![]() |
Ông Nghị đang kiểm tra cho bệnh nhân |
Thậm chí, rất nhiều trường hợp nằm liệt giường được ông chữa trị đã có thể đứng dậy, thậm chí đi cày được.
“Chú ni mần răng mà để cho trẹo cả sống lưng ri?”. “Dạ! tui phụ hồ, không may trượt chân. Đau quá”. “Đau à? Chịu khó tí nha”. Hai bàn tay lương y ấn mạnh lên lưng anh phụ hồ một cái. “Được rồi!”. Bệnh nhân bước ra khỏi giường như thể anh ta chưa hề bị sao. Những bệnh nhân khác và đoàn thợ xây làng bên đã vất vả cáng anh ta sang đây đều trố mắt ra ngạc nhiên thán phục.
Ông là Nguyễn Sỹ Nghị, ở Nga Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh. Ông Nghị có dáng người nhỏ nhắn, tóc hớt cao, ăn mặc dân dã, đón tiếp bệnh nhân rất ân cần. Ông khiêm nhường khi nói về chuyện nghề: “Có chi mô anh, người ta chữa được bệnh nan y mới đáng nói chứ tui chỉ làm cho xương người ta cái mô về đúng vị trí của nó; hoặc ai gãy tay gãy chân thì làm cho nó nhanh khỏi hơn thôi, chứ có gì đặc biệt lắm mô”, ông nhỏ nhẹ.
Đến bây giờ, chính ông cũng chẳng nhớ nổi mình đã cứu cho bao nhiêu người thoát khỏi cảnh ngồi xe lăn nữa. Có ngày, ông Nghị phải làm việc từ sáng đến tận khuya do đông bệnh nhân quá.
Giờ nghỉ trưa, tôi đang hỏi chuyện ông thì có tiếng người nhà gọi: “Ông ơi, có người tai nạn xe máy, bị trật đầu gối, ở bên Quảng Bình sang. Ông ra xem xem thế nào giúp người ta”.
Bệnh nhân tên Hiệp ở Đông Hà bị quệt xe, bánh chè bị trật ra khỏi đầu gối. Nhìn qua, ông lên tiếng: “May cho anh là không chảy máu trong. Chịu khó tí nha”. Đôi bàn tay ông ấn ấn cái đầu gối của anh Hiệp. Giật mạnh một cái, ông dặn người đàn ông vừa nằm nhăn nhó trên gường vì đau: “Vào rồi đấy, bây giờ đi lại được rồi, nhưng còn đau. Anh nằm đó một lúc rồi chiều hãy về”. Có vẻ như mọi thứ đều diễn ra như lời ông nói. Một lát sau, anh Hiệp nhoẻn miệng cười: “Ông bảo rằng chịu khó chịu đau tí nha, tui chưa kịp chuẩn bị đã xong rồi. À, tài thật”.
Bàn tay ông to bè, bề ngoài không có gì lấy làm đặc biệt, ấy thế mà “sờ vào xương người bị nạn là tui biết bị gì ngay, và tui có thể đặt vị trí các xương về đúng nơi quy định nếu tình cờ nó bị trệch đi khi bị va đập”, ông vừa nói vừa mang ra một xấp giấy khen, bằng khen của Hội Chữ thập đỏ huyện, rồi tỉnh, rồi Trung ương tặng. Năm 2000, ông vinh dự được tặng Huân chương lao động hạng Ba của nhà nước trao tặng bởi nhiều năm có thành tích xuất sắc trong hoạt động nhân đạo.
Tất cả những ca tai nạn do Hội Chữ thập đỏ giới thiệu đến và những bệnh nhân nghèo đều được ông chữa miễn phí. Không thể thống kê được từ lúc bước vào nghề ông chữa khỏi cho bao nhiêu người. Người làng thì bảo phải đến hàng chục nghìn người. Ngay trong xã Nga Lộc nơi ông ở, hầu như ai ai cũng từng có vấn đề về xương và đều được ông chữa khỏi. Rất nhiều người thấy ông Nghị có đôi bàn tay kỳ diệu đã kéo đến học hỏi, nhưng hầu hết đều không làm được đành bó tay ra về.
Bây giờ, ở cái tuổi 61, ngày hai bữa ông vẫn nắn xương bốc thuốc cho mọi người. Hàng ngày, người ra người vào nhà đông nghịt. ông bảo: “Nhà tôi khi nào cũng có người, nửa đêm họ đập cửa là chuyện thường”. Nhà ông rộng lắm, trong nhà ngoài ngõ sân phơi ngập toàn lá khô. Lá ở đây được phơi để dùng làm thuốc. Ông tiết lộ: “Đó toàn là những thứ lá lẩu mọc cạnh bờ, cạnh bụi nhưng mà là thuốc quý đấy”.
Thỉnh thoảng lại có người đẩy mấy bao tải to toàn lá khô vào nhập cho ông. “Cả nhà tui bứt lá về phơi khô nhập cho ông Nghị mấy chục năm ni rồi đó. Cũng may có ông thu mua lá về làm thuốc mà chúng tôi có thêm thu nhập. Cả cái làng này bán lá cho ông, chứ không riêng gì mấy mệ con tui mô. Muốn biết người đến lấy thuốc nhiều đến mức mô thì chú nhìn cái kho đựng lá nhà ông Nghị thì biết tương đương căn nhà 3 gian đó. Đầy phập phè rứa nhưng ít hôm là hết liền”, Một chị chuyên nhập lá cho ông kể.
Các trường hợp phải uống thuốc lá của ông là bị gãy xương. Ông tự tin: “Trừ trường hợp gãy xương chảy máu trong thì phải đến bệnh viện, còn xương bị gãy không chảy máu thì dùng thuốc của nhà tôi mấy hôm là hết đau nhức, vài tuần sau là lành xương ngay. Kể cả bệnh thoái hóa sống lưng. Thuốc lá nhà tui trị bệnh sống lưng hiệu nghiệm lắm”.
Tôi tìm đến nhà anh Hồng, xóm 2 Thanh Lộc, xã Nga Lộc để xác minh. Anh Hồng ngày xưa là một thương binh loại 1. Rời chiến trường, anh trở về với vết thương ở sống lưng. Bom đạn trong thời chiến đã cướp đi khả năng đi lại, lao động của anh. thậm chí, anh còn không thể có con.
Mấy chục năm trời đi xe lăn, vợ anh đã phải tần tảo nuôi chồng. Những tưởng cuộc đời đã đóng lại với với anh. Khi nghe tiếng ông Nghị có bài thuốc lá chữa bệnh xương, chị đã đưa anh đến nhà vị thầy lang này với hy vọng anh có thể thoát khỏi cảnh ngồi xe lăn. Sau khi uống xong vài chục thang thuốc của ông thì giờ đây anh Hồng đã có thể cày, cấy giúp vợ.
Ngày trước tuyệt vọng khi muốn có một đứa con thì nay niềm mong ước đó đã trở thành hiện thực. “Không ngờ chỉ có mấy thứ lá mọc quanh bờ thế mà giúp tôi từ bại liệt nằm liệt gường liệt chiếu giờ đây có thể đi đứng làm việc bình thường. Chính tôi đây lắm lúc không tin nổi, chỉ sắc thuốc uống đều đặn không phải đụng dao kéo gì vào người cả”, anh Hồng nói.
Ông Nghị nói với tôi rằng trường hợp như anh Hồng thì nhiều lắm, không nhớ nổi. Ông gắn bó với cái nghề nắn xương buộc thuốc lá này đã tròn 43 năm rồi. “Nhớ lại cái thời trước, chỉ là anh y sĩ trong trạm xá của xã, cái bài thuốc chữa xương chỉ để giúp miễn phí những người không may bị gãy tay gãy, chân và cũng chỉ để giữ lấy cái nghề gia truyền ông cha để lại. Gia đình tui làm nghề thuốc về xương tận cái thời Hậu Lê đấy”, ông Nghị kể.
Anh Quân ở Quỳnh Lưu, Nghệ An, làm thợ mộc, bị gỗ đè giập cả một cánh tay, bệnh viện thông báo chỉ còn cách tháo khớp bàn tay. “Tháo khớp tay thì coi như mất tay, mất luôn cả nghề.
Có bệnh thì vái tứ phương. Đến ông Nghị, sau khi cầm máu, kiên trì uống thuốc của ông, bây giờ anh nhìn xem, mọi thứ lại bình thường rồi. May mắn là trước lúc chuẩn bị tháo khớp có người mách tôi biết ông Nghị chữa khỏi mà không cần tháo khớp. Đúng là may thật", anh Quân nói.
Một thang thuốc lá chữa xương của ông Nghị giá 3.000 đồng, người bị nhẹ làm 5, 6 thang, người bị nặng, vác về hẳn một bì mà cũng chỉ có mấy chục nghìn. Ông Nghị tâm sự: “Giúp người không may tai nạn thôi, chứ tuổi tôi cần gì tiền cho nhiều nữa”. Cũng đúng thật, ông có ba người con làm ăn ở nước ngoài, một ở Ba Lan, hai người ở Nga. Còn lại anh con cả ở lại nối nghiệp bố. Bây giờ, thậm chí lương hưu ông cũng sung công quỹ cho xã.
Tôi mon men hỏi tên những loại lá mà ông dùng làm thuốc, ông cười: “Lá bàng này, lá lốt này, gừng tươi này cùng một số loại lá mà anh không biết đến... chỉ rứa thôi. Mà cũng nhờ mấy cái lá mọc cạnh bờ, cạnh bụi mà tui đã nhận được rất nhiều lời đề nghị hợp tác trong việc nghiên cứu bào chế thuốc tây điều trị xương nhưng chưa có điều kiện làm được”.
(Theo Gia Đình Xã Hội)