Chơi tennis lượng vận động cao, nên nếu như xài giày tất vợt banh không đúng chuẩn thì chỉ cần 3 hôm "mài sân" là "toạc móng heo" cả lượt. Chuyện "đồ lại hại người" như bị giầy bó sưng chân hay tay phồng rộp vì vợt "lởm" là cơm bữa với những loại giày tất vợt banh không đúng quy cách.
Giầy tennis có đế dày và trông đồ sộ hơn giày thể thao thường một chút, giá cũng tuỳ nhãn mác, nhưng 8X phần đông thường cũng chỉ dùng loại có giá 200.000-300.000 đồng, chứ mon men đến "hàng hiệu" Nike, Adidas, Kappa hay Jordan thì khóc thét. Tất chân thể thao "bình dân" 15.000-20.000 đồng, "cày" dăm bảy trận là hư, lại phải thay. Vợt thì hàng tá chủng loại từ thấp tiền đến to tiền, từ hàng Việt Nam đến hàng ngoại nhập, nhưng loại chơi được phải ngót 1 triệu trở lên. Một ống banh 3 quả mua cũng đã tốn 45.000 đồng. Tiền thuê sân một tuần 2 buổi tằn tiện thì một 8X ít cũng phải mất tới 400.000 đồng/tháng nếu đi chung với nhau. Chưa kể tới các phụ kiện đi kèm, đem cộng lại một tháng một người cũng mất khoảng 600.000 đồng.
Chuyện giày tất vợt banh của 8X luôn được mở đầu và kết thúc bằng 2 cái lắc đầu. Cái lắc đầu thứ nhất dành cho giá cả của giày tất vợt banh, còn cái lắc đầu thứ hai dành cho trình độ "phá" của 8X, đánh càng giỏi thì độ "phá"càng ác liệt. Thực tế, đông đảo 8X vẫn thích đi chơi vì nó là chuyện liên quan đến đam mê thể thao, rèn kuyện thể lực chứ không phải là ném tiền qua cửa sổ.
Thực ra dân 8X cũng nhiều người mê tennis chẳng kém gì bóng đá. Một năm 4 Grand Slam thôi cũng khiến một bộ phận dân 8X nhiều đêm mất ngủ. Cúp C1 châu Âu bây giờ chẳng còn là món độc quyền khiến dân 8X thức đêm nữa, khi các giải Grand Slam liên tục được các kênh truyền hình thể thao phát hàng đêm.
Tú Anh, 20 tuổi, nhà ở Hồ Tây (Hà Nội) say tennis tới mức, mặc dù gia đình nàng khá giả nhưng vẫn cố xin được nhặt bóng với tiền công 10.000 đồng/tiếng vào các ca buổi tối ngay tại sân tập. Mục đích chỉ để học những đường trả banh khó và những bài phối hợp mới của các cao thủ đánh tối. "Một công đôi việc, vừa đỡ được tiền sân lúc chiều, hơn nữa trình độ lại khá lên, chịu khó một tẹo cũng không sao".
Bạn trai An thấy thương, cô nàng lại càng thấy sướng. Thế mới có chuyện nhiều người tới sân bán đảo Tây hồ sẽ thấy cảnh nhân viên nhặt bóng ở đây có một chàng trợ lý kiêm oshin đứng cạnh rót nước cho mà uống.
Theo Sinh Viên Việt Nam, đi chơi tennis, 8X rất hay gặp cảnh "đất chật người đông". Lúc này việc chọn partner (người đánh cặp) để đánh đôi ăn ý là một điều hết sức quan trọng. Và từ đây, khá nhiều "trái tim tennis" cùng chung nhịp đập. Sân tennis khu ngoại giao đoàn Vạn Phúc đang là nơi hẹn hò của một đôi yêu nhau chính từ việc ghép cặp đánh bóng. Số là, chàng và nàng thường cùng phụ huynh tới đây tập luyện chung và cả hai chưa bao giờ đứng cùng một chiến tuyến. Bỗng một ngày nọ, chẳng hiểu sao phụ huynh lại đẩy 2 đứa về một bên với lý do "giao lưu thế hệ". Chàng lần đầu tiên đánh cặp với nàng nhưng ngay lập tức bị shock toàn tập bởi sự ăn ý không thể ngờ tới trên sân mà hai đứa tạo ra.
Và cũng chỉ cần lần đầu tiên đó, chàng đã biết nàng là partner lý tưởng không chỉ ở trên sân mà còn ở trong trái tim chàng . Danh từ "partner" trong tiếng Anh lúc này bỗng chốc biến đổi sang nghĩa "partner" thứ hai và mối quan hệ lúc này dần trở nên mật thiết hơn hẳn nghĩa thứ nhất.
"In Court Tennis", cuốn sách được coi là sách giáo khoa tennis trên thế giới, có đoạn: "Hai nhân tố không thể tách rời làm nên một đôi partner tốt là lòng tin và mục đích chung. Đó cũng là những nhân tố làm nên sự vững bền cho bất cứ mối quan hệ nào".
Người dân Anh cũng đã kết luận rằng tennis là một "mồi lửa" của sự phát triển bền lâu và nếu như đoạn trích trên cho dù không nói về tennis đi nữa thì trước sau cũng sẽ có mặt trong một cuốn cẩm nang tuổi yêu nào đó của 8X.
Tennis thực sự đang là một cách để 8X thể hiện sự văn minh của chính mình. Nếu như giao lưu thể thao giới trẻ trước đây chỉ tập trung vào những môn thể thao đại chúng như bóng đá hay cầu lông thì đối với rất nhiều dân 8X tại các thành phố, bây giờ tennis mới là môn thi đấu giao lưu chính thức.
Văn minh tennis 8X trước hết đến chính từ tư tưởng xã hội hoá tennis trong giới trẻ, thể hiện sự nhạy bén của 8X với xu thế mới, không chỉ xem mà còn thử chơi một môn thể thao được cả thế giới ưa chuộng, để không còn cảm thấy mình "tụt hậu" khi ra nước ngoài du học.