Nhưng khi gặp anh Ưng Thanh Dũng, quan niệm của tôi đã thay đổi hoàn toàn. Chủ nhân của hơn 2.000 cổ vật mà giá trị không thể tính bằng tiền là một người đàn ông không còn trẻ nhưng chưa già, cực kỳ giản dị và dễ gần.
Là lính thông tin, hiện kiêm thêm nghề tay trái là chủ doanh nghiệp một cơ sở cơ khí, anh Dũng dường như không có "yếu tố" căn bản nào để đeo đuổi món nghề "quý tộc" là sưu tập cổ vật. Vậy mà anh đã có hơn 20 năm sưu tầm, lưu giữ và nghiên cứu cổ vật. Tại nhà riêng của anh trong con hẻm yên tĩnh đường Nguyễn Kiệm (TP HCM), cổ vật ở khắp nơi. Trên bàn, một cái chậu đồng chưa qua kiểm nghiệm, những mảnh vụn vỡ nằm vương vãi nhưng được bảo quản kỹ lưỡng. Chỗ kia là những thanh kiếm han gỉ được nâng niu vô cùng. Khắp sàn nhà la liệt các chậu, lọ, bình gốm sứ, cái nguyên vẹn, cái thì sứt mẻ.
"Mỗi người có một cái thú. Người thích chơi xe hơi, người lại thích bất động sản. Tôi mê cổ vật, đặc biệt là đồ đồng. Tôi chẳng có gì để lại cho con cái mai sau, chỉ có bộ sưu tập của tôi, đấy là tài sản vô giá, là minh chứng của lịch sử, văn hóa dân tộc mình", anh Dũng tâm sự. Vô cùng "chiếu cố" khi tôi thú nhận không một chút cảm xúc nào với kho tàng của anh dù tôi tin chắc nó cực kỳ quý giá cả về mặt tinh thần lẫn vật chất, anh động viên: "Lúc mới chơi đồ cổ, tôi cũng vậy thôi, không một chút hiểu biết và kiến thức để phân biệt được thế nào là đồ cổ và đồ cũ". Có lẽ, cái giá để học thành nghề của anh là khoản tiền tỷ để mua về một lô đồ mà sau khi được các chuyên gia thẩm định thì hóa ra toàn giả.
"Lúc đó tôi mới tập tành sưu tập. Thú chơi đồ cổ chưa công khai và phổ biến như bây giờ nên những người mới như tôi phải đối mặt với việc không có ai để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm”. Anh cười nhẹ nhõm. Nhưng tôi nghe đồn, cái "nhẹ nhõm" đó của anh lúc này khi đó đã ngốn hết 2 tỷ đồng, nghĩa là số tiền ấy quy ra vàng chắc là gấp nhiều lần so với giá trị tiền bây giờ. Nghe đâu (lại tin đồn) vợ anh vì không chịu nổi sự say mê đồ cổ của anh đã ra đi. Tất nhiên, tôi không dám hé ra chút nào về mấy chuyện này với anh. Con người có giọng nói, tiếng cười như trẻ thơ ấy khiến không ai nỡ làm đau lòng, nhất là tôi đang muốn nhờ anh "mở mắt" cho. Thú thật, nghe cách anh nhìn và nói về cổ vật, tôi nghĩ anh đang miêu tả một người phụ nữ trong mộng.
Chiếc trống chậu Đông Sơn thế kỷ 2-3. |
Đam mê lớn nhất của anh Dũng là trống và súng, hai thứ gắn liền với đời binh nghiệp của anh. Theo anh Dũng, dù ở thời nào, trống luôn được dùng để thúc giục lòng quân dân ta mỗi khi ra trận bảo vệ bờ cõi. Trống đồng thể hiện một nét văn hóa đặc trưng của người Việt. Anh đang sở hữu 12 chiếc trống đồng quý hiếm từ nhiều đời khác nhau, mỗi chiếc có nguồn gốc, ý nghĩa lịch sử riêng. Trống tìm thấy trên sông Đồng Nai, nước men đồng bị mài mòn vì nước. "Nó thật hoàn hảo", anh Dũng thì thầm. Một chiếc khác tìm thấy từ lòng đất ở vùng Phú Thọ, "màu vàng rơm của nó rực rỡ hơn ánh mặt trời", anh tả như một nhà văn. Trống tìm thấy trong hang đá ở Hòa Bình có màu đen bóng. Chiếc trống vỡ tìm thấy ở Thanh Hóa đang chờ thẩm định.
Tuy nhiên, chiếc trống đặc biệt nhất thường gọi là "trống chậu" được tìm thấy ở Quy Nhơn (Bình Định) mà chủ nhân ưu ái đặt nó trong tủ kính. Quả thực, chiếc trống rất đẹp, không kín bưng như các loại trống khác mà rỗng ruột, màu đồng đen với những hoa văn tinh xảo. Tương truyền, khi giặc phương Bắc xâm lược, chúng cấm dân ta không được dùng trống vì đấy là công cụ kêu gọi nhân dân khởi nghĩa. Nhà nào có trống đồng chúng tịch thu hết. Đối phó với lệnh trên, nhân dân đã sáng tạo ra "trống chậu", ngửa lên là chiếc chậu dùng sinh hoạt hằng ngày mà úp xuống thành chiếc trống khi đánh kêu vang rền. Chỉ với một chiếc trống, cả một giai đoạn lịch sử hào hùng, trí thông minh và sáng tạo của dân ta đã được minh chứng rõ ràng. Ngoài ra, anh Dũng cũng sở hữu hơn 500 chiếc nồi đồng to nhỏ các loại, chủ yếu là nồi đồng dùng cho quân lính. Đồ trang sức bằng đồng và gốm thì vô số.
Tường nhà được trang trí bởi đồ gốm cổ. |
Khẩu súng thần công bằng đồng nặng chịch, dài cỡ hơn hai gang tay là vật quý nhất trong bộ sưu tập hơn 40 khẩu súng đồng cổ của anh Dũng. Trên thân khẩu thần công, một vệt nứt toác khá lớn, vừa đủ nhét cả một ngón tay chứng tỏ sức công phá lớn. Theo các chuyên gia, khẩu súng có từ thời Tây Sơn - Nguyễn Huệ, người xưa dùng đạn bằng những hòn đá, nhồi thuốc súng rồi bắn.
Do công cụ quá thô sơ, có những tai nạn xảy ra như "quả đạn" đá bị tắc nổ ngay trong thân súng. "Khẩu thần công của tôi có một không hai vì nó chứng minh cho giả định này”, anh Dũng tự hào. "Anh có bán không? Giá bao nhiêu ?" , tôi ngờ nghệch hỏi. Nhà sưu tập cười vang: "Không bao giờ bán nên không thể có giá”. Tôi nài nỉ: "Thì anh cứ cho một cái giá", đáp lại chắc nịch, "Một triệu đô la”. Tôi hét kinh ngạc, anh liền bồi tiếp: "Có khi còn hơn".
Đang sinh hoạt trong Câu lạc bộ Cổ vật Nam Bộ, anh Dũng đã gặp gỡ và trao đổi với rất nhiều chuyên gia, nhà sưu tập kinh nghiệm mà anh học hỏi nhiều. "Hãy trân trọng quá khứ vì đó là nền tảng của tương lai”, anh nói. Từ anh, tôi học được không chỉ về cổ vật mà còn là một niềm tự hào dân tộc.
Có thể liên lạc với nhà sưu tập cổ vật Ưng Thanh Dũng qua địa chỉ 159/12 Nguyễn Kiệm, phường 3, quận Gò Vấp, TP HCM.
(Theo Thanh Niên)