Các cầu thủ Iraq tập luyện. |
Ông Najeh Hraib nói tiếp: "Hoặc là anh em, cha mẹ, hoặc người thân và bạn bè họ đã ngã xuống vì bom đạn. Nhưng bạn thấy đấy, bom đạn đã không giết chết được khát vọng chơi bóng của các cầu thủ. Họ vẫn luyện tập hăng say, chiến đấu hết mình vì niềm đam mê quả bóng".
Chủ tịch IFA Hussain Saaid cho biết thêm gần như ngày nào cũng nhận được hung tin có một cầu thủ bóng đá Iraq hoặc một người liên quan đến thể thao ngã xuống. Ông tâm sự: "Bom đạn có thể trút xuống bất cứ lúc nào, nhưng họ vẫn thi đấu trong những tiếng vỗ tay tán thưởng của khán giả". Ngôi sao số 10 của đội Iraq Younis Mahmoud đưa tay lên ngực và nói: "Chúng tôi chơi bóng bằng trái tim".
Ông Najeh Hraib tự cho mình là người may mắn nhất ở IFA: "Đến lúc này chưa có ai trong gia đình tôi ngã xuống vì chiến tranh". Nhưng cá nhân ông cũng từng trải qua nỗi đau chiến tranh khi hay tin người bạn thân nhất là ông Hudaib - chủ tịch đội bóng danh tiếng Iraq Talaba và là thành viên của IFA - bị bắn chết và thi thể bị quẳng ra đường. "Hudaib là người làm bóng đá được nhiều thành viên của IFA kính trọng. Ông ấy chẳng có tội tình gì. Vậy mà..." - ông Najeh Hraib tâm sự.
Chiến tranh đã đẩy bóng đá Iraq vào cảnh kiệt quệ với hầu hết cơ sở hạ tầng như sân vận động, sân tập... bị tàn phá nặng nề. LĐBĐ thế giới (FIFA) và LĐBĐ châu Á (AFC) rất chia sẻ và tìm mọi cách giúp đỡ bóng đá Iraq vượt qua khó khăn. Trong đó họ đã sử dụng một khoản ngân sách không nhỏ của dự án Goal để giúp tái thiết bóng đá Iraq. Ông Najeh Hraib cho biết: "Mỗi năm chúng tôi nhận được khoảng 300.000 USD - số tiền quá nhỏ so với nhu cầu thực tế. Vì vậy, chúng tôi chỉ còn cách gồng lưng vượt qua khó khăn".
Chiến tranh khốc liệt, sự sống mong manh, nhưng bóng đá vẫn trường tồn ở Iraq. Đó không chỉ do người dân Iraq có niềm đam mê mãnh liệt với quả bóng mà còn bởi bóng đá hứa hẹn giúp các cầu thủ Iraq đổi đời.
Một cầu thủ Iraq được xem là ngôi sao mỗi năm có thể kiếm 15.000-20.000 USD nếu chơi cho CLB trong nước. Nhưng nếu ra nước ngoài thi đấu, đặc biệt là ở những quốc gia như Qatar hay Ảrập Xêút, họ có thể mang về cả triệu USD/năm.
Đây là một con số khổng lồ so với 100-200 USD mà người dân Iraq cần để sống hàng tháng. Điều này lý giải tại sao trong đội hình tuyển Iraq dự ASIAN Cup có đến 13/23 cầu thủ ra nước ngoài chơi bóng. Và từ đây, hầu hết trẻ em Iraq đều nuôi dưỡng giấc mơ trở thành siêu sao.
Ông Najeh Hraib mô tả thành tích lần thứ tư liên tiếp có mặt tại tứ kết ASIAN Cup của bóng đá Iraq là kỳ tích. Ông nói: "Sống dưới làn đạn nhưng bóng đá Iraq đã chứng minh sự mạnh mẽ đến thế. Mai này khi chiến tranh kết thúc, nền bóng đá chúng tôi còn hứa hẹn bay xa hơn...".
Ở vòng tứ kết (ngày 21/7), Việt Nam gặp Iraq tại Bangkok (20h20'); còn Nhật Bản đấu với Australia ở Mỹ Đình (17h20').
(Theo Tuổi Trẻ)