Trên trang web của hãng, khi nói về Asimo, người ta dùng đại từ “cậu ấy” thay vì “nó” dù những đặc điểm bên ngoài của “cậu ấy” vẫn chưa đủ để cho người ta thấy đó là “con trai” hay “con gái”.
Ý tưởng tạo ra những robot có giới tính rõ ràng ngày càng được chú ý. Hai đại gia đi đầu trong lĩnh vực này là Mỹ và Nhật Bản. Nhưng để tạo ra một robot có giới tính thì vấn đề khó khăn gặp phải là gì?
Tất nhiên không thể dừng lại ở việc tạo cho robot một mái tóc lượn sóng và một chiếc váy ngắn để gán cho robot là phụ nữ. Điểm đặc biệt mà các nhà chế tạo quan tâm trước hết là cách biểu lộ cảm xúc khác nhau nếu có giữa robot nam giới và nữ giới.
Robot Kismet là đồ án tiến sĩ của Cynthia Breazeal, nghiên cứu sinh tại Phòng thí nghiệm trí tuệ nhân tạo thuộc Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT), bước đầu đã tạo ra những thành công trong hướng tiếp cận công nghệ này.
Kismet có thể biểu lộ rất nhiều sắc thái tình cảm như hạnh phúc, buồn rầu, vui vẻ, chán nản, thất vọng, buồn ngủ và thậm chí cả bối rối, e thẹn rất nữ tính. Cynthia cũng đang cùng các SV của mình tạo ra một người em trai cho Kismet, robot Leonardo.
“Đứa em trai” này mang trên mình 70 môtơ gắn ở mắt, miệng, tai, cổ và trên cánh tay khiến Leonardo trở thành robot có khả năng biểu lộ cảm xúc mạnh mẽ nhất từ trước tới nay, rất “đàn ông”: nhún vai để tỏ ra thờ ơ hay phật ý, gãi tai và xoa tay khi tỏ ra bối rối...
(Theo Tuổi Trẻ)