![]() |
Sau 10 phiên tăng liên tiếp (đẩy chỉ số VN-Index từ 905,53 điểm lên 1.066,04 điểm), ngày 15/5, giá cổ phiếu (cả chứng chỉ quỹ) trên sàn TP HCM đã chững lại và giảm xuống còn 1.054,69 điểm. Theo lý thuyết của trường phái đầu tư kỹ thuật, trong điều kiện thị trường tương lai bình thường, khi giá chứng khoán tăng liền một mạch như vậy là báo hiệu cơn “sốt” cổ phiếu sắp bùng lên. Tuy nhiên, do các nhà đầu tư hiện vẫn bị ám ảnh bởi thị trường chứng khoán sắp tới sẽ được đổ vào một khối lượng khổng lồ nhiều loại cổ phiếu phát hành lần đầu ra công chúng (IPO) của những “ông lớn” như: Bảo Việt, Vietcombank, BIDV, Incombank, Sabeco... nên họ phải dè chừng. Anh Trần Hải, một nhà đầu tư tại sàn Công ty Chứng khoán Sài Gòn, cho biết trong danh mục đầu tư năm nay anh phải có cổ phiếu FPT. Nói là làm, tuần trước anh đã mua vào tài khoản 2.000 cổ phiếu FPT, với giá 0,5 triệu đồng/cổ phiếu. Tuy còn muốn mua thêm nhưng vì thấy giá lên mạnh nên anh tự bảo mình “không được quá đà”, vì vậy anh tạm dừng lại và chờ khi thấy giá xuống hợp lý lại mua thêm. Các doanh nghiệp “đầu tàu” đang làm ăn rất tốt, nhiều nhà đầu tư muốn mua cổ phiếu blue-chips để giữ lâu dài. Nhưng vì thị trường đang bị những “ông lớn” đứng chặn phía trước, nó luôn ám ảnh các nhà đầu tư (vì chưa rõ giá cổ phiếu IPO sẽ là bao nhiêu), nên họ không dám mạnh dạn mua cổ phiếu trên sàn. Vì lẽ đó, những cổ phiếu thượng hạng như: REE, HRC sau khi đã tách xong cổ phần (chia cổ phiếu thưởng) 50-80% cho cổ đông hiện hữu, tính thanh khoản cổ phiếu đã tăng lên (vì giá tuyệt đối đã xuống thấp tương ứng với tỉ lệ chia ngay sau khi chốt quyền), nhưng đến nay sau nhiều ngày giao dịch, giá của những chứng khoán này vẫn “nằm lì” tại chỗ. Ông Huỳnh Anh Tuấn, Trưởng Phòng Môi giới Công ty Chứng khoán của Ngân hàng ACB, cho biết: "Một số tổ chức hoạt động lâu năm, có đầu tư cổ phiếu ngắn hạn, đang và sẽ bán ra một số loại cổ phiếu mua trước đây (nhằm cơ cấu lại danh mục) để chuẩn bị tiền mua cổ phiếu của những “ông lớn” sắp tới. Mỗi khi thấy giá cổ phiếu trên sàn tăng lên đến giới hạn định trước là họ bán ra để tham gia những đợt IPO lớn. Tuy nhiên, khi có nhiều tổ chức cũ bán ra thì cũng có nhiều tổ chức mới đến mua vào, nhưng sự hứng khởi sẽ giảm, vì vậy trong những ngày tới thị trường sẽ bị điều chỉnh". Cuối tháng này, Bảo Việt sẽ IPO gần 600 tỷ đồng mệnh giá. Nếu giá đấu lên đến 10 “chấm” (cao gấp 10 lần mệnh giá) thì cũng đã hút 6.000 tỷ đồng trên thị trường. Còn các đại gia khác trong ngành ngân hàng, với số lượng cổ phần bán ra rất lớn, giá đấu dự kiến sẽ lên hàng chục “chấm”, cũng sẽ thu hút hàng chục ngàn tỉ đồng nữa. Chỉ riêng Vietcombank, vốn điều lệ 10.000 tỷ đồng, đợt đầu bán ra công chúng 10%, nếu giá đấu bình quân 30 “chấm”, thì cũng đã hút hết 30.000 tỷ đồng. Tuy cổ phiếu IPO nhiều như vậy, nhưng do đã có hàng chục quỹ đầu tư nước ngoài, hàng trăm doanh nghiệp trong nước, cùng với hàng ngàn nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước chờ đợi, với số vốn quy đổi giá trị lên đến nhiều tỷ USD, nên có thể cung vẫn không đủ cầu, vì thế thị trường vẫn không bị “ngập lụt” cổ phiếu. (Theo Người Lao Động) |