Trẻ trung, xinh đẹp, phạm nhân Trần Thu Trang được đặt biệt danh là hot girl của trại giam số 5. Ba năm trước, so với đám bạn cùng trang lứa ở một xã nghèo của huyện Phúc Thọ, Hà Nội, nhan sắc của Trang nổi bật. Nước da trắng, răng đều tăm tắp, gương mặt sáng, Trang trở thành tâm điểm khiến nhiều người chú ý. Mới học lớp 9, Trang có nhiều người tới tán tỉnh. Trang bảo chưa thích ai cả vì muốn “ẵm chiếc điện thoại di động mà mẹ hứa sẽ thưởng cho nếu thi đỗ vào trường chuyên”.
Theo hồ sơ của công an, vì được nhiều người theo đuổi nên Trang và bạn cùng khối là Nguyễn Ngọc Anh xảy ra mâu thuẫn. Giữa hai cô bé tuổi choai choai đã có những trận cãi vã. Sau một lần túm tóc đánh nhau, giữa Trang và Ngọc Anh như có thỏa thuận ngầm là không động chạm đến nhau.
Ngày 25/6/2011, Nguyễn Thị Kim Ngân, chị họ của Ngọc Anh, nhà ở Gia Lâm sang Phúc Thọ chơi. Biết chuyện của em, Ngân rủ đi đánh để dằn mặt nhưng Ngọc Anh chỉ ậm ừ không quyết. Thấy thế, Ngân nhờ một người bán hoa quả dặn khi nào nhìn thấy Trang ra chợ thì nhắn tin cho cô ta.
Không biết mục đích của Ngân nên khi được nhờ, cô gái nọ vui vẻ nhận lời và ngay chiều hôm đó, khi nhận được tin nhắn Ngân đã giục Ngọc Anh dẫn đường tới nhà Trang. Đang ngồi gọt hoa quả ăn và xem tivi, nghe tiếng gọi, Trang đi ra ngõ và bị Ngọc Anh và Ngân đánh, túm tóc. Trang cầm dao chống cự và Ngân thiệt mạng do bị đâm một nhát vào dưới xương đòn trái, vết thương gây thủng phổi làm suy hô hấp và mất máu cấp.
Trang bị kết án 6 năm tù do phạm tội khi đang độ tuổi vị thành niên còn Ngọc Anh bị tuyên phạt 9 tháng tù cho hưởng án treo vì tội Gây rối trật tự công cộng.
“Em vào tù được một tháng thì biết mình thi đỗ vào lớp chọn”, Trang kể. Trang chưa gặp Ngân bao giờ nên cũng chỉ nghe nói là mình đâm chết người còn đâm như thế nào cô không hình dung nổi.
Trang bảo cô không chủ tâm nhưng cuộc đụng độ rất trẻ con ấy đã khiến cô phải trả một giá quá đắt. “Nếu như tối đó em không ra gặp thì giờ này em cũng như các bạn, nộp hồ sơ thi đại học rồi. Ngày xưa em mơ ước được thi vào trường luật lắm”, Trang tâm sự. Khi bị bắt, Trang mới cao hơn 1m5, giờ đã phổng phao cao gần 1m7.
Năm đầu tiên đón Tết ở trại giam, Trang ở cùng buồng với 12 can phạm đều tuổi mới lớn. Ngày thường, chúng chỉ nhìn nhau dè chừng thế mà gần đến Tết bỗng dưng xích lại gần nhau. Người biết dạy kẻ chưa biết, đứa nào cũng thủ sẵn một ít túi nilon, dạy nhau cách gấp nhẫn, gấp vòng tay, con hạc làm quà lì xì và gửi về gia đình. Tối giao thừa, cả buồng 12 đứa trẻ quấn lấy nhau, nước mắt ngắn dài. Khóc chán rồi cả nhóm bảo nhau không ai được khóc, rơi nước mắt sau giao thừa sẽ có một năm xui xẻo. Vậy là gạt nước mắt, gượng cười, gượng vui, cả lũ bảo nhau có gì bày ra hết để làm mâm ngũ quả.
Bánh kẹo, đồ ăn vặt và cả mì tôm của từng người được đem ra, xếp thành đống dưới nền buồng giam, xung quanh là 12 đứa trẻ tội lỗi ngồi xếp thành vòng tròn. Một đứa lớn tuổi nhất trịnh trọng tuyên bố lý do, nói lời chúc tết rồi đến những đứa khác lần lượt nói lời chúc tết. Chúng chúc nhau mạnh khỏe, may mắn và sớm trở về với gia đình rồi tự nhặt những miếng bánh trên mâm mừng tuổi cho nhau.
Trang bảo lần đầu tiên đón một cái tết lạ lẫm và thiếu thốn, nghe những lời chúc của những người xa lạ, cô bé cảm thấy cổ họng nghẹn đắng. Trang nhớ bố mẹ, nhớ những giao thừa quây quần cùng gia đình. Bình thường những kỷ niệm ấy chẳng bao giờ cô nghĩ đến vì nó quá bình thường song khi vào chốn lao tù, sống giữa thế giới lạ và đầy bất trắc, cô mới thấy tiếc và nhớ những điều tưởng như nhỏ nhặt ấy.
“Ở trại tạm giam thì buồn và nhớ nhà nhưng lên trại 5 thì tết cũng vui hơn vì được ra ngoài, tham gia vào các trò chơi thế nhưng vẫn nhớ nhà lắm”, Trang kể. Cả buồng mấy chục con người, Trang ít tuổi nhất nên được cưng chiều nhất. Cô gọi người này là mẹ, gọi người kia là bác, người nào lớn hơn thì gọi là chị, là cô. Đêm giao thừa không ai dám khóc vì đã giao hẹn trước rồi. Ít tuổi nhất nên Trang được nhiều quà nhất dù chỉ là những lời chúc tụng đầu năm. Ai cũng chúc Trang mạnh khỏe, cải tạo tốt để về với bố mẹ rồi ép cô bé phải hát một bài gọi là mừng tuổi mọi người.
Xinh xắn, nhanh nhẹn và cũng có năng khiếu văn nghệ nên từ ngày về trại giam số 5 cải tạo, Trang được tham gia đội văn nghệ của trại.
“Em vừa được giảm án lần đầu, thời gian cải tạo sẽ không còn lâu nữa nên khi về, nếu có điều kiện em sẽ đi học lại”, Trang chia sẻ và khoe thường xuyên lên thư viện đọc sách báo. Nếu có điều kiện cô sẽ thực hiện ước mơ trở thành cử nhân luật như từng ao ước.
Minh Ngọc