Quả là chỉ cần leo qua vài bậc đá là đã lọt thỏm giữa những biển quảng cáo thuốc gia truyền dày đặc và hoa mắt trước những dòng chữ chi chít nào là trị thần kinh tọa, viêm xoang mũi, suy thận, suy gan... công hiệu “thần sầu”.
Lại có nơi coi bói nhưng thay vì đặt tiền quẻ, khách hành hương chỉ cần mua giúp một vài thang "thần dược"... . Dừng chân ở quầy thuốc gia truyền của “thày” Bảy Lúa. “thày” nhiệt tình mời khách nằm võng, uống sâm lạnh miễn phí và cam đoan sẽ không o ép khách phải mua bất cứ thứ gì.
Nói thì vậy chứ khách mà đã ghé thì coi như đã lọt vô mê hồn trận của “thày” Bảy. “thày” khoe mình làm thuốc gia truyền từ lâu lắm và thuốc được "bào chế" rất linh nghiệm. “Thày” Bảy nói: "Khách hành hương nghỉ chân ở đây khi mua thuốc một lần thì hầu như năm sau phải ghé lại mua tiếp".
“Thày” giới thiệu hai loại thuốc được khách hành hương ưa dùng là thuốc gia truyền trị nám mặt, mụn và thuốc Thiên Lâm Cấm Sơn 1 bịch 50 viên trị nhức mỏi, thấp khớp, đau thần kinh tọa, đau háng, đau dây chằng.
“Thày” Bảy tiếp thị: "Mệt mỏi, nhức đầu, nhức chân uống 1 viên là khỏe lại liền. Bà con đi trên xe khách thấy mấy anh Sơn đông mãi võ giới thiệu thuốc nhức khớp không, họ mua thuốc ở Núi Cấm này bán lại với giá 10.000 đồng/bịch. Còn thuốc gia truyền trị mụn, bà con cô bác nam hay nữ mà nổi nhiều mụn, bị nắng ăn nám mặt uống vài thang mặt lại mịn trắng, mụn nhọt tan hết. Giá rẻ lắm mỗi bịch có 5.000 đồng".
Tiếp tục thượng sơn, từ chân núi lên đến chùa Phật Lớn đoạn đường chỉ độ 5km nhưng đâu đâu cũng bắt gặp bảng hiệu thuốc gia truyền trị các bệnh thuộc “thứ dữ" như: suy nhược thần kinh, huyết trắng, suy thận, tiểu đường, ho ra máu, trị nám, tàn nhang, trị bệnh trĩ, suyễn, khò khè, lao phổi.
Đi tới đâu khách cũng được mời mọc: "Ghé nằm nghỉ chút đi". Nằm võng khát quá, khách kêu vài ly sâm thì bà chủ Hai Vân trề môi: "Mấy thứ đó toàn là pha đường hóa học với màu không à, mấy chú mà bị dụ uống sâm miễn phí, hoặc sâm 1.000 đồng/ly là uống hóa chất không đó, “lạng quạng” có ngày bị "banh" ruột. Từ dưới núi thuê người gánh nước đá lên đây thì ly sâm 1.000 đồng lời được bao nhiêu mà bán. Uống nước suối tốt hơn, 1 chai có 1.000 đồng. Nước Núi Cấm linh lắm đó".
Thấy khách nhiều người than leo núi bị ù tai, nhảy mũi, bà Hai Vân nói: "Ở đây ai cũng có thuốc gia truyền trị các bệnh viêm xoang sổ mũi, thúi tai hay lắm. Trị thử đi, miễn phí không đó, chừng nào thấy hay thì mua về".
Bà Hai Vân nói một lèo các bệnh như nhức sống mũi, hỉ mũi ra mủ hôi tanh, nghẹt thở không thông, bị thối tai, tai có mủ, hay mọc thịt dư trong lỗ mũi dùng thuốc này đảm bảo dứt bệnh toàn phần.
Thấy có người thắc mắc vì sao khách hành hương lại quá dễ xiêu lòng trước những thang thuốc được cho là "thần dược" mà lại bán với giá quá bèo, một người dân địa phương cười ngất. Anh ta giải thích, từ lâu Núi Cấm được xem là nơi huyền bí với nhiều loại cây rừng, thú độc. Thế nên người bán dễ tung hỏa mù khi khoe rằng thuốc được bày bán ở đây là thuốc quý, khổ nhọc kiếm tìm từ núi cao đã "hấp thụ khí linh núi rừng" nên trị dứt các bệnh ngặt nghèo. Với lại họ luôn có một chiêu thề độc: "Núi Cấm này linh lắm, là nơi chư thần chư tiên xuống ngự, thuốc hay thì nói hay, 1 bịch có 5.000 đồng nói dóc chi cho mang tội chết". Vậy là khách hành hương tin sái cổ.
Thuốc gia truyền nào giới thiệu nghe cũng êm tai nhưng tìm hoài trên nhãn khó thấy dòng chữ đề ngày tháng bào chế, liều lượng chỉ định, tên tuổi danh y chỉ được ghi chung chung là thày thuốc Thất Sơn.
Ở một quầy thuốc gia truyền khác, chị Ý, chủ cửa hàng bán cho một bịch thuốc Thiên Lâm Cấm Sơn giá 5.000 đồng (1 bịch 50 viên) và nói thuốc trị nhức hay lắm, đi núi uống một viên là leo núi “phà phà”. Chị nói đây là thuốc do ông thày hay lắm chế, hỏi tên thày chị Ý lắc đầu bảo không biết mà chỉ biết thày ngụ tuốt trên điện Bồ Hong. Còn bị viêm xoang mũi, viêm tai thì quầy gia truyền nào cũng sẵn sàng trị miễn phí như để khẳng định "thương hiệu" thuốc gia truyền. Thế nhưng sau đó con bệnh có mệnh hệ gì hoặc có hết hẳn hay không thì họ “huyền bí” nói còn phải xem lại con bệnh có “duyên" với thuốc hay không.