với tổng lượng xe bán ra so với cùng kỳ năm 2004.
Theo thống kê của VAMA, lượng xe bán ra của Hiệp hội tháng 11/2004 đạt 5.519 xe, như vậy lượng bán tháng 11 năm nay chỉ bằng 46,5% so với cùng kỳ năm trước, phá vỡ những tiền lệ đã diễn ra ở thị trường ôtô vào các dịp cuối năm.
Tính đến thời điểm hiện tại, tổng lượng xe bán ra của VAMA mới chỉ đạt 30.949 xe, còn thấp hơn 11 tháng của năm 2004 gần 2.000 xe, một mức giảm trung bình đáng suy ngẫm.
Đó là chỉ xét về mãi lực của 11 doanh nghiệp ôtô có vốn đầu tư nước ngoài, chưa tính đến 5 thành viên mới của VAMA là các doanh nghiệp nội địa chủ yếu sản xuất, lắp ráp xe tải nhẹ, xe pick-up...
Một dấu hiệu nữa dự báo thị trường ôtô Việt Nam có thể rơi vào tình trạng ảm đạm là lượng ôtô nhập khẩu nguyên chiếc cũng giảm bất ngờ. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, lượng ôtô nhập khẩu nguyên chiếc trong tháng 11 đạt khoảng 1.000 chiếc, chỉ bằng 2/3 so với tháng trước và giảm đến 20% so với cùng kỳ năm 2004.
Như vậy, thị trường ôtô cuối năm nay ảm đạm cả về xe sản xuất, lắp ráp trong nước lẫn xe nhập khẩu nguyên chiếc, một thực trạng chưa có tiền lệ. Thậm chí, theo các giới phân tích, nếu các nhà sản xuất ôtô, cụ thể là VAMA không sớm đưa ra những quyết định phù hợp nhằm định hướng dư luận, tình trạng này có thể sẽ tiếp diễn đến năm 2006, gây nên những xáo trộn nhất định.
Nguyên nhân
Để mổ xẻ những nguyên nhân dẫn đến thực trạng hiện nay của thị trường ôtô cần phải bắt đầu từ khi có thông tin về giảm thuế, điều này đã tạo nên tâm lý chờ đợi giá xe giảm của khách hàng khiến cho lượng xe bán ra của VAMA bắt đầu giảm.
Đáp lại hiện tượng này, đầu tháng 11, VAMA đã có một thông báo chính thức gửi đến giới truyền thông, trong đó khẳng định giá bán lẻ ôtô lắp ráp trong nước (CKD) sẽ không giảm trong năm 2006 đồng thời cũng khẳng định rằng xe lắp ráp trong nước vẫn duy trì ưu thế lớn về giá so với xe nhập khẩu nguyên chiếc (CBU), mặc dù thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe CBU được giảm xuống bằng mức của xe CKD từ năm sau (2006).
Tuy nhiên, khẳng định này của VAMA đã tạo nên một hiệu ứng dây chuyền từ phía các nhà quản lý lẫn sự bất bình của dư luận trong đó có không ít khách hàng tiềm năng của họ.
Trong một lần trả lời báo giới, ông Quách Đức Pháp, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế đã nói: “Ngay cả khi đã tính tất cả: thuế, giá CIEP (giá giao tận kho người nhận), giá bán, ôtô lắp ráp trong nước của Việt Nam cũng không thể cao thế được (gấp 2 lần thế giới, và khoảng 1,5 so với cùng khu vực)".
Thậm chí mới đây, sau khi dư luận phản đối mạnh mẽ việc VAMA tiếp tục khẳng định giá ôtô không giảm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Sinh Hùng đã cho biết, nếu nhà sản xuất ôtô trong nước cứ tăng giá, ông sẽ kiến nghị Quốc hội giảm thuế nhập khẩu ôtô.
Còn từ phía khách hàng, câu trả lời thiết thực nhất của họ chính là kết quả bán hàng của VAMA trong thời gian qua khi lượng xe bán liên tục giảm. Sự “ương ngạnh” của các nhà sản xuất không những đã gây bất bình đối với khách hàng khi họ trở nên thiếu mặn mà với xe lắp ráp trong nước mà còn chẳng mấy quan tâm đến việc mua ôtô, điều mà trước đó họ đã dự định làm.
Kết quả là, thị trường ôtô bắt đầu tụt dốc đối với cả xe nhập khẩu nguyên chiếc, điều này thể hiện ở việc lượng xe nhập khẩu CBU cũng giảm rất mạnh.
Từ đó, các chuyên gia cho rằng, nếu phía các nhà sản xuất ôtô không sớm có những động thái tích cực, sự ảm đạm trên thị trường ôtô là khó tránh khỏi mà chính các nhà sản xuất là người chịu thiệt hại lớn nhất.
(Theo VnEconomy)