Theo Korea Times, một trong những nguyên nhân chính gây ra vụ giẫm đạp chết chóc ở Itaewon là do đám đông khổng lồ với khoảng 100.000 người đã tụ tập về đây chơi Halloween và gây mất kiểm soát, xô đẩy nhau trên con dốc chật hẹp.
Khu phố sôi động thuộc quận kinh tế sầm uất nhất thủ đô Seoul trở thành điểm giải trí đa văn hóa nhộn nhịp với loạt quán bar, nhà hàng, phòng trưng bày nghệ thuật và cửa hàng thời trang. Nhưng thảm kịch giẫm đạp xảy ra đêm 29/10 khiến ít nhất 154 người, trong đó có 25 công dân nước ngoài thiệt mạng đã khiến nhiều người Hàn Quốc gắn liền với khu vực Itaewon nhớ tới những bi kịch từng xảy ra trước đó.
Năm 1997, hai thiếu niên người Mỹ gốc Hàn cấu kết và đâm chết một sinh viên đại học Hàn Quốc trong phòng vệ sinh của nhà hàng Burger King ở Itaewon. Các nghi phạm là Arthur Patterson (17 tuổi) và Edward Lee (18 tuổi). Tòa án tối cao Hàn Quốc năm 2017 xác nhận bản án trước đó là 20 năm tù giam với Patterson, kẻ đã đâm nạn nhân và bỏ trốn sang Mỹ trước khi bị dẫn độ về Seoul.
Năm 2020, một chùm ca Covid-19 bắt nguồn từ Itaewon. Vào tháng 5 năm đó, bệnh nhân thứ 66 của đất nước có kết quả dương tính đã ghé đến 5 câu lạc bộ và quán bar trong khu vực. Điều này dẫn đến 15 ca Covid-19 mới. Ba ngày sau, chính quyền thủ đô Seoul cấm tất cả câu lạc bộ trong thành phố hoạt động.
Những năm gần đây, đám đông tụ tập ở Itaewon trở nên rất phổ biến. Không giống một số khu vực yên tĩnh hơn của thủ đô, đường phố Itaewon đón khách đến tận đêm khuya vào hầu hết đêm trong tuần. Halloween là một trong những thời điểm tập trung đông đúc nhất, khiến cảnh sát địa phương và các trạm cứu hỏa luôn trong tình trạng cảnh giác cao độ.
Cùng Gangnam, Hongdae và Jamsil, Itaewon là một trong những điểm đến hấp dẫn về đêm ở Seoul. Nhưng Itaewon còn hấp dẫn hơn những nơi còn lại bởi ở đây có một không gian đa văn hóa, một số người thậm chí còn gọi khu vực này là một "lò luyện văn hóa".
Itaewon trở nên đa văn hóa chủ yếu do vị trí của nó - gần Yongsan Garrison, một căn cứ quân sự hoạt động gần nhất của Lực lượng Mỹ Hàn (USFK) đến năm 2017, khi lực lượng này được chuyển đến Camp Humphreys ở Pyeongtaek, tỉnh Gyeonggi. Thường xuyên có lính Mỹ đóng quân, Itaewon là khu thương mại sử dụng tiếng Anh phổ biến nhất.
Trong tổng số 10 đơn vị đồn trú của USFK ở Hàn Quốc - mỗi nơi đều có khu thương mại và giải trí gần đó - Itaewon phổ biến với không chỉ binh lính Mỹ mà còn cả người dân địa phương và du khách quốc tế. "Tôi không thể nghĩ ra lý do nào khác ngoài vị trí đẹp của khu vực này", Im Ji-won, một quan chức Phòng PR từ văn phòng quận Yongsan, nói. "Nó nằm ngay trung tâm Seoul và có ba ga tàu điện ngầm khắp Itaewon để du khách có thể thuận tiện đến và đi. Nó không giống bất kỳ khu vui chơi giải trí nào gần các địa điểm USFK khác trong nước".
Một lý do khác là số người nước ngoài sống ở quận Yongsan rất cao. Khu vực kinh doanh chính của Itaewon, nằm trong khu Itaewon-dong - nơi có số lượng cư dân nước ngoài cao thứ hai trong quận chỉ sau khu Hannam-dong liền kề. Đây là khu vực có nhiều đại sứ quán và lãnh sự quán. Tính đến năm 2020, hơn 19.000 công dân nước ngoài đang sống ở Quận Yongsan. Trong khi Hannam-dong chủ yếu là khu dân cư thì Itaewon-dong là thương mại, giải trí.
Kim Joo-ho, một quan chức cấp cao của Trung tâm Văn hóa Yongsan, nói: "Không phải là Văn phòng Quận Yongsan hoặc các cơ quan địa phương tổ chức sự kiện đặc biệt xung quanh lễ Halloween để thu hút người nước ngoài đến. Halloween ở Mỹ được người dân địa phương tự nguyện tổ chức. Điều đó cũng tương tự ở Itaewon, nơi những người nước ngoài quen thuộc với ngày lễ này đã chủ động và truyền bá phong tục này. Và vì sự độc đáo của ngày lễ hội như hóa trang, mọi người tự nhiên bị cuốn vào".
Trong giai đoạn sau khi Hàn Quốc giải phóng khỏi sự chiếm đóng của Nhật Bản (1945) và kết thúc nội chiến với Triều Tiên (1950-1953), lính Mỹ đã đóng quân ở Yongsan và các nơi khác trên khắp đất nước. Chính phủ Hàn Quốc đã chấp nhận viện trợ quân sự của Mỹ và ảnh hưởng văn hóa Mỹ đến quốc gia này cũng gia tăng. Yongsan Garrison và Itaewon được mệnh danh là "Nước Mỹ trong lòng Seoul".
Kim Chun-soo, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Yongsan, một tổ chức phi chính phủ, nói rằng lý do lớn nhất giúp Itaewon nổi tiếng lâu dài là ý nghĩa lịch sử sâu xa của nó, bắt nguồn từ thời Vương quốc Joseon (1392- 1910). Nằm cách Cổng Sungnyemun vài km về phía nam - một trong bốn cổng lớn từng bảo vệ các cung điện hoàng gia ở trung tâm Seoul từ bốn hướng khác nhau, Itaewon đã kết nối đám đông du khách, thương gia, quan chức chính phủ và sứ thần nước ngoài từ Sungnyemun đến.
"Với lượng người bùng nổ, khu vực Itaewon ngày càng trở nên giống một cộng đồng nơi mọi người sinh sống, ăn, uống và giao lưu văn hóa", ông Kim nói. "Sau Chiến tranh Nga - Nhật năm 1904, khi Nhật Bản giành được quyền kiểm soát Bán đảo Triều Tiên, quân đội đã chiếm một phần khu vực Itaewon để đóng quân. Sau Thế chiến thứ hai và Chiến tranh Triều Tiên, các binh sĩ Mỹ đã thay thế sự hiện diện của người Nhật. Sau đó, những người lính Mỹ và thương nhân Hàn Quốc đã trao đổi văn hóa. Phong tục đó vẫn tiếp tục cho đến bây giờ".
Theo ông Kim, truyền thống lâu đời của Itaewon tại Hàn Quốc không nhất thiết phải bị lu mờ bởi hình ảnh hiện tại của nó như một khu thương mại, giải trí mở và miễn phí. Bugundang, một ngôi đền cổ nằm trên một ngọn đồi phía bắc con đường chính của Itaewon, được xây dựng năm 1619 để thờ một vị thần được cho là bảo vệ khu phố khi đó, phản ánh truyền thống lâu đời của khu vực này.
"Là một nhà sử học, tôi kỳ vọng tác động từ thảm họa mới nhất tại Itaewon sẽ bằng cách nào đó buộc các đặc điểm truyền thống lâu đời của khu vực này phải thay đổi lần nữa", ông Kim nói.
Sơn Nam (Theo Korea Times)