Cậu ấm thơ ngây
Những ngày thứ bảy, giấc ngủ vào buổi sáng sẽ được bưng từ cái gác xép của mình xuống giường của bố mẹ. Vì khi mặt trời chui ra khỏi tổ thì nó cũng biến cái giường của mình thành cái lò nướng. Nếu hội bài bạc của bố được tổ chức và rất ít khi nó không được tổ chức vào sáng thứ 7, thì tiếng chửi thế, tiếng vỗ đùi, tiếng quân bài nện xuống chiếu đen đét sẽ đẩy mình sang giường bên nhà bà.
Nếu tiết mục nhấm nhẳng, giận hờn, cạu cọ giữa mẹ và bà không được biểu diễn thì đã có các cô quang gánh ong ỏng réo giọng vào bên trong "cụ ơi mua chuối, mua na"... Với chăn quấn người, gối ôm bụng, mình mắt nhắm mắt mở, chân đất lê bước sang nhà dì. Và kết cục tiếng cười khanh khách, tiếng nhí nháu của đám trẻ, cùng tiếng thuyết minh phim hoạt hình choe chóe cũng sẽ tiếp tục chặt nhỏ giấc ngủ chỉ mới được thiết lập từ lúc 5,6 giờ sáng của mình.
Những ngày thứ bảy, 11h trưa vẫn còn nằm úp. Hà Linh sẽ trèo lên người mình ngồi và cất giọng véo von: "Chú Dương ơi, bà bảo chú sang ăn cơm. Bà bảo chú sang ăn cơm, dậy đi chú Dương. Chú Dương ngủ nhiều thế không biết". Chỉ cần một cái đét thật mạnh vào mông nó, nhiệm vụ của con bé sẽ kết thúc và chuyển sang gào thật to, khóc thật lớn. Và đến phiên mẹ mình doạ nạt: "Mày không sang ăn là bố mày sang bây giờ". Và nếu mình tiếp tục nhăn nhó, phụng phịu, giật đùng đùng trên giường thì mẹ ngọt nhạt: "Con ơi sang ăn đi, cả tuần mới về, gia đình cải thiện cho mày". Và tiếp tục nhấm nhẳng sẽ nhận được lời cay nghiệt: "Ông về ăn cơm cho con còn dọn"...
Bữa trưa thứ bảy ngoài các món ở Hà Nội mày có đếch tiền mà dám mua ăn thì thường có cá rô rán giòn nhai rau ráu mà bố đi câu từ sáng sớm. Nếu vẫn còn đang ấm ức vì giấc ngủ, mình sẽ ăn uống rất chống đối. Nhận lấy phần cơm, phồng má trợn mắt thổi phù phù cho nguội rồi lấy ca nước lọc chan vào, húp xùm xụp nhoắng cái là xong. Bà không hiểu ra thái độ rất chi là thái độ của mình, mỉm cười bảo: "Thằng này có căn tu. Ngửi thấy mùi cá thịt là sợ, chỉ ăn được chay thôi". Thỉnh thoảng, bữa trưa của mình cũng được giải phóng nhanh chóng nếu mấy đứa cháu nhỏ, Đức hoặc Hà Linh phun cơm phì phì vào mặt ai đó hay nhảy nhót vì sung sướng được mình hứa hẹn cho đi chơi vào buổi chiều, thế là ngã cái rầm vào giữa mâm cơm. Mâm cơm thành bãi chiến trường. "Con chẳng còn lòng dạ nào mà ăn nữa mẹ ạ!" mình sẽ tót đi.
Chiều thứ bảy, mình thường rong xe đi mua thuốc cho bà. Khi lấy tiền mua thuốc, mình nhăn nhó: "cháu thèm cái này lắm, giá như cháu có được cái kia nữa"... Thế là ngoài khoản ăn dôi ra do khống giá thuốc, mình còn được bà nhét cho trăm hơn, trăm kém. Cũng có khi, vớ được mớ sách rẻ trên phố Cát Cụt là dốc sạch túi tiêu lẹm cả vào tiền mua thuốc. Cơn đói cào ruột vì bữa trưa qua quýt, mình hoặc sẽ lên đường Cát Dài ăn bánh đúc tàu, vào chợ Cố Đạo ăn bánh bột lọc, hoặc ăn bánh bèo ở chợ Máy đá, giá bể ở Lạch Tray... với Trâu.
Trời chậm choạng tối, mình sẽ vác cái mặt vô tư, vô số tội ấy trở về nhà trình diện. Sau một hồi giãi bày sự quý của chữ "sự hiếm" của sách, thế nào bà cũng tặc lưỡi thông cảm để bù tiền khác mua thuốc. Và lần nào cũng kết thúc bằng một cái cười nhăn nhở khẳng định: "Coi như cháu nợ bà nhé!". Bữa tối thứ bảy mới thực sự là bữa ăn chính và được chờ đợi nhất trong tuần vì bao giờ cũng có món nem thính mua ở chợ Đổ. Mùi thơm bùi của thính gạo, độ giòn của bì lợn, cảm giác sần sật, ngọt béo của thịt lạc thái hạt lựu trộn đều được gói lại kèm vị chát của lá sắn, lá sung, giữa mùi thơm hăng của mùi tàu, rau húng chó, lại thêm rau diếp, rau muống chẻ... tất cả được cuộn tròn trong mảnh đa nem dai dai rồi chấm vào bát nước mắm chua dấm dứt, ngọt đến tận đáy họng và ngái nồng của tỏi. Và đang cay xè lưỡi vì những miếng ớt giã nhỏ ở đáy bát mà có hớp chè tươi mẹ ủ thì đúng là đời con lên tiên thật.
Một buổi chiều, nằm trong căn phòng lộn xộn như tranh lập thể, tìm ra được một cuốn xưa cũ của Hermann Hesse , cuốn Tuổi trẻ thần tiên. Một truyện ký gần trăm trang kể về một lần thăm nhà sau thời gian ngông cuồng phiêu bạt của chàng thanh niên trẻ. Cẩn trọng lật từng trang sách sẫm màu với khoái cảm đau ngọt. Muốn trở về nhà, ngồi trong mâm cơm cùng bà và bố mẹ. Nếu may mắn có cả thêm các bác, các dì và mấy đứa anh chị em họ nữa. Và chắc chắn, mình sẽ không ăn vội vàng, ăn cuống cuống, ăn lấy lệ.
"Cha mỉm cười nhìn tôi gật gù.
- Con nói đúng. Nơi đây đẹp vì nó là quê hương yêu dấu của các con.
- Quê hương của cha có thơ mộng hơn hả cha?
- Không đẹp lắm nhưng có điều thủa thơ ấu của người ta bắt nguồn từ nơi nào thì nơi đó, họ phải thực công nhận rằng mọi vật hiện hữu đều thơ mộng và thiêng liêng vô cùng. Bởi thế, không một sinh vật biết nói, biết cười, biết xúc cảm trên thế giới này lại có thể dửng dưng đến độ không thấy lòng mình dâng lên một nỗi niềm xúc động, bâng khuâng mỗi khi phải rời xa quê nhà và hẳn là con không thể nào không nuối tiếc nó phải không con?
- Vâng, thưa cha. Thỉnh thoảng con cũng thấy nhớ quê hương mình lắm".
(Tuổi trẻ thần tiên – Hermann Hesse).
Vài nét về blogger:
Cao 1 mét 72 nặng 50 cân mốt. Soi gương đếm đủ xương sườn. Co mình đầu gối quá tai. Nhấm nháp móng tay để nuôi lớn hình hài ủ đột - Cậu ấm thơ ngây.
Bài đã đăng: Em cô đơn rồ dại của tôi ơi!; Ấm, trà; Trước khi đi ngủ, Trẻ con lắm, trẻ con không chịu nổi, Lá thư cũ gửi cô giáo cũ,Quick, Snow và tôi, Tôi không thể.