Chương trình 'Tết Việt tại Nhật' được tổ chức ở thành phố Isehara, tỉnh Kanagawa, Nhật Bản mang không khí mùa xuân quê hương đến với đất nước mặt trời mọc. Sự kiện diễn ra lần thứ hai kể từ khi tổ chức hoạt động, quy tụ khoảng 150 người trong đó có đại diện Ủy ban Giao lưu Quốc tế thành phố Isehara và những người Nhật bản địa tham dự. Chi phí tổ chức sự kiện khoảng 250.000 yên (53 triệu đồng), được đóng góp bởi các thành viên trong cộng đồng. Trước đó nhiều ngày, các thành viên trong ban điều hành thực hiện các cuộc họp trực tuyến để lên kế hoạch chương trình. Hầu hết họ đều có công việc bận rộn, phải tranh thủ thời gian cho sự kiện. Nhiều tiết mục văn nghệ mang màu sắc quê hương như múa lân, hát, nhảy, trình diễn thời trang dân tộc... được dàn dựng và tập luyện trong thời gian ngắn. Những người tham dự ấn tượng với phần múa 'Trống cơm' của các em nhỏ Việt sống tại Nhật. Màn giả gái thi hoa hậu cũng nhận được sự ủng hộ nhiệt tình. Nét văn hóa Việt được tái hiện đơn giản trong khán phòng nhỏ tại thành phố Isehara. Tiệc đoàn viên có đủ các món ăn Tết truyền thống như bánh chưng, củ kiệu, thịt gà, giò lụa, giò thủ... được chế biển bởi những người Việt xa xứ. Anh Tô Thiên Mệnh, người Việt làm việc tại Nhật, chia sẻ: 'Tiết mục ẩm thực được chờ đợi nhất và không khiến mọi người thất vọng. Món nào cũng ngon, tròn vị khiến chúng tôi có cảm giác mình đang được đón Giao thừa cùng gia đình tại Việt Nam'. Vị sư trụ trì của một ngôi chùa trong thành phố có mặt để sắm vai ông đồ. Các cháu bé xúng xính trong trang phục truyền thống, khoe chữ được 'ông đồ' tặng. Các bà mẹ Việt thích thú đưa con tới tham dự chương trình. Đây là cơ hội giúp bé hiểu thêm về nét đẹp đẹp nguồn cội. Chị Phạm Sen, nàng dâu Việt tại Zama (vùng lân cận Isehara) có con nhỏ nên không thể về quê đón Tết. Chị cùng con gái lớn có mặt rất sớm để tham dự chương trình. Anh Trần Xuân Ngợi, thành viên ban tổ chức chương trình chia sẻ khó khăn lớn nhất trong quá trình thực hiện là khâu chuẩn bị, nguyên liệu gói bánh chưng, chế biến các món ăn truyền thống phải đặt mua và gửi sang từ Việt Nam; trang phục, vật dụng trang trí cũng không dễ thuê hoặc mượn. Chị Phùng Thị Quyền, một người Việt sống lâu năm tại Nhật cho biết: Tiệc đoàn viên khiến chị xúc động và phần nào giúp đứa con xa xứ là chị nguôi ngoai nỗi nhớ quê hương. Ảnh: Lệ Thủy