![]() |
3.000 -5.000 đồng/suất cơm bình dân có đủ dinh dưỡng cho những SV đang tuổi ăn tuổi lớn? |
Ngày ăn của một SV trường ĐH Thủy lợi Hà Nội được lấy một cách ngẫu nhiên và làm đề bài gửi đến Viện Dinh dưỡng Việt Nam: Bữa sáng: 1 gói xôi đậu xanh nhỏ. Bữa trưa: 3 bát cơm nhỏ + 3 lát thịt mỏng + 4 miếng đậu phụ + 1 bát rau nhỏ. Bữa tối: 2 bát cơm + 1 con cá loại nhỏ + 1 ít rau cải xào + 1 bát canh rau muống luộc. Bữa phụ: 1 hộp sữa chua + 1 quả chuối.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Lâm, phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng, đã đưa ra những đáp án bất ngờ: Năng lượng 1 ngày của SV có ngày ăn kể trên đạt 1456.2 Kcal, nghĩa là 66,2% với nữ giới, 63,3% với nam giới so với nhu cầu năng lượng của một người từ 18 tuổi trở lên. Mức dinh dưỡng này chỉ bằng với các hộ nghèo ở nông thôn, những vùng kinh tế khó khăn, vùng sâu, miền núi.
![]() |
KTX nam chuyên bán "chân giò" và "cháo sườn"! |
Ngày ăn được lấy ngẫu nhiên kể trên qua việc khảo sát được đa số SV cho rằng: quá tươm tất. Vũ Phương Dung (ĐH KHXH &NV HN) cho rằng: Với những SV không có biện pháp cân đối chi tiêu thì những ngày cuối tháng sẽ triền miên trong điệp khúc mì tôm. Có những bạn nam chỉ mua cơm và canh về phòng trộn đều lên ăn. Và nếu bài toán về năng lượng tối thiểu được tính với các bữa ăn này thì mức độ thiếu dinh dưỡng của SV còn trầm trọng hơn nhiều.
Việc xuất hiện bữa phụ trong bài toán kể trên (với hộp sữa chua và quả chuối) không là khẩu phần thường có với những SV không biết (hoặc không thể) chăm lo đến vấn đề dinh dưỡng. Các nữ sinh vẫn chỉ xếp món sữa chua vào thói quen ăn vặt của con gái chứ không hình dung được những lợi ích của nó. Nhất là khi từ tháng 11, một số sản phẩm sữa chua và sữa uống sẽ chứa men LGG - loại men làm cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột, nâng cao sức đề kháng...
Cứ đến giờ bóng chuyền, bóng rổ, thể dục nhịp điệu trên sân tập của trường ĐH KHXH& NH, ĐH Ngoại ngữ HN... sẽ có đến vài “nương nương” chóng mặt, quay quay và vài giây sau là tiếp đất. Các phòng y tế của trường đôi khi có đồ ăn, nước đường, hay sữa để hồi phục cho các SV không may bị ngất trên giảng đường.
Dù rằng đời sống khá giả hơn, nhưng với những SV vùng nông thôn, SV không có kế hoạch chi tiêu thì cơn lốc leo thang của giá cả càng đẩy những ngày mì tôm thành điệp khúc dài hơi.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Lâm cho Sinh Viên Việt Nam biết, việc ăn uống thiếu nhiều chất dinh dưỡng sẽ khiến cho thể lực của SV yếu đi và thiếu sức đề kháng, không đáp ứng được các yêu cầu học tập và rèn luyện trong ngày.
Vấn đề thể lực kém của thanh niên VN từ lâu đã thành nỗi bức xúc và ít nhất đã được cụ thể hoá bằng dự án của Viện Khoa học Thể dục Thể thao. 600 tỷ đồng đã được đề xuất để phát triển thể lực người Việt.
Ông Dương Nghiệp Chí đã chỉ ra rằng: chiều cao của thanh niên Việt thua kém rất nhiều nước trong khu vực. Chiều cao của thanh niên Việt Nam 18 tuổi kém Nhật Bản 8 cm, đối với nam (VN 163,4 cm, Nhật Bản 172 cm) và 4 cm đối với nữ (VN 152,7 cm, Nhật Bản 157 cm). Trong các hoạt động giao lưu với nhiều nước, thanh niên Việt thường ít tham gia được đến cùng, đặc biệt là những trò vận động đòi hỏi thể lực tốt.
Một trong những biện pháp mà dự án nhiều tỷ này đưa ra là cải thiện chế độ dinh dưỡng từ khi các thanh niên tương lai còn là trẻ em cấp 1. Nhưng trước mắt những bảng biểu về yêu cầu calo tối thiểu hay dự án bổ sung dinh dưỡng cho thanh niên Việt vẫn đang trở thành “con số đọc cho vui” khi mì tôm cuối tháng vẫn cứ là liên khúc của sinh viên.