So với 15 năm trước, chi phí trang bị chơi tennis đã giảm nhiều. Năm 1990, phải mất 2 chỉ vàng mới mua được một cây vợt Pro Kennex loại thường. Hiện nay, một cây vợt tốt giá từ 1 đến 2 triệu đồng nếu đó là đời mới nhất. Nhưng không hẳn đắt tiền mới là tốt.
Khi chơi tennis, chi phí ban đầu thường được tập trung cho vợt. Không đi sâu vào "công nghệ", người chơi chỉ cần biết cây vợt có "vừa tay" hay không. Một cây vợt đắt tiền không hẳn là vừa tay. Không ít người mua vợt "xịn" rồi phải bán hoặc đổi vì nó không vừa tay.
Vừa tay ở đây được hiểu là hiệu quả mong muốn mà cây vợt mang lại. Các loại vợt sau này được áp dụng công nghệ mới nhằm hỗ trợ một số tính năng thi đấu cho người chơi bình thường như điểm tiếp xúc bóng lớn hơn, tăng lực đánh nhiều hơn, hoá giải xung chấn khi vợt chạm bóng (nhằm giảm chấn thương khuỷu tay)...
Có một nghịch lý mà nhiều người chơi ít lưu ý: vợt càng giúp tăng lực thì độ kiểm soát bóng càng giảm. "Chỉ cần chạm nhẹ vào mặt vợt thì bóng đã bay nhanh như tên bắn thì làm sao điều khiển được", một chuyên gia giải thích.
Đã qua rồi thời mà người chơi "khoe" vợt là "hàng Mỹ" hoặc "hàng xách tay"giá 4-5 triệu đồng một cây, thậm chí 500 USD như cây Head Intelligence có gắn chíp điện tử trong cán vợt.
Ngày nay, phần lớn các nhãn hiệu vợt tên tuổi có mặt trên thị trường đều được gia công sản xuất tại Trung Quốc. Vì vậy, "bán được một cây vợt không phải là chuyện dễ, bởi giá cả hiện nay rất cạnh tranh", một đại lý phân phối vợt chính hãng tại TP HCM giải thích.
Để có được một cây vợt vừa ý, người chơi thường sử dụng qua vài cây vợt khác nhau. Muốn rút ngắn quá trình thử nghiệm tốn kém này thì phải tham khảo người cùng chơi hoặc nhờ đại lý có uy tín tư vấn.
Chuyện giày cũng vậy. Chị Lê, ngụ ở quận 8 so sánh: "Tôi đã thử qua hàng chục đôi giày mới chọn được đôi vừa ý".
Nhiều câu lạc bộ khuyến cáo người chơi không mang giày đế đen vào sân vì sợ cao su lưu hoá làm hư mặt sân, nhất là sau khi có nhiều người chơi cho dán thêm vỏ xe vào đế giày để kéo dài tuổi thọ của giày.
Ngày nay, nhắc nhở như thế cũng thừa! Bởi sắm một đôi giày không phải là quá sức: từ 200.000 đồng đối với một đôi giày gia công không tên tuổi cho đến xấp xỉ trên dưới 1 triệu đồng nếu đó là hàng hiệu của Adidas, Nike...
Có một dạo, nhiều người chơi mua vợt X vì được khuyến mãi đôi giày cùng nhãn hiệu. Nhưng sau khi sử dụng, có người than phiền giày cứng, chạy đau chân. Thật ra, giá đôi giày này cũng chỉ ở mức 300.000 đồng. Nhưng không có nghĩa là một đôi giày đắt tiền sẽ đảm bảo vừa chân.
Mới đây, có người bị đau gót chân khi mang một đôi giày hàng hiệu giá 1.450.000 đồng. Khi trở lại cửa hàng để than phiền, anh ta được biết trường hợp này đã xảy ra với nhiều người. Vì vậy, cửa hàng phải ngưng nhập về model giày này và giảm giá sản phẩm tồn kho xuống 400.000 đồng/đôi.
Bà Trang Thanh, ngụ tại quận Bình Thạnh chơi tennis gần 20 năm. Nhưng từ đầu năm 2005 bà "đột ngột" chuyển sang chạy bộ ở công viên, không đến sân chỉ vì "bất đồng quan điểm".
Bà giải thích với SGTT: "Từ xưa đến nay tụi tui coi đánh banh, tập thể lực, rèn sức khoẻ là chính. Nhưng giờ sân banh sát bên xuất hiện nhóm mấy bà ngoài 40, ra sân là như đi trình diễn thời trang: giày - vớ - nón - áo... toàn hàng hiệu. Chơi banh mồ hôi nhễ nhại, vậy mà lúc nào cũng son đỏ má hồng mắt xanh... Mấy bà bạn tui thấy vậy cũng "đua theo". Tui phản đối không được, bực mình không thèm ra sân nữa".
Dường như trở thành quy luật bất thành văn, những người chơi tennis lâu năm tự hiểu và tự biết với nhau: đến sân banh nào phải theo mốt sân banh đó. Chị Thuỷ Tiên, ngụ ở quận 10, chơi banh được gần 3 năm đã quan sát chi tiết chuyện này. Tập đánh ở sân nhỏ trong hẻm đường Nguyễn Tri Phương, khu vực bình dân, giá một ca trà đá to chỉ 2.000 đồng nên mọi người đến sân tập rất đơn giản: đa số là nhóm bạn 2-3 người hoặc gia đình. Rất ít phụ nữ mặc váy ngắn, đa số sử dụng quần thun dài bó sát hay quần thun ống rộng, áo thun cotton.
Nhưng khi chuyển sang sân Thanh Đa, Tiên phải sắm thêm gần 2 triệu đồng đủ thứ phụ trang: băng đô cài tóc, băng thun cổ tay... Tiên bảo: "Chơi banh phải biết theo thời, đến sân mà bạn bè toàn là những người xài xịn, quần áo banh vợt hàng hiệu, ngay cả thầy dợt cũng "hàng hiệu" thì không thể xuề xoà được".
Thấm thía nỗi niềm có lẽ phải kể đến ông Trần Vân ở đường Ngô Đức Kế. Ông động viên bà đi tập tennis. Đích thân ông chọn sân, chở vợ đến nơi tập, cùng bà đi sắm vợt, mua quần áo, giày... Giờ thì trông bà như trẻ ra đến 10 tuổi với hàng loạt mốt mới mỗi khi ra sân: váy short Hangten, giày Adidas, áo Nike, nón Tommy Hilfiger...
Ông ngậm ngùi: "Tôi cũng chơi banh mà đâu có tốn kém như bả. Nhưng vợ tôi nói phụ nữ phải đẹp, tập thể thao cũng phải làm đẹp thì mình đâu còn gì để nói nữa".