Ấn tượng đầu tiên của tôi về thành phố Brigton & Hove Vương quốc Anh là những tòa nhà cổ kính nằm xen kẽ giữa nhiều thảm cỏ xanh mượt, phía xa từng đàn hải âu bay lượn trên sóng biển.
Thành phố cách thủ đô London khoảng 1 giờ ôtô này không chỉ nổi tiếng với lối kiến trúc đậm chất Anh mà còn được biết đến là nơi “đóng đô” của một trong những trường quốc tế hàng đầu của xứ sở sương mù, mang tên Bellerbys College.
Một giờ thực hành vật lý ở Bellerbys College. |
Bellerbys College vừa chuyển đến một tòa nhà được xây mới hoàn toàn, nằm trên vị trí có thể nhìn thấy những mái nhà như vỏ sò trắng nằm giữa màu xánh của trời và biển.
Tòa nhà hiện đại vào bậc nhất châu Âu này trở thành nơi học tập, sinh hoạt của trên 1.000 học sinh quốc tế đến từ nhiều nước trên thế giới, trong đó có khoảng 50 học sinh đang độ tuổi teen, người Việt Nam. Nhận thẻ và đi vào toà nhà, tôi đã bắt gặp một thế giới học đường mới lạ, mang đậm phong cách giáo dục Anh.
Phòng tấp nập nhất tầng 1 nằm gần cổng ra vào mang tên Student Services (dịch vụ sinh viên). Hầu như bất cứ học sinh nào cũng phải ghé thăm căn phòng này bởi ở đấy có thể giải quyết nhiều vấn đề mà họ gặp phải trong quá trình học tập và sinh hoạt đối với nhiều học sinh, Student Services “đảm đang” như một người mẹ hiền vậy.
Theo chân ông Peter Cocut, Phó hiệu trưởng trường Bellerbys, Giám đốc chương trình A level, tôi lên tầng 2 của tòa nhà, tham quan những lớp học. Vốn đã quen với hình ảnh những lớp học đông chật học sinh, sỹ số thường lên tới 40 - 50 em ở Việt Nam, tôi thực sự bất ngờ khi thấy thày giáo người Anh đang giảng cho khoảng 10 học sinh trong căn phòng đầy tiện nghi.
Học sinh “bùng” học nhiều như vậy? Hỏi mới biết, ở Bellerbys College các lớp học đều rất nhỏ (bình quân khoảng 9 học sinh). Nhờ thế, các học sinh đều được chăm sóc đến từng chi tiết và dẫu có muốn thày giáo “quên” mình cũng chẳng được.
Tôi vào lớp học của chương trình A level đúng vào giờ học Vật lý. Mới nhìn qua, có cảm giác như đây là một phòng thí nghiệm của một nhà khoa học nào đó. Những chùm dây điện, các bình thủy tinh…đang được học sinh bày ra để thực hành. Thày giáo đứng bên cạnh chỉ bảo, rồi có lúc tranh luận với học sinh rất sôi nổi. Ở đây, học luôn đi đôi với hành, thời gian thực hành gần như bằng thời gian học lý thuyết.
Ông Peter Corcut dẫn tôi đến một phòng được dành cho học sinh… nói chuyện riêng. Trong giờ học ở lớp hay học nhóm, nếu ai đó có nhu cầu ra ngoài nói chuyện riêng thì sẽ đến phòng này.
Phía dưới sân trường, còn có một khu vực dành cho học sinh nghiện thuốc lá. Những nơi có vẻ hơi “trái khoáy” như thế đã thể hiện một quan điểm rõ rằng ở đây: “Tự do của mình không làm ảnh hưởng đến người khác”.
Khu vực KTX nằm liền kề với các lớp học, mỗi một học sinh được ở một căn phòng có vẻ như chẳng hề kém cạnh khách sạn hạng sang. Mỗi phòng có một giường ngủ trải ga trắng tinh, một tủ gỗ để quần áo, một góc học tập, cùng với điện thoại bàn và mạng internet… Mỗi một dãy KTX đều có một người giám hộ.
12h30, tôi được dẫn vào nhà ăn của trường, nơi học sinh tự chọn thức ăn vào đĩa, mua đồ uống trong máy bán hàng tự động, và thanh toán bằng thẻ ngân hàng. Thực đơn gồm nhiều món, được chế biến bởi các đầu bếp nam mặc tạp dề trắng tinh. Học sinh da trắng, da màu, da vàng, xếp hàng chọn khẩu phần và ngồi ăn rất trật tự, không thấy ai gọi đồ uống có cồn.
“Cơn thèm” tiếng Việt sẽ được “giải tỏa” khi 13h30, chúng tôi được bố trí gặp những học sinh Việt Nam ở Bellerbys College. Tất cả có khoảng 20 người, đều đang độ tuổi 9X. Hầu hết các em đều theo học chương trình A –Level. Chương trình này tương đương với lớp 11/12 ở Việt Nam.
Học sinh đã tốt nghiệp lớp 10 hoặc 11 tại Việt Nam với kết quả tốt được chấp nhận vào chương trình này. A –Level thường kéo dài 2 năm. Kết quả học tập được đánh giá bằng điểm A, B,C, D. Căn cứ vằo kết quả đó, các trường Đại học ở Anh quốc sẽ nhận học sinh vào.
Những trường hàng đầu luôn yêu cầu học sinh đạt điểm A. A - Level trở thành một “khuôn vàng thước ngọc” đánh giá năng lực học sinh và những ai xuất sắc trong “sân chơi” này sẽ được vào các trường đại học danh tiếng nhất của nước Anh như Cambrigde, Oxford...
Học phí ở Bellerbys một năm khoảng 24.000 USD. Vì thế, những gia đình Việt Nam khá giả mới có thể cho con em sang đây học.
Nhưng để được học trường này cũng phải qua những khâu tuyển chọn nghiêm túc và hầu hết các teen Việt ở đây đều thể hiện mình là con nhà giàu học giỏi. Học giỏi có lẽ cũng một phần vì sự chăm sóc của Bellerbys chu đáo đến ngạc nhiên.
Thiên Anh, cô bé đền từ TP Nha Trang, kể : “Em học hết lớp 10 trường Việt Đức thì sang đây với rất nhiều bỡ ngỡ. Thời gian đầu, em được học một khóa tiếng Anh ngắn trước khi bắt đầu học chương trình học văn hóa của mình. Trường Bellerbys có chương trình đào tạo tiếng Anh rất chuẩn, phù hợp với học sinh Việt Nam.
Các thày cô ở đây có trình độ cao, họ là những chuyên gia trong đào tạo sinh viên quốc tế nên thấu hiểu và nhanh chóng giải quyết những khó khăn trong học tập mà mình gặp phải. Em cũng nhanh chóng hoà nhập với chương trình A level”.
Thu Phương, từng học trường Hà Nội - Amterdam trước khi sang đây, tâm sự: “Khi mới sang Bellerbys College, em đã bị những cú sốc về văn hóa. Nhưng những lúc buồn chán, nhà trường đã khiến em bất ngờ và cảm động khi cử đến nhân viên tư vấn tâm lý bằng... tiếng Việt. Mỗi một học sinh còn có một gia sư riêng để hướng dẫn về học tập cũng như làm đơn vào các trường Đại học”.
Ông Peter Corcut, Giám đốc chương trình A Level Bellerbys College, kể: “Nhiều học sinh A Level xuất sắc nhất của chúng tôi là học sinh Việt Nam. Nghiêm Sơn Tùng, đạt 4 điểm A trong 4 học kỳ sau khi hoàn tất 5 học kỳ tại Bellerbys College và đã dành một vị trí để học ngành Khoa học máy tính tại trường Cambrigde.
Tùng là một trong 8 học sinh xuất sắc khác của Việt Nam nằm trong danh sách 20 học sinh đứng đầu tại Bellerbys College, những học sinh đã đạt ít nhất 2 điểm A và 1 điểm B trong khóa học A level. Học sinh Việt Nam học rất nhanh và xuất sắc ngoại lệ trong các môn Toán, Toán nâng cao và các môn liên kết như Vật lý”.
Trong buổi gặp mặt, các học sinh 9X đã nhắc đến một số ngôi sao về học tập người Việt Nam khiến cho bạn bè các nước khác cũng phải nể phục. Chẳng hạn như Trần Thị Mỹ Linh, Tô Quỳnh Trang, hai nữ sinh đã được mời vào học tại trường đại học nổi tiếng nhất Anh, Cambrigde.
Ít ai biết rằng đằng sau những bản thành tích ấy là cả một sự cố gắng lớn của những người đang độ tuổi học trò, phải xa gia đình, đến học bằng tiếng Anh ở một đất nước hoàn toàn xa lạ. Bí quyết dường như chỉ nằm trong mấy từ: chăm chỉ học hành.
Sự chăm chỉ ấy đã thành “truyền thống” của học sinh Việt Nam ở Bellerbys. Như trong buổi chiều hôm ấy, câu chuyện đang sôi nổi nhưng một số 9X đã phải chào tạm biệt để vào học cho đúng giờ. Ở trường này, không có khái niệm “bùng” học đi chơi.
Ngay cả những ngày nghỉ, teen Việt cũng thường ở nhà học bài, như thế vừa tiếp thu thêm kiến thức lại đỡ tốn tiền. Ở Anh đắt đỏ đến mức nếu cứ tính ra tiền Việt thì…không dám mua gì. Học sinh Việt Nam tại Bellerbys tiêu vặt một tháng tiết kiệm lắm cũng mất khoảng 30 bảng, tương đương 1 triệu đồng.
Một số em đã tranh thủ đi làm ở nhà hàng hoặc dậy sớm đạp xe đưa báo buổi sáng để kiếm thêm tiền. Hình thức giải trí có vẻ “xa xỉ” của teen Việt ở đây là đi xem phim, còn “bình dân” hơn thì tụ tập bạn bè để nấu các món ăn Việt Nam.
Chiều hôm ấy, chúng tôi được các em Thiên Anh, Minh Trang, Diệu Hương mời tới dự bữa cơm tối do các em nấu ở nhà bà chủ người Anh. Nếu ai không muốn ở KTX thì hình thức ở homestay này tiết kiệm hơn và có điều kiện tiếp xúc với người bản xứ nhiều.
Bữa tối giữa những người Việt Nam và Marry, bà chủ người Anh, diễn ra rất đầm ấm nhưng kết thúc sớm để các em học bài. Marry thông thạo tới 5 ngoại ngữ nhưng tối ấy đã gợi lên một không khí cổ điển rất châu Âu khi bà vẫn vừa đan len vừa kể về những kỷ niệm khi cho học sinh thuê nhà.
Các em Diệu Hương, Thiên Anh, Minh Trang, Thu Phương và bà chủ nhà Marry. |
20 năm qua, bà không nhớ hết bao nhiêu sinh viên với các quốc tịch khác nhau đã ở nhà mình, những khi nhắc đến những chàng trai cô gái trò Việt Nam, bà cười bảo: “ Very good students” (những sinh viên rất tốt).
Trong rôm rả nói cười tối ấy, tôi nhận thấy ánh mắt của những nữ sinh ấy rưng rưng khi nghe nhắc đến hai từ “Tết Việt”. Tết cổ truyền này, tại xứ sở sương mù, teen Việt ở Bellerbys sẽ đón Tết bằng nỗi nhớ, và cả những giọt nước mắt, để rồi sau đó lại ngồi vào bàn học vì những giấc mơ còn dang dở.
(Theo Tiền Phong)