"Tôi sẽ làm việc chăm chỉ hơn và hoàn thành nghĩa vụ của mình với tư cách một doanh nhân. Tôi sẽ đóng góp cho nền kinh tế thông qua việc đầu tư liên tục và tạo việc làm cho những người trẻ tuổi, đồng thời đền đáp sự kỳ vọng của người dân và sự quan tâm của chính phủ", phó chủ tịch Samsung Electronics - Lee Jae-yong - nói sau khi được ân xá.
Phó chủ tịch Samsung Electronics, người được mệnh danh "Thái tử Samsung", bị kết án 5 năm tù vì tội tham ô và hối lộ liên quan đến cựu Tổng thống Park Geun-hye vào tháng 8/2017. Lee tự do sau chưa đầy một năm sau khi một tòa phúc thẩm đưa ra một số cáo buộc và đình chỉ vụ án năm 2018. Tuy nhiên, Lee bị đưa trở lại nhà tù vào tháng 1/2021 sau khi bị kết án hai năm rưỡi trong vụ án hối lộ trên. Ông được tạm tha và ra tù vào dịp ân xá nhân ngày Quốc khánh năm ngoái.
Lee Jae-yong là một trong gần 1.700 người được Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol ân xá hôm 12/8 nhân ngày Quốc khánh 15/8. Lệnh ân xá này của Tổng thống Yoon giúp chấm dứt lệnh cấm kéo dài 5 năm đối với quyền quản lý của Lee tại Samsung. Theo luật pháp Hàn Quốc, nếu một người bị kết tội tham ô hoặc vi phạm tín nhiệm trị giá hơn 500 triệu won (384.101 USD), người đó không thể làm việc cho một công ty liên quan đến tội danh này trong 5 năm sau khi án tù kết thúc. Việc ân xá sẽ dỡ bỏ các hạn chế quyền quản lý của Lee đối với Samsung - tập đoàn tư nhân lớn nhất Hàn Quốc.
Samsung đã trì hoãn các quyết định đầu tư quan trọng khi Lee thụ án tù. Vài tuần sau khi Lee được trả tự do và trở lại quản lý tập đoàn vào tháng 8 năm ngoái, Samsung đã công bố cam kết đầu tư trị giá 240 nghìn tỷ won (184,4 tỷ USD) trong thời hạn 3 năm. Hồi tháng 5, Samsung cho biết họ sẽ rót hơn 350 tỷ USD vào các công ty con và tạo ra hàng chục nghìn việc làm mới trong 5 năm tới, phần lớn ở Hàn Quốc.
Tuy nhiên, những rắc rối pháp lý của người thừa kế Samsung có thể vẫn chưa kết thúc. Sắp tới, Lee phải đối mặt một phiên tòa về vụ sáp nhập gây tranh cãi năm 2015. 11 giám đốc điều hành của Samsung, bao gồm cả Lee, bị truy tố vào năm 2020 với các tội danh bao gồm: giao dịch bất hợp pháp, thao túng cổ phiếu và khai man. Vụ án này đang chờ xét xử.
Lee điều hành Samsung từ năm 2014, sau khi cha - chủ tịch Samsung Lee Kun-hee - rơi vào hôn mê sau một cơn đau tim. Chủ tịch Samsung qua đời năm 2020 nhưng Lee chưa thể ngồi vào ghế chủ tịch do những rắc rối pháp lý liên quan. Lee hiện là lãnh đạo quan trọng bậc nhất tại Samsung, doanh nghiệp kinh doanh trên nhiều lĩnh vực, trong đó họ dẫn đầu bộ phận chip điện tử, điện thoại thông minh, chất bán dẫn và TV trên toàn cầu.
Sơn Nam (Theo CNN, Korea herald)