![]() |
Người tiêu dùng khó mà phân biệt đâu là sản phẩm mỹ phẩm thật, giả trên thị trường. |
Không bao lâu sau khi mỹ phẩm Olay ra mắt thị trường, Olay nhái đã có mặt. Đại diện Công ty P&G Việt Nam cho biết: "Hiện nay, hàng trôi nổi mang nhãn hiệu Olay có rất nhiều, chủ yếu là mặt hàng Olay Total Effects. Trên thị trường, hàng giả trôi nổi có giá 30.000-40.000 đồng /hộp so với giá bán lẻ tại các siêu thị là 190.000 đồng/hộp".
Nhiều chủ kinh doanh mỹ phẩm cho biết, mỹ phẩm giả, nhái mẫu mã, đang gây hỗn loạn thị trường. Một chủ cửa mỹ phẩm tại chợ Ngã Tư Sở giới thiệu với khách: "Em muốn mua loại gì chị cũng có, hàng Âu hay Á, cao cấp hay bình dân".
Không chỉ có nước hoa mà hầu hết các loại mỹ phẩm khác như: kem dưỡng da, dầu gội, dầu tắm, son, phấn đều trong tình trạng thật giả khó biết.
Hiện trên địa bàn Hà Nội có 358 cơ sở sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm, trong đó có 69 doanh nghiệp nhập khẩu mỹ phẩm. Các cơ sở kinh doanh mặt hàng này chủ yếu tập trung tại địa bàn 4 quận nội thành là Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng. |
Mỹ phẩm ngoại có ở Việt Nam có 3 nguồn chính. Mỹ phẩm Trung Quốc chủ yếu là hàng nhái của tất cả các hãng trên thế giới, giá rẻ nhất. Hàng sản xuất từ nước thứ ba, chất lượng không chuẩn bằng hàng xịn và mỹ phẩm chính hãng được những người thường xuyên ra nước ngoài mua về với số lượng lớn bán lại cho các shop mỹ phẩm. Nhưng loại mỹ phẩm chính hiệu này có giá rất đắt và số lượng cũng không nhiều.
Ông Phạm Bá Dục, Chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội, cho biết, hiện thị trường mỹ phẩm thật giả lẫn lộn, nhiều cửa hàng mỹ phẩm hiện kinh doanh nhiều loại mỹ phẩm không có giấy phép lưu hành, bán mỹ phẩm giả nhãn hiệu của các hãng có tiếng trên thế giới. Việc buôn bán mỹ phẩm nhập lậu đã có ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ người tiêu dùng.
Trong tháng 6, để xiết chặt hoạt động kinh doanh mỹ phẩm, Chi cục QLTT Hà Nội cùng đoàn kiểm tra liên ngành đã tổ chức kiểm tra các cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm. Kết quả kiểm tra cho thấy, 100% cửa hàng được kiểm tra đều có sai phạm.
Các hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh mỹ phẩm không có số đăng ký lưu hành, mỹ phẩm nhập lậu và kinh doanh mỹ phẩm vi phạm nhãn hiệu hàng hoá. Tổng trị giá phạt hành chính và tịch thu và tiêu huỷ hàng hoá trong đợt kiểm tra vừa qua trị giá trên 614 triệu đồng.
Trong đợt kiểm tra vừa qua, tổ kiểm tra liên ngành số I đã phát hiện tại cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm ở 159 Giảng Võ có nhiều loại mỹ phẩm nhập lậu như kem dưỡng da 25 hộp, 322 hộp phấn trang điểm, 56 hộp thuốc ủ tóc. Trị giá hàng hoá kiểm tra tại đây ước tính 50 triệu đồng. Lực lượng chức năng đã tịch thu và tiêu huỷ toàn bộ số hàng vi phạm này.
Kiểm tra cửa hàng mỹ phẩm số 113 Tôn Đức Thắng và 23 Hàng Chiếu phát hiện 882 hộp thuốc nhuộm tóc, 258 hộp phấn trang điểm, 96 lọ sữa rửa mặt không có số đăng ký theo quy định. Với mặt hàng nhũ mắt, thuốc hấp tóc do nước ngoài sản xuất không có hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Lực lượng chức năng đã tịch thu toàn bộ số mỹ phẩm trị giá 85 triệu đồng. Mỹ phẩm giả, nhái không chỉ xuất hiện tại các cửa hàng nhỏ lẻ mà thậm chí tại một số trung tâm thương mại lớn của Hà Nội, mỹ phẩm giả, nhái nhãn mác được bầy bán khá công khai.
Theo Chi cục QLTT Hà Nội, việc kiểm tra mỹ phẩm trên địa bàn bước đầu đã có tác dụng làm giảm thiểu tình trạng bầy bán mỹ phẩm không có số đăng ký lưu hành, không đăng ký chất lượng.
Trong thời gian tới Sở Y tế Hà Nội đẩy mạnh việc phối hợp với Cục Quản lý dược Bộ Y tế nắm chắc cơ sở sản xuất, nhập khẩu mỹ phẩm trên địa bàn Hà Nội. Từ đó phối hợp với lực lượng công an, QLTT, Hải quan kiểm tra xử lý hành vi kinh vi phạm doanh mỹ phẩm trên địa bàn.
(Theo Kinh Tế Đô Thị)