TS.BS Nguyễn Hồng Sơn - Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và Phục hồi chức năng, Bệnh viện Da liễu Trung ương và Ths.BS Lê Thanh Hiền - Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và Phục hồi chức năng, Bệnh viện Da liễu Trung ương là khách mời trong tập 3 của chương trình "Beauty talk" với chủ đề "Xua tan nỗi lo tăng tiết mồ hôi" lên sóng vào ngày 19/9, trên chuyên trang Ngôi Sao. Hai chuyên gia có những chia sẻ về tăng tiết mồ hôi, nguyên nhân, phương pháp điều trị và cách ngăn ngừa tại nhà.
Tình trạng tăng tiết mồ hôi là gì?
TS.BS Nguyễn Hồng Sơn cho biết mồ hôi là chất ngoại tiết của cơ thể, mục đích chủ yếu là điều hòa thân nhiệt. Còn tăng tiết mồ hôi là một trong những rối loạn bài tiết mồ hôi, gây nên bởi tình trạng mồ hôi ra quá mức ở toàn thân hoặc một vùng của cơ thể như: lòng bàn tay, lòng bàn chân, nách, mặt...
Rối loạn mồ hôi có những biểu hiện khác nhau và gồm 3 loại chính. Thứ nhất là rối loạn về số lượng mồ hôi - nghĩa là có thể không có mồ hôi và đối nghịch lại là tăng tiết mồ hôi. Thứ hai là mồ hôi có màu, thậm chí mồ hôi máu nhưng hiếm gặp. Thứ ba là mồ hôi có mùi, có thể đi kèm theo tăng tiết mồ hôi hoặc không.
Với trường hợp này, bác sĩ Sơn giải thích ban đầu, mồ hôi thường không có mùi, trừ phi do ăn uống một vài loại thức ăn hoặc nước uống đặc biệt nào đó vào cơ thể hoặc do một số loại thuốc nhưng trường hợp này thường ít xảy ra. "Mồ hôi có hai loại chính là nước và dầu. Trong đó, mồ hôi dầu có một vài hoạt chất rất dễ bị phân hủy bởi một số loại vi khuẩn. Khi vi khuẩn phân hủy những chất protein có trong mổ hôi mới sinh ra mùi đặc biệt", vị bác sĩ nói.
Bên cạnh đó, tăng tiết mồ hôi bị chi phối bởi nhiều yếu tố khác nhau như: thời tiết, hệ thần kinh... Vì vậy, tình trạng này chỉ trở thành bệnh lý thực sự khi ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt hàng ngày của mọi người.
Nguyên nhân
Ths.BS Lê Thanh Hiền phân tích tăng tiết mồ hôi được chia thành hai nhóm chính. Nhóm thứ nhất là nguyên phát (không rõ hoặc không có nguyên nhân) thường gặp từ trẻ sơ sinh đến người trưởng thành. Tình trạng này xuất hiện phổ biến ở người trước 20 tuổi, có thể là tăng tiết mồ hôi toàn thân hoặc khu trú từng vùng như: lòng bàn tay, bàn chân, vùng nách, mặt...
Nhóm thứ hai là tăng tiết mồ hôi thứ phát (có nguyên nhân), thường xảy ra đột ngột. Nguyên nhân đến từ một số bệnh lý như: tuyến giáp (thường gặp nhất); cường giáp... và có thể chẩn đoán bằng xét nghiệm. Với mỗi loại nguyên nhân khác nhau, các bác sĩ sẽ có phương pháp điều trị riêng. Do đó, người bị tăng tiết mồ hôi cần được thăm khám với bác sĩ chuyên khoa nếu muốn điều trị triệt để.
Phương pháp điều trị
Theo TS.BS Nguyễn Hồng Sơn, có nhiều phương pháp điều trị tăng tiết mồ hôi, được áp dụng tùy theo độ tuổi, tình trạng và mùi mồ hôi của người bệnh. Đối với trẻ sơ sinh, tăng tiết mồ hôi liên quan tới bệnh lý còi xương và chỉ cần điều trị còi xương, tình trạng này sẽ thuyên giảm.
Ở trẻ lớn hơn (2 - 12 tuổi), các biện pháp như thủ thuật, phẫu thuật hoặc biện pháp lâu dài chưa được nghiên cứu đầy đủ nên không áp dụng rộng rãi. Vệ sinh cơ thể là cách đơn giản và cơ bản nhất. Ngoài ra, trẻ có thể sử dụng một số phương pháp điều trị nội khoa như: thuốc bôi, thuốc uống... nhằm hỗ trợ giảm tiết mồ hôi. Còn trẻ trên 12 đến 18 tuổi có thể sử dụng biện pháp xâm lấn như: điện di, tiêm thuốc...
Với người trên 18 tuổi, bác sĩ có thể áp dụng thủ thuật phá hủy các tuyến mồ hôi chọn lọc, phương pháp này thường áp dụng cho vùng nách. Bác sĩ sẽ sử dụng thiết bị công nghệ vi sóng để phá hủy một số tuyến mồ hôi ở nách. Hoặc phẫu thuật đốt hạch giao cảm, khi đó, sự chi phối thần kinh cho việc tiết mồ hôi ở vùng nách, bàn tay không còn nữa, mồ hôi sẽ giảm đi rất nhiều. Đây là biện pháp hiệu quả nhưng vẫn có một vài tác dụng phụ như: tăng tiết mồ hôi bù ở vùng khác theo cơ chế bù trừ hoặc làm cho lòng bàn tay khô một cách quá mức, gây khó chịu cho người bệnh.
Phương pháp điều trị dứt điểm hiện nay được áp dụng rộng rãi là thủ thuật với độ an toàn và hiệu quả cao nhưng chi phí cũng khá cao.
Cách phòng ngăn ngừa tại nhà
Hai chuyên gia cho rằng để ngăn ngừa, cần biết tăng tiết mồ hôi xuất phát từ nguyên nhân nào. Nếu phụ thuộc vào môi trường sống (nhiệt độ và độ ẩm), người bệnh có thể khắc phục bằng cách mặc quần áo rộng, thấm hút mồ hôi tốt để cơ thể thoáng khí nhất, hỗ trợ giảm bớt tình trạng ra nhiều mồ hôi. Ngoài ra, tăng tiết mồ hôi còn phụ thuộc vào trạng thái, cảm xúc nên với những người hay bị hồi hộp, phải rèn luyện, chuẩn bị tâm lý vững vàng để tránh tình huống như vậy.
Còn với những người mồ hôi có mùi thì ngoài một số trường hợp ăn uống, đại đa số là do quá trình phân hủy tuyến mồ hôi do vi khuẩn, việc tắm rửa sạch sẽ hàng ngày là rất quan trọng. Dầu tắm gội cần có chất sát khuẩn để giảm tình trạng này.
Về sản phẩm giúp giảm tiết mồ hôi, bác sĩ Hiền cho biết có hai nhóm chính. Thứ nhất là muối nhôm, thường có trong lăn giảm tiết hoặc giảm mùi mồ hôi. Nhóm thứ hai là ức chế giao cảm bằng đường uống hoặc bôi. Tuy nhiên, nếu sử dụng theo đường uống, sẽ làm giảm tiết mồ hôi hay tiết dịch toàn thân. Do đó, hiện nay người bệnh có thể thay thế bằng thuốc bôi tại chỗ. Tuy nhiên, các sản phẩm này ở Việt Nam hiện chưa có, cũng không được bán rộng rãi ở nhiều quốc gia, chủ yếu chỉ có ở Mỹ.
Tại chương trình, bà Văn Thị Ngọc Hải - Tập đoàn Dược mỹ phẩm châu Âu (EUPC Group), giới thiệu một số sản phẩm hỗ trợ giảm tiết mồ hôi có thể sử dụng tại nhà. Theo bà, những sản phẩm này đều không mùi, không màu để tránh làm gia tăng nặng hơn nữa tình trạng tăng tiết mồ hôi. Hiện, tập đoàn cung cấp sản phẩm Blocker, tác dụng hỗ trợ mạnh, chỉ nên dùng 2-3 lần một tuần, vào buổi tối sau khi đã vệ sinh cơ thể sạch sẽ và trước khi đi ngủ. Còn sản phẩm thứ hai là Sensitive, có thể sử dụng hàng ngày. Ngoài ra, người bệnh có thể sử dụng sản phẩm xịt ngừa tiết mồ hôi chân.
Ths.BS Lê Thanh Hiền tốt nghiệp chuyên ngành Đa khoa Đại học Y Hà Nội năm 2015, tốt nghiệp bác sĩ nội trú và thạc sĩ Da liễu tại Đại học Y Hà Nội năm 2018. Từ năm 2018 đến nay, chị công tác tại khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và Phục hồi chức năng, Bệnh viện Da liễu Trung ương.
Ths.BS Lê Thanh Hiền tốt nghiệp chuyên ngành Đa khoa Đại học Y Hà Nội năm 2015, tốt nghiệp bác sĩ nội trú và thạc sĩ Da liễu tại Đại học Y Hà Nội năm 2018. Từ năm 2018 đến nay, cô công tác tại khoa phẫu thuật Bệnh viện Da liễu Trung ương.
Xem tọa đàm "Xua tan nỗi lo tăng tiết mồ hôi" tại đây.
Như Ý