![]() |
Nguyễn Lâm Thái tự đánh bóng tên tuổi ngày chưa bị bắt. |
Trong tổng số 32 cựu quan chức bưu điện và những người liên quan đến vụ án, có đến 11 bị cáo, nguyên là giám đốc bưu điện, chuẩn bị đứng trước tòa Đồng Nai.
Nguyễn Lâm Thái cùng với 8 giám đốc doanh nghiệp dưới quyền bị truy tố về các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trốn thuế, lưu hành giấy tờ có giá giả. Đó là Vũ Anh, nguyên giám đốc Công ty TNHH sách và thiết bị văn hóa xã; Vũ Ngọc Hoan, nguyên giám đốc Công ty TNHH Siêu điện tử HPT; Vũ Công Đại, nguyên giám đốc Công ty TNHH Thương mại kỹ thuật điện tử; Phạm Văn Tiến, nguyên giám đốc Công ty TNHH thương mại và dịch vụ quảng cáo Sao Bắc; Nguyễn Quang Huy, nguyên giám đốc Công ty TNHH Công nghệ mới và điện tử tin học; Nguyễn Vi Thành, nguyên giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại Sao Sáng; Lê Thanh Hùng, nguyên giám đốc Công ty Cổ phần thương mại xây dựng và quảng cáo Tam Thanh; Nguyễn Tiến Dũng, nguyên giám đốc Công ty TNHH thương mại kỹ thuật Việt Thông.
11 giám đốc Bưu điện bị truy tố Phạm Chương, nguyên giám đốc Bưu điện tỉnh Đồng Nai |
Trong khoảng thời gian từ tháng 10/1999 đến tháng 4/2005, 14 bưu điện, gồm: An Giang, Đồng Nai, Thái Nguyên, Bình Định, Ninh Thuận, Thừa Thiên - Huế, Cần Thơ, Phú Yên, Bình Thuận, Vĩnh Long, Cà Mau, Bạc Liêu, Trà Vinh, Long An đã ký gần 170 hợp đồng với các công ty của Nguyễn Lâm Thái.
Do việc việc ký kết hợp đồng không chấp hành quy định về quản lý đầu tư, xây dựng, sai nguyên tắc, nhiều bưu điện không thực hiện đấu thầu, không báo giá, khảo sát giá thị trường... Hàng loạt giám đốc bưu điện đã thỏa thuận mua, lắp đặt trang thiết bị trước với Nguyễn Lâm Thái, sau đó mới ký hợp đồng để hợp thức hóa...
Để bán được nhiều hàng, Nguyễn Lâm Thái đã tự "dựng" nên 7 công ty con khác nhau, tạo thành tập đoàn CIP để chào hàng, ký hợp đồng, và sử dụng mua bán hóa đơn VAT với các bưu điện. Giá thiết bị do Nguyễn Lâm Thái cung cấp cao gấp nhiều lần giá thị trường. Hàng được mua trôi nổi trên thị trường, hay tại những cơ sở sản xuất giá rẻ nhưng khi bán cho các bưu điện, Nguyễn Lâm Thái ghi thành sản phẩm của những hãng nổi tiếng trên thế giới.
Để bên mua tin rằng giá các loại vật tư, thiết bị do tập đoàn CIP của Thái bán ra là hợp lý, Nguyễn Lâm Thái cùng đồng bọn sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng khống nhằm nâng giá vật tư đầu vào, cố tình ghi sai nguồn gốc xuất xứ.
Ngoài ra, Thái còn "mua chuộc" được một số cán bộ của Trung tâm thẩm định giá, thuộc Bộ Tài chính để việc thẩm định giá vật tư, thiết bị do Thái cung cấp là hàng đảm bảo, tạo lòng tin cho các bưu điện. Đó là ông Nguyễn Văn Thức, giám đốc Trung tâm thẩm định giá và chuyên viên dưới quyền Nguyễn Thị Tuyết Lan cùng cán bộ thuế quận Đống Đa Trương Hồng Hoa. Những người này bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Trong tổng 170 hợp đồng ký với 14 bưu điện có giá trị hơn 47 tỷ đồng, số tiền thiệt hại lên tới hơn 37 tỷ đồng. Trong số này, Nguyễn Lâm Thái cùng các tập đoàn lừa đã chiếm đoạt hơn 24 tỷ đồng.
Trong vụ án này, Viện kiểm sát đã miễn trách nhiệm hình sự đối với ông Trần Tạo, nguyên giám đốc Bưu điện tỉnh Long An; ông Lâm Đợi, giám đốc Bưu điện tỉnh Thừa Thiên Huế cùng 9 trưởng, phó phòng các bưu điện Long An, Cần Thơ, Trà Vinh, Ninh Thuận, Đồng Nai vì đã thành khẩn khai báo, tự nguyện nộp tiền khắc phục hậu quả, có nhiều đóng góp trong đơn vị...
Khánh Ngọc