Trời mới nhá nhem tối, các gia đình thôn Lập Thành (xã Đông Xuân) đã lên đèn. Đèn đây không phải bóng đèn cao áp sáng trưng như đường phố Hà Nội mà là đèn dầu.
Cách đường nhựa sáng trưng chưa đầy 3km là con đường dẫn vào thôn Lập Thành quanh năm chìm trong đốm sáng lập lòe của ánh nến, ánh đèn dầu. Thỉng thoảng, ánh sáng hiếm hoi và mau lẹ từ ô tô, xe máy qua đường khiến các ngôi nhà ven đường sáng lên một chút.
Ăn cơm dưới ánh sáng của chiếc đèn sạc. |
Gia đình bà Chuyền sống gần con đường xương sống dẫn lên 3 xã Tiến Xuân, Yên Bình và Yên Trung. Sáu người con của bà Chuyền đều lập gia đình đã ra ở riêng và nhà nào cũng thắp đèn dầu. Khoảng 7h tối, bà lại bế đứa cháu ra các nhà ven đường ké tí ánh sáng để ăn cơm. "Tối đến là chúng tôi lại thắp đèn dầu, thắp nến. Điện yếu lắm, không xem được thời sự đâu, nhà thì chẳng có tiền mua máy phát.", bà Chuyền tâm sự.
Không riêng gì gia đình bà Chuyền, gia đình nào ở thôn Lập Thành cũng sắm cho mình vài ba chiếc đèn dầu. Chỉ có hàng quán dùng máy phát điện và những gia đình khá giả mua được ổn áp hoặc đèn sạc, còn lại đa số người dân nghèo không có điện thắp sáng.
Ngày nào cũng vậy cứ 6h tối, bà Chuyền lại mang chiếc đèn kỳ cũ kỹ ra lau và cho thêm dầu vào để thắp sáng. Trên tường nhà, ánh sáng yếu ớt của bóng điện 60W không đủ chiếu sáng một góc nhà, bà lại lục đục châm đèn cho bớt muỗi.
Anh Đinh Công Vũ, trưởng ban văn hóa xã Đông Xuân hóm hỉnh: "Mình là người dân vùng sản xuất điện, sau này là người Thủ đô rồi đấy mà lại không có điện sáng. Bất tiện lắm".
Chỉ đến giờ ăn cơm, chị Sen mới mang chiếc đèn sạc của mình ra chiếu sáng. Mọi thiết bị trong nhà chị từ tivi, tủ lạnh đều đủ cả nhưng mua xong để đấy vì điện yếu quá không dùng được. Tivi luôn ở chế độ bật sẵn, khi nào thấy đèn đỏ báo tức là có thể xem. Gia đình chị đã quen với cảnh đang xem chương trình thời sự, cả đèn tuýp lẫn tivi đều tự động vụt tắt, lóe sáng rồi tắt hẳn.
Ông Nguyễn Văn Hoan, công an viên thôn cho biết: "Đường dây điện ở đây đã lâu năm quá rồi, không còn đủ chất lượng để truyền tải điện nữa. Nhà nào gần trạm biến thế điện mới mạnh, còn lại thì chịu cảnh tối tăm thôi".
"Sắp tới, người dân chúng tôi chính thức nhập khẩu về Hà Nội mà điện đóm thế này thì tôi lo lắm. Gì chứ điện là phải có trước tiên cho người dân. Có điện người dân mới có cơ hội tiếp nhận thông tin thời sự được chứ", ông Hoan băn khoăn.
Theo ông Hoan, đường dây điện của thôn đều do Hợp tác xã bán tài sản chung cộng với mỗi hộ gia đình đóng góp 500 nghìn để nâng cấp. 3 xã còn lại đều chịu chung tình cảnh như xã Đông Xuân. Điện yếu khiến sinh hoạt của người dân nơi đây đã khó, việc học hành của con gái họ còn khó khăn hơn.
Học sinh trường tiểu học Tiến Xuân A tan học về. |
Một người dân thật thà nói: "Không có điện, trẻ lười học lắm. Mai này thành người Hà Nội rồi thì sao mà theo được với người ta".
Giáo viên 4 xã đều có chung nỗi trăn trở về sự chênh lệch trình độ giữa học sinh miền núi và học sinh Hà Nội. "Học lực của đa số học sinh nơi đây kém. Vẫn biết chương trình không thay đổi nhưng khi sáp nhập rồi thì đề thi được áp dụng công bằng với tất cả các học sinh, như vậy sẽ không phù hợp với trình độ của các em học sinh 4 xã chúng tôi".
Mỗi lần lên lớp, các giáo viên lại nghe học trò mình than vãn: "Cô ơi, chúng em học dốt thế này làm sao về Hà Nội được. Chúng em lo lắm". Động viên học trò mình cố gắng nhưng chính bản thân các thầy cô giáo cũng chưa biết sẽ ra sao.
Người dân 4 xã nơi đây chiếm 70% là người dân tộc Mường. Ai cũng phấn khởi khi biết tin mình sắp về với Hà Nội. Trong nhận thức của những người già thì "làm" Hà Nội tức là họ sẽ được đi thăm lăng, nhà sàn Bác Hồ, thế là mừng rồi.
Minh Phương